Pháp luật

Hàng loạt cửa hàng bán điện thoại trả góp “mắc bẫy” kẻ dùng giấy tờ giả

Sử dụng 10 bộ giấy tờ giả, bị cáo lừa đảo hàng loạt cửa hàng, mua điện thoại trả góp

Hình minh họa

“Kẽ hở” trong quy trình

Theo cáo trạng, Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh,, TP.HCM) 100% vốn nước ngoài, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với hệ thống các cửa hàng Thế giới Di động và Viễn Thông A để cung cấp dịch vụ cho khách hàng mua điện thoại di động bằng hợp đồng tín dụng trả góp.

Phát hiện thấy “kẽ hở” trong quy trình làm hồ sơ, Dương Gia Huy (SN 1993, thường trú Cư xá Thanh Đa, Quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã lập hàng loạt hồ sơ giả để mua điện thoại rồi “biến mất”.

Ngày 24/3, TAND TP.HCM đưa bị cáo Dương Gia Huy ra xét xử về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tòa, Huy khai ban đầu vì nhu cầu cá nhân nên đến của hàng Thế giới Di động mua điện thoại trả góp.

Sau khi thấy các nhân viên ở đây chủ quan không kiểm tra kỹ thông tin, không đối chiếu ảnh của khách hàng, Huy nảy sinh ý định làm giả giấy tờ để mua điện thoại trả góp của Thế giới di động có sự bảo lãnh của công ty Home Credit.
Thủ tục mua điện thoại trả góp khá dễ dàng, người mua chỉ cần xuất trình CMND và giấy phép lái xe. Do trước đây làm ở bến xe Miền Đông, Huy biết có người thường bán giấy tờ tùy thân. Tại đây Huy đã “mua buôn” 10 bộ CMND và giấy phép lái xe.

Tại phiên tòa, chủ tọa hỏi bị cáo: “Chứng minh nhân dân với giấy phép lái xe ở đâu ra mà nhiều thế, mua “cả bộ” luôn được sao?”. “Bị cáo không biết ở đâu, chỉ thấy người ta bán thì mua”, Huy đáp.

Có những bộ giấy tờ tùy thân đó, nam thanh niên đã đến các cửa hàng Thế giới di động ở khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM để mua điện thoại di động trả góp.

Để các nhân viên khỏi nghi ngờ, Huy không mua những loại điện thoại đắt tiền mà chỉ lựa chọn các loại điện thoại tầm trung từ 5 -7 triệu đồng. Tổng số tiền đối tượng chiếm đoạt của công ty Home Credit là hơn 50 triệu đồng..

Chủ tọa: “Bị cáo có thay ảnh của mình vào các CMND và giấy phép lái xe mua được không”? “Dạ, không”.

Chủ tọa quay sang đại diện công ty: “Quy trình tiếp nhận hồ sơ bán một chiếc điện thoại trả góp của công ty như thế nào?”. Đại diện công ty trả lời: “Khách hàng xuất trình CMND và giấy phép lái xe cho nhân viên của công ty kiểm tra. Sau khi nhập đầu đủ thông tin cá nhân của người mua, nhân viên công ty sẽ chụp ảnh khách hàng để lưu vào hồ sơ và làm hợp đồng. Ngoài ra, khách hàng còn phải cung cấp 2 số điện thoại người thân để công ty xác minh”.

Chủ tọa: “Số điện thoại thì đâu có gì khó, bị cáo Huy dễ dàng mua một lúc 30 chiếc sim khuyến mại để cung cấp cho công ty xác minh. Nhưng HĐXX không hiểu được, tại sao các nhân viên của công ty không đối chiếu ảnh trên giấy tờ tùy thân với khách hàng. Để bị cáo không phải 1-2 lần mà đến 10 lần qua mặt như vậy, phải chăng công ty chạy theo doanh số nên đã buông lỏng quản lý”?

Đại diện công ty giải thích: Do những giấy tờ tùy thân bị cáo Huy sử dụng hầu hết đã cũ nên khó đối chiếu nhận dạng. Mặt khác, trong các nhân viên để xảy ra sai sót, có nhiều nhân viên làm hợp đồng, kinh nghiệm làm việc chưa có. Bên cạnh đó, phía công ty cũng khẳng định sau vụ việc trên phía công ty đã chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình mua bán hàng trả góp.

Lời biện hộ trước tòa

Bị cáo lý giải hành vi phạm tội của mình: Thời điểm đó bị vợ bị cáo mới đẻ, cần tiền mua sữa cho con nên bị cáo mới làm liều như vậy.

Đại diện viện kiểm sát:

- Trước đây mấy tháng bị cáo có bị đưa ra xét xử lần nào chưa?

- Tháng 8/2016 bị cáo TAND quận 1, xử 9 tháng tù về tội lừa đảo

- Thủ đoạn như thế nào?

- Dạ cũng mua hàng trả góp.

- Khi đem tiền về cho vợ, bị cáo có nói số tiền trên do lừa đảo mà có hay không?

- Không, bị cáo nói bị cáo đi phụ xe nên có tiền

- Có đúng như vậy không?

- Dạ đúng.

Dừng một lát, Kiểm sát viên hỏi tiếp: Hiện Viện đang thụ lý hồ sơ một vụ án, vợ bị cáo lừa đảo với thủ đoạn tương tự, bị cáo có biết không?

Bị cáo Huy giật mình, lúng túng: “Dạ …có biết”.

- Hiện vợ bị cáo bị giam giữ hay được tại ngoại?

- Do con bị cáo còn nhỏ nên vợ bị cáo được tại ngoại.

Nữ kiểm sát viên nhỏ nhẹ: Bị cáo và vợ bị cáo mới hơn 20 tuổi, “sức dài vai rộng” nên không ai có thể chấp nhận kiểu giải thích: phạm tội để lấy tiền mua sữa cho con được. Chăm chỉ chịu khó thì thiếu gì công việc để kiếm sống, chẳng qua hai vợ chồng bị cáo lười lao động, không muốn đổ mồ hôi công sức nhưng lại muốn có nhiều tiền để tiêu xài nên mới đi lừa đảo. Khi thực hiện hàng vi phạm tội bị cáo có nghĩ, nếu cả hai vợ chồng cùng đi tù thì ai sẽ nuôi con hay không?

Nhắc đến con, nam bị cáo này xúc động đến nỗi hai chân run lẩy bẩy, bàn tay bám chặt vào vành móng ngựa.

Huy vừa trình bày vừa khóc: “Thời điểm bị bắt, con bị cáo mới đầy năm. Vợ bị cáo đang được tại ngoại nhưng chắc rồi cũng đưa ra xét xử nay mai.Bị cáo ở trong tù cứ nghĩ đến con là không sao ngủ được, ân hận rất nhiều. Nếu được cho làm lại bị cáo không bao giờ làm như vậy nữa. Xin HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt để bị cáo có thể về lao động nuôi con, khắc phục hậu quả cho công ty. Bị cáo sẽ làm người lương thiện không bao giờ phạm tội nữa”.

Tuy nhiên, sau khi nghị án HĐXX nhận định: Bị cáo hiện đang chịu một bản án khác về tội cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho thấy bị cáo có nhân thân xấu. Từ đó, quyết định tuyên phạt Dương Gia Huy 4 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó của TAND quận 1, Huy phải chịu là 4 năm 9 tháng tù giam.

Tác giả bài viết: Hoàng Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP