Trong nước

Cuộc gặp đầu tiên của Bác Hồ và chị gái ở Hà Nội sau nhiều năm xa cách

Tại số nhà 12 Ngô Quyền (Hà Nội), Bác Hồ lần đầu tiên gặp lại chị gái ruột của mình sau bao nhiêu năm xa cách.

Trong cuốn sách "Những người thân trong gia đình Bác Hồ" của Nhà xuất bản Nghệ An, độc giả rất xúc động khi đọc những chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với người chị ruột là bà Nguyễn Thị Thanh.

Theo đó, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Nguyễn Thị Thanh sau một thời gian hoạt động cách mạng ở nhiều nơi đã chuyển về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời điểm này, bà đã vào độ tuổi ngoài 60. Khi được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh - em trai mình đang ở Hà Nội, bà đã lặn lội đi thăm. Ông Hồ Quang Chính, người chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động ấy, sau này là tác giả cuốn hồi ký "Bác Hồ gặp chị và người anh ruột" đã thuật lại trong cuốn sách như sau:

Hôm ấy, vào lúc 11h30 ngày 27/10/1946 vừa nhìn thấy Bác, bà Thanh vừa gọi, vừa chạy lại ôm lấy Bác: "Cậu, cậu, cậu khỏe không?". Bác khóc, nước mắt Bác thấm vào cánh tay áo của bà. Rồi Bác lấy khăn lau mắt mình và nói: "Chị khỏe không? Em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra, chưa thể dứt việc được".

Sau phút giây cảm động ấy, Bác và bà Thanh đi lại phía bàn. Bác kéo ghế mời bà Thanh ngồi, bà Thanh hỏi Bác: "Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không? Còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài non nước không? Thuở đó, gia đình ta khá vất vả".

Chân dung bà Nguyễn Thị Thanh - chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói đến đây, bà lại khóc khiến nét mặt Bác bùi ngùi cảm động. Bác lấy khăn chấm chấm đôi mắt mình, vừa hút thuốc, vừa nhìn ra cửa sổ, Bác nói: "Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình, những chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Chị ơi, ở nước ngoài, có đôi khi đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nghe một lời ru con của người mình, thì lòng dạ mình lại càng thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con".

Sau đó, Bác hỏi đến quê hương làng Kim Liên, làng Hoàng Trù (quê nội và quê ngoại Bác), ông nội của anh Nguyễn Sinh Thọ (cháu gọi Bác Hồ bằng ông) và một số cụ ở quê nhà. Bà Thanh và anh Thọ lần lượt trả lời. Sau khi Bác nói chuyện với bà Thanh, anh Thọ, Bác quay sang để tay lên vai tôi và hỏi: "Thế còn cháu quê ở làng nào?". Tôi trả lời: "Thưa ông, cháu quê ở làng Thọ Toán cuối huyện Nam Đàn". Nói đến đây, tôi sợ Bác không biết làng tôi, tôi thưa tiếp: "Thưa ông, làng cháu ở gần làng Phổ Đông, Phổ Tứ, làng Nam Kim, gần sông Lam, gần cầu sắt Yên Xuân". Bác nói: "Ờ, ờ, ông nhớ rồi, vùng đó có bãi giữa khá to của sông Lam, có lần ông đã đi đò dọc qua đó để đưa thư cho các cụ hoạt động chống đế quốc Pháp".

Rồi Bác hỏi cha mẹ tôi, hỏi tôi gặp và quen bác Hồ Tùng Mậu từ bao giờ? Tôi lần lượt trả lời Bác Hồ. Bác nói: "Tuy xa quê lâu, nhưng ông vẫn nhớ hàng dâm bụt, dãy chè xanh, đến tương, món cá khô, đến hát dặm Nghệ - Tĩnh". Bác hỏi chúng tôi có hay đi hát phường vải không? Và Bác mỉm cười.

Bà Thanh sực nhớ và nói: "Chị biếu cậu một chai tương Nam Đàn và hai con gà". Vừa nói, bà vừa chỉ vào góc tường chỗ để chai tương và hai con gà. Bác vui vẻ đáp: "Cảm ơn chị và hai cháu, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng ăn cho vui, gà để nuôi cho nó đẻ trứng".

Thể hệ trẻ về thăm và tìm hiểu lịch sử ngôi nhà thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Bà Thanh thân mật hỏi Bác: Khi nào cậu về thăm quê được?. Bác nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau, Bác trả lời: "Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm". Hai chị em đôi mắt ngấn lệ.

Chuyện trò được một lát, khoảng nửa giờ, thấy có người vào trình việc, biết Cụ Hồ đang phải giải quyết nhiều việc cần kíp của đất nước khi mới giành được độc lập, bà Thanh về nhà người quen ở phố Hàng Nón.

Hôm biết bà Thanh sắp về quê, Bác Hồ đang bận rộn quá nhiều công việc, phải nhờ người đem đến biếu bà mấy mét vải lĩnh để về may quần áo gọi là chút quà kỷ niệm sau nhiều năm chị em xa cách giữa lúc đất nước chìm đắm trong tối tăm, nô lệ. Nay hai chị em gặp lại trong không khí Tổ quốc đã giành được chính quyền về tay nhân dân.

Do tuổi già, sức yếu và bệnh tình quá nặng, bà Nguyễn Thị Thanh đã qua đời vào tháng 3/1954. Cuộc đời bà là tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam về đạo đức, phẩm chất cao quý và tấm lòng yêu nước sâu sắc.

Tác giả: PV

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP