Xã hội

Đền Diên Cờ (xã Nghi Trường) được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2280/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Đền Diên Cờ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Đền Diên Cờ là di tích cấp tỉnh.

Đền Diên Cờ được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, thuộc địa bàn thôn Diên Cờ, làng Đông Chử, tổng Thượng Xá, huyện Chân Lộc (nay thuộc xóm 14, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc). Đền Diên Cờ được xây dựng để thờ các vị thần, các nhân vật lịch sử có công lao to lớn với dân với nước, được nhân dân tôn kính, ngưỡng vọng như: Thần Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa thánh Mẫu, Đức thánh Trần; Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí; Ngoài ra tại đền còn thờ các nhân vật lịch sử như cụ Nguyễn Thức Vạn, Tiến sỹ Lê Văn Vận, Lương y Đỗ Văn Sỹ, Tướng Đinh Văn Sung, Lương y Lê Văn Tần…
đền+diên+cờ+2
Đền Diên Cờ

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền Diên Cờ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng, trở thành công trình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Tại đền hàng năm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, đặc biệt là lễ hội diễn ra từ ngày ngày 19 – 22 tháng 1 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, tháng 4 năm 1930, dưới sự chỉ đạo của phân cục Trung ương, những Đảng viên đảng Tân Việt của Nghi Lộc đã hội họp bí mật tại đền Diên Cờ để nhận định tình hình và định hướng con đường hoạt động. Sau đó, nhóm đã về nhà thờ Nguyễn Thức Tự tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản huyện Nghi Lộc và cử ra Ban Chấp Hành Huyện uỷ lâm thời huyện Nghi Lộc do ông Nguyễn Thức Mẫn làm Bí thư. Sau khi Huyện uỷ được thành lập, Đền Diên Cờ trở thành nơi hội họp bí mật bàn kế hoạch hoạt động của Huyện uỷ Nghi Lộc, nhằm đưa phong trào cách mạng đi lên. Nhờ vậy, phong trào cách mạng của Nghi Trường phát triển mạnh, nhiều cuộc biểu tình của 2 làng Đông Chử và Kỳ Trân diễn ra liên tiếp. Trong giai đoạn 1936 – 1940, với địa thế kín đáo, đền Diên Cờ được Trường Tiểu học của tổng Thượng Xá chọn làm địa điểm chuyển về dạy học nhằm che mắt kẻ địch, đền trở thành cơ sở liên lạc của các đảng viên trong tổng Thượng Xá nhằm phục hồi và phát triển phong trào cách mạng. Giai đoạn 1946 – 1954, Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Nghi Lộc đã chọn đền Diên Cờ làm trụ sở hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng của toàn huyện. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện chủ trương kháng chiến của Đảng, hạ điện được tháo dỡ làm trường học, thượng điện được trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An chọn làm địa điểm giảng dạy.

Do biến thiên của lịch sử, bom đạn chiến tranh, thiên tai bão lụt tàn phá khiến đền Diên Cờ bị xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Năm 2012, được sự đồng thuận của chính quyền các cấp và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nhân dân trong xã cũng như du khách thập phương, đền Diên Cờ đã được trùng tu trên nền cũ với quy mô khang trang, bề thế, đây là một trọng những di tích có quy mô lớn nhất của huyện Nghi Lộc nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Hiện nay, đền có khuôn viên rộng hơn 5000m2, bao gồm các công trình đẹp, kết cấu cân đối, hài hòa như: Thượng Điện, Trung điện, Hạ điện, Cổng tam quan, sân đền, sân lộ thiên ...Đặc biệt, tại đền Diên Cờ còn lưu giữ 07 đạo sắc phong có giá trị cao về nhiều mặt như lịch sử, ngôn ngữ, địa danh...

781111 small 80983
Bên trong trung điện Đền Diên Cờ

Việc xếp hạng di tích Quốc gia cho Đền Diên Cờ là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những giá trị to lớn của di tích, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích Đền Diên Cờ trong thời gian tới.

Tính đến năm 2016, huyện Nghi Lộc đã có 23 di tích được xếp hạng, trong đó có 10 di tích cấp Quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh.

Tác giả bài viết: Trọng Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP