Giáo dục

Covid-19 hoành hành vẫn có thí sinh mê học nghề du lịch

Trong khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, ngành du lịch điêu đứng nhưng vẫn có nữ sinh trao đổi trên diễn đàn hướng nghiệp: Bây giờ em nói muốn học ngành du lịch, có ai la rầy em không?.

Suy nghĩ tưởng chừng "tréo cẳng ngỗng" của Hà Luyến, vậy mà lại được nhiều học sinh và cả người đi làm đồng tình hưởng ứng. Cùng suy nghĩ với chọn lựa này của nữ sinh Luyến - một bạn nữ khác đã bỏ học đi làm công nhân 3 năm, giờ suy nghĩ lại cũng muốn dành dụm tiền để học ngành này với lý do "được đi nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp, ăn nhiều món ngon, gặp gỡ nhiều người…".

Bùi Thị Nguyệt chia sẻ: "Tình hình dịch căng thẳng quá lại nhớ sở thích hồi bé là được đi đây đi đó, muốn làm hướng dẫn viên du lịch mà vì điều kiện kinh tế không cho phép, phải nghỉ học làm công nhân".

Còn nhiều bạn trẻ khác thì tỉnh táo hơn, tư vấn cho Hà Luyến: "Dịch thì cũng sẽ hết, lúc đó thì mọi người đã quá cuồng chân, sẽ đi du lịch nhiều hơn. Nhưng cũng phải tính toán xem bạn mới ra trường có cạnh tranh nổi với anh chị làm lâu năm đang chờ việc đầy ra hay không?".

Ngành du lịch khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm nay (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, thực tế ngành du lịch khủng hoảng kéo dài hơn một năm nay, nhân lực ngành này rơi vào cảnh thất nghiệp rất nhiều.

Tuy nhiên, điều tưởng chừng nghịch lý đã xảy ra trong mùa tuyển sinh 2021 - 2022, đó là tỷ lệ học sinh đăng ký học ngành này vẫn rất cao.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2021, nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có hơn 199.000 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tuyển hơn 24.000 chỉ tiêu (gấp 8,2 lần).

Trong đó, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là hơn 48.000, gấp 2 lần chỉ tiêu và đứng thứ 4 trong 15 nhóm ngành được thí sinh đăng ký nhiều nhất. Về mức độ cạnh tranh trong xét tuyển, khối ngành du lịch - dịch vụ đang đứng thứ 4 trong 24 nhóm ngành.

Khảo sát tại các trường nghề ở TPHCM cũng cho thấy tỷ lệ học sinh đăng ký học nhóm ngành này vẫn thuộc top cao của các trường, đặc biệt là ở hệ 9+ (học sinh tốt nghiệp THCS học hệ Cao đẳng).

Theo đại diện một trường cao đẳng tại TPHCM, học ngành du lịch hệ trung cấp, cao đẳng thì có lợi thế là thời gian đào tạo ngắn hơn hệ đại học nên hấp dẫn thí sinh. Đặc biệt, hệ 9+ thì thời gian rút ngắn hơn rất nhiều, 19 tuổi đã có thể ra trường làm việc với bằng cao đẳng.

Ngoài ra, hệ đào tạo này cũng không quy định điểm chuẩn đầu vào, chủ yếu xét học bạ THPT, THCS nên dễ dàng đăng ký học. Bên cạnh đó, các trường nghề rất chú trọng đến thực hành nên sinh viên được cọ xát, trải nghiệm nhiều hơn, dễ tiếp cận công việc khi ra trường và nhanh có cơ hội đi làm.

Điều quan trọng hơn nữa là chi phí đào tạo ở cấp học này cũng nhẹ nhàng hơn đại học. Hầu hết các trường đào tạo ngành du lịch hệ 9+ (Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị du lịch và lữ hành…) đều bố trí chương trình học 105 tín chỉ, học phí mỗi tín chỉ như tại trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn là 420.000 đồng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, việc nhiều học sinh chọn học ngành du lịch trong thời điểm này là rất bình thường. Bởi khủng hoảng nhân lực ngành du lịch hiện tại là tình thế. Sau khi hết dịch, ngành du lịch sẽ đối mặt với hiện thực là thiếu nhân lực trầm trọng.

Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM giải thích: "Nhân lực ngành du lịch thất nghiệp là do đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Khi tình trạng này kéo dài, nhiều nhân sự không đeo bám nổi, chán nản, bỏ nghề, đi làm nghề khác… Khi hết dịch, họ đã có thu nhập ổn định từ nghề mới, sẽ khó lựa chọn quay lại nghề cũ".

Theo ông Tuấn, thời điểm hết dịch sẽ là cơ hội cho người mới khi nhân sự cũ đã bỏ nghề và nhu cầu du lịch bùng nổ sau thời gian dài bị kìm nén.

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP