Trong tỉnh

Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An: Những cảnh ngộ đau lòng do "chơi phường", vỡ nợ.

Vay nợ, tổ chức phường bạn, nhưng thực chất là lừa đảo với số tiền hàng chục tỉ đồng làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khuynh gia bại sản, người đổ bệnh, người bỏ đi biệt xứ... Thế nhưng, kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật(!?).

Ông Nguyễn Vĩnh Tám, xóm Ngã Tư, xã Công Thành; ông Nguyễn Đình Hinh, xóm 3, xã Bảo Thành; bà Phạm Thị Quý, xóm 22; bà Nguyễn Thị Thu, xóm 6 xã Liên Thành, cùng 15 người khác cùng trú tại huyện Yên Thành có đơn tố cáo, từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2016, lợi dụng tín nhiệm "chơi phường" dưới danh nghĩa là giúp nhau vốn làm ăn, bà Phạm Thị Thương, sinh năm 1976, trú tại xóm 6, xã Liên Thành, huyện Yên Thành đã chiếm đoạt của những người kể trên với số tiền 42.952.000.000 đồng. Sau khi ôm gọn số tiền này, Phạm Thị Thương tuyên bố vỡ nợ, sang tên nhà cửa cho người thân, sau đó làm hai gian nhà tạm, nuôi con nhỏ, nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Ông Nguyễn Vĩnh Tám, xóm Ngã Tư, xã Công Thành, kể: Tôi sinh năm 1970, trong một gia đình có đông anh em, tôi là con út. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi phải đi làm từ năm 16 tuổi. Mua chợ ngược, bán chợ xuôi, tiền lãi bỏ vào ống, đến năm 30 tuổi, sau 14 năm buôn bán tiền lãi đã có một số tiền kha khá. Lúc đó đất đai còn rẻ, xe máy cực đắt, một chiếc xe Dream Thái giá trên 30 triệu đồng có thể mua được 3 miếng đất thành phố. Thế nhưng thời đó, phần lớn họ không mua đất mà lại mua xe.

Ngược lại tôi chỉ đi chiếc xe 78 cọc cạch, còn lại để dành mua đất. Tôi mua cả thảy được 10 lô đất rải rác từ thành phố đến nông thôn. Khi có của ăn, của để, tôi cùng vợ thành lập doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm. Ngành nghề kinh doanh: Bán buôn, bán lẻ xe máy, kinh doanh vàng bạc, doanh nghiệp của vợ chồng tôi làm ăn có lãi, hay giúp đỡ người nghèo, người khó khăn. Hiện có những người khó khăn, mua xe máy từ năm 2008 đến nay vẫn chưa trả đủ tiền cho tôi. Ngoài giúp cá nhân, tôi còn hay làm từ thiện như: Tặng xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi xã Mỹ Thành; ủng hộ quỹ người nghèo xã Công Thành hàng chục triệu đồng; góp kinh phí làm sân vận động cho xóm Mỹ Thành; làm đường nhựa vào nghĩa trang liệt sĩ xã…

Ông Tám với hồ sơ đơn tố cáo bà Phạm Thị Thương

Do có nhiều đóng góp cho quê hương, ông Nguyễn Vĩnh Tám đã được tặng nhiều giấy khen của UBND huyện Yên Thành. Lo làm ăn nên mọi việc tiền nong ông Tám giao cho vợ là bà Đậu Thị Nhâm quản lý. Việc Phạm Thị Thương đến vay tiền, đến bàn với bà Nhâm vào "phường", ông Tám đều không biết. Hôm nghe tin Phạm Thị Thương tuyên bố vỡ nợ, ông Tám mới "chết đứng" khi biết vợ mình đã cho vay, góp phường cho Thương với số tiền khổng lồ 6.098.000.000 đồng (sáu tỉ, không trăm, chín tám triệu đồng). Không chỉ vợ ông góp vốn vào phường với Phạm Thị Thương, mà vợ ông còn cho 46 người khác vay tiền để nộp vào phường cho Phạm Thị Thương 26.200.000.000 đồng (hai sáu tỉ, hai trăm triệu đồng). Cụ thể: Bà Thái Thị Hồng, xóm 6 xã Liên Thành vay 2,5 tỉ đồng; bà Nguyễn Thị Thành, xóm 10 xã Liên Thành vay 2,46 tỉ đồng; bà Phan Thị Duyệt, xóm Phú Tập, xã Khánh Thành vay 1 tỉ đồng…

Mất tiền, ông Tám đã bán hết đất đai, ô tô, thế chấp cả nhà và đất ở để vay ngân hàng về trả nợ vẫn không tài nào đủ được. Thế là từ một Giám đốc doanh nghiệp dang ăn nên làm ra, ông trở nên sạt nghiệp, "tan cửa nát nhà". Vợ ông đổ bệnh, thành người tự kỷ, không ly dị nhưng sống ly thân. Con không nhìn mặt cha, vợ không nhìn mặt chồng, nợ nần chồng chất. Vợ chồng đánh nhau như cơm bữa, may mà chưa xảy ra án mạng. Tài sản duy nhất là ngôi nhà cũng bị ngân hàng chuẩn bị đến siết nợ.

Nhà một con nợ không chịu trả tiền cho ông Tám

Cùng cảnh ngộ với ông Tám, có ông Nguyễn Đình Hinh, sinh năm 1969, trú tại xóm 3, xã Bảo Thành. Do chịu khó làm ăn, thích ứng với cơ chế thị trường, ông Hinh sang Nga làm ăn buôn bán. Sau một thời gian làm ăn thuận lợi, ông đưa cả vợ cùng sang. Năm 2012, khi đã có của ăn, của để, con cái đã trưởng thành, ông cùng vợ về ở quê. Sống ở nông thôn có khoảng dăm tỉ bạc đã là ''đại gia". Ông mua ô tô, mua đất làm nhà cao tầng, ngoài ra còn có vài tỉ để làm ăn buôn bán. Thời buổi kinh doanh khó khăn, lại nghe lời nói ngon ngọt của Thương, vợ chồng ông Hinh đã cho Thương vay 3,4 tỉ đồng. Số tiền trên lúc đầu Thương còn trả lãi, nhưng sau không trả, hỏi thì khất dần, sau nữa thì trốn biệt. Mất của, xót người, vợ bổ bệnh do tai biến nằm điều trị gần 8 tháng trời ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, nay trở thành người tâm thần phân liệt. Ngôi nhà vợ chồng tích cóp làm nên, nay ngân hàng chuẩn bị đến siết nợ. Trước đây ông Hinh đi ô tô, ở nhà tầng, nay xe máy cũng không có mà đi, vì thấy ông đi xe máy là có người đến đòi nợ.

Còn bà Nguyễn Thị Hợp, ở xóm 5, xã Hợp Thành, thế chấp bìa đất và nhà để vay ngân hàng 1 tỉ đồng về làm vốn, cộng với trong nhà có 200 triệu.Tiền vay ngân hàng mới được 20 ngày, Phạm Thị Thương đến nói ngon, nói ngọt thế nào mà bà Hợp trút cả hầu bao 1,2 tỉ cho Thương vay. Đến nay Thương tuyên bố vỡ nợ, bà như ngồi trên đống lửa. Tiền thì Thương tiêu còn hàng tháng bà Hợp phải trả cho ngân hàng 9 triệu tiền lãi. Nay bà không có khả năng trả nợ nên ngân hàng cũng chuẩn bị phát mãi tài sản của bà. Không riêng gì mấy người kể trên mà còn có hàng chục người khác cũng là con nợ của Thương, trong đó có nhiều người phải bỏ đi biệt xứ.

Sau khi Thương tuyên bố vỡ nợ, chốt nợ với mọi người với tổng số tiền hơn 42 tỉ, thì Thương chuyển nhượng nhà cho người thân, xây tạm hai gian nhà nhỏ, mấy mẹ con ở với nhau xem như không có chuyện gì xảy ra. Ai đến đòi nợ thì Thương trả lời là cho người khác vay, nay không lấy được. Khi mọi người hỏi cho ai vay thì Thương lại không chứng minh được. Bức xúc trước việc làm nhẫn tâm lừa đảo nhiều người khiến cho họ phải khuynh gia bại sản, các ông Nguyễn Vĩnh Tám, Nguyễn Đình Hinh, Nguyễn Thị Thu, Phạm Thị Quý, Phạm Thị Thành…đã cùng nhau viết đơn gửi Công an huyện Yên Thành và các cơ quan chức năng của huyện này yêu cầu khởi tố vụ án. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được các Thông báo Số 24TB/CAH ngày 15/4/2017, Thông báo số 21 TB/CAH ngày 15/4/2017 của Công an huyện Yên Thành là: " Việc chị Thương vay nợ là đúng, tuy nhiên hiện vẫn chưa chứng minh được chị Thương có phạm tội hay không. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành đã tạm dừng việc xác minh tin báo tố giác tội phạm theo quy định. Khi có căn cứ, tài liệu mới, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Yên Thành sẽ tiếp tục điều tra xác minh".

Trong vụ việc này Công an huyện Yên Thành xác nhận là quan hệ dân sự vay mượn là đúng khi thực hiện vay mượn, nhưng đến hạn không trả tiền vay thì theo điểm b, Khoản 1, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: "Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.” là phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”. Theo viện dẫn trên thì Công an cho rằng “chưa chứng minh được chị Thương có phạm tội hay không” là chưa đúng với thực tế.

Từ căn cứ này, các công dân của huyện Yên Thành có quyền làm đơn đề nghị Công an huyện vào cuộc điều tra để có căn cứ vay không trả nợ chiếm đoạt tài sản công dân của Phạm Thị Thương, theo đúng điểm b khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017

Tác giả: Trung Hiếu

Nguồn tin: ngaymoionline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP