Du lịch

Hoảng hồn nếm thử loạt đặc sản “độc, lạ, dị” dọc miền đất nước

Ẩm thực Việt Nam vốn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, hấp dẫn được chế biến cầu kỳ, tuy nhiên cũng không ít “đặc sản” khiến thực khách “khóc thét”, không dám nếm thử.

Món tiết canh cá được xem là đặc sản ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Nhịp sống Tây Bắc

Tuy không phải là món ăn phổ biến, nhưng món tiết canh cá vẫn được người dân ở một số tỉnh miền núi phía Bắc ưa chuộng và xem như đặc sản. Món ăn này có cách chế biến khá cầu kỳ chỉ được làm vào những dịp lễ, Tết hoặc thiết đãi khách quý.

Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc có bí quyết riêng tránh mùi tanh và lạnh bụng khi chế biến món tiết canh cá "độc nhất, vô nhị" này. Trong đó, cá ngon để làm tiết canh phải có trọng lượng ít nhất từ 2kg trở lên. Phần nhân tiết được làm cầu kỳ từ cá rô đồng. Cá rô hấp chín, sau đó lọc lấy thịt rồi đem chiên giòn cho thấm gia vị.

Tiết canh sau khi được đánh xong, đem đổ lên phần nhân đã trải sẵn trong bát, rồi đợi cho tiết đông hoàn toàn thì thưởng thức.

Khi ăn, người dân nơi đây thường ăn kèm với lạc rang, rau húng, mùi tàu đặc biệt không thể thiếu chanh tươi và rượu ngô đặc sản.

Món nem sống được chế biến từ thịt sống không qua nấu chín, lên men. Ảnh minh họa

Khác với các món nem lên men ở các nơi khác, nem sống Vị Thủy (Thái Bình) được chế biến để ăn tươi.

Để món ăn này an toàn, những người chế biến phải có nguyên tắc là không được rửa thịt qua nước lạnh.

Các đồ chế biến như dao, thớt cũng không được rửa bằng nước lã, mà nhất thiết phải rửa bằng nước sôi hoặc bằng nước sôi để nguội pha muối loãng.

Nếu là thịt mua ở chợ, đã để ra ngoài vài tiếng, thì người ta thường nhúng vào nước sôi sau đó chế biến. Còn thịt cắt ra từ con lợn vừa mổ thì không cần nhúng nước, vì theo người dân nơi đây, nếu thịt chín tái sẽ giảm độ ngọt khi ăn.

Điểm chính khiến món ăn này an toàn chính là tỏi. Để chế biến được 1kg thịt phải cần đến một bát con tỏi bóc nõn đập dập, rồi trộn với thịt đã băm nhuyễn.

Người làng Vị Thủy không chỉ làm món nem sống từ thịt mà còn làm từ xương lợn sống.Theo đó, xương được băm nhỏ đến khi nào sờ thấy mịn, mát tay thì rắc thêm mì chính, bột canh, mắm cốt cho đậm đà.

Các loại rau thơm như mùi tàu, răm cũng được trộn vào xương băm nhuyễn. Khi những khúc xương đã nhừ thành một thứ bột mịn, dẻo quánh, thì trộn gạo rang đã giã thành bột vào (hay còn gọi là thính).

Khi ăn người dân trong vùng thường ăn với lá đinh lăng và sung. Nem sống được xem là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ, Tết của bà con nơi đây.

Sâu muồng là loại cây sống trên thân cây muồng, người dân Tây Nguyên thường đợi cho loại sâu này cuốn kén rồi mới mang về chế biến món ăn.

Những con sâu muồng béo núc, đậu chi chít trên lá cây khiến nhiều thực khách không khỏi rùng mình, khiếp sợ. Thế nhưng, đây lại là món đặc sản “tuyệt phẩm” chỉ có ở Tây Nguyên.

Sâu muồng chỉ ăn lá, bám đầy trên các lá cây. Chúng không phủ trên mình lớp lông như các loài sâu thường thấy mà da trơn, di chuyển bằng cách cong thân hình lại rồi tung đầu ra phía trước.

Khi sâu đến mùa đóng kén thì người dân mới lên nương rẫy, bắt về chế biến các món ăn. Sâu muống bám chi chít, dày đặc trên cây, chỉ cần vạch một lá, là dễ dàng bắt được 5-7 con nhộng múp míp.

Người dân Tây Nguyên có nhiều cách chế biến món ăn ngon với nhộng muồng.

Với món nhộng muồng sống, nhộng đem bắt về được ăn với mắm ớt hoặc muối tiêu, uống kèm với chén rượu cần được ví như “đặc sản” không gì sánh được.

Nhộng có vị béo, ngọt nước, tan chảy trong miệng. Tuy nhiên, nếu không đủ can đảm, bạn có thể nếm thử các món nhộng muồng chế biến chín như: chiên, xào, luộc…

Rắn hổ hành – một loại rắn chuyên ăn ếch, nhái được xem là đặc sản ngon trứ danh ở miền Tây Nam Bộ.Trong đó, nổi tiếng và được ưa chuộng nhất phải kể đến món lẩu rắn.

Rắn sau khi bắt về được chặt bỏ đầu, rồi đem hơ rắn trên lửa ngọn hoặc trụng nước sôi. Người miền Tây thường giữ lại túi mật để pha với rượu phục vụ thực khách trên bàn nhậu.

Rắn sau khi sơ chế xong không cần tẩm ướp, cho thẳng vào nồi cùng sả đập dập, đổ nước vừa ăn và cho lên bếp đun sôi chừng 20 phút. Tiếp đó, bỏ củ cải đã cắt khúc vào nấu thêm 10 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Mùi thơm của xả sẽ giúp cho rắn loại bỏ được mùi hoi khó chịu.

Lẩu rắn có nước trong, vị ngọt đậm đà của thịt rắn. Khi ăn, thực khách thưởng thức thức cùng rau mồng tơi, mướp thái vát, lá lốt và các loại rau đặc sản của sông nước miền Tây.

Món lẩu rắn tuy bề ngoài có vẻ “kinh dị”, thách thức lòng can đảm của thực khách nhưng nếu vượt qua được cảm giác sợ hãi ban đầu, đây quả là món ăn hấp dẫn, đặc trưng cho ẩm thực miền Tây.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP