Trong tỉnh

Covid-19 được kiểm soát ở Nghệ An, tập trung đảm bảo ATGT sau dịch

Trong trạng thái bình thường mới, Ban ATGT đã gấp rút triển khai các biện pháp ngăn nguy cơ TNGT với tinh thần "không để thành chuyện đã rồi".

Xóa điểm đen nơi huyện miền núi

Trong 2 ngày 8 và 9/11, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Ông Phan Huy Chương - Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Nghệ An, cho biết: Nhiệm vụ đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ thường xuyên, cần phải được triển khai liên tục, quyết liệt. Tuy nhiên, vừa qua do dịch bệnh bùng phát, các lực lượng phải tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nên công tác này bị gián đoạn.

Hiện, dịch đã được kiểm soát, người dân cũng bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, các địa phương cũng cần phải bắt tay làm ngay những việc còn dang dở.

Đoạn cua gấp khuất tầm nhìn tại Km143+600 QL7 (Tương Dương) thời gian gần đây liên tục xảy ra lật xe tải và va chạm giao thông.

Đợt này, Ban ưu tiên chọn làm ở các địa bàn miền núi như: Kỳ Sơn, Tương Dương vì nơi đây mật độ tham gia giao thông tăng đột biến do nhiều người đi lao động ở xa về tránh dịch. Sự thay đổi nơi sinh sống, thói quen tham gia giao thông cũng làm tăng nguy cơ tai nạn. Đặc biệt, trong trạng thái bình thường mới, một số nơi, một số lực lượng dễ có tâm lý lơ là, chủ quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đơn vị quản lý đường bộ, công an, Ban ATGT huyện để nắm bắt tiến độ triển khai các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh trong công tác đảm bảo TTATGT, kiểm tra việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các bên... Từ đó, có những đánh giá rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp cho những tháng tiếp theo.

Tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, đoàn đã cùng với chính quyền và công an địa phương đi kiểm tra hiện trường các tuyến đường QL7, QL16, đường tỉnh lộ 534D, QL48C và đường huyện. Qua đó, phát hiện ở một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất đường bộ, tập kết vật liệu gây cản trở giao thông, lấp mương rãnh gây co thắt lòng đường mất tác dụng hệ thống thoát nước... Một số nơi đường cong cua dốc cao trở thành điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.

Để ngăn chặn các nguy cơ, các bên thống nhất ưu tiên xử lý ngay các điểm tiềm ẩn TNGT ở các vị trí như: ngã 3 sân bóng thị trấn Mường Xén, ngã ba Cửa Rào giao đường tỉnh 543C với QL7, khúc cua Km 143+600 QL7; có văn bản yêu cầu lắp đặt bổ sung gương cầu lồi tại các điểm cua tay áo ở QL16; sửa chữa ngay các đèn cảnh báo TNGT không còn hoạt động trên các tuyến; lập hồ sơ xử lý điểm tiềm ẩn TNGT ở khúc cua tay áo bản Huồi Đun - Km 382+300 QL16; yêu cầu chủ mỏ đá Phú Cường và Hồng Trường cải tạo điểm đấu nối vào QL16 theo đúng quy định; đề xuất làm đường lánh nạn ở dốc Bắc Lý QL16; đề nghị Cục QLĐB II xử lý sớm các điểm đang có nguy cơ sạt lở taluy dương Km 153+950, nứt núi Km 161 đe dọa tính mạng người tham gia giao thông trên QL7...

Điểm núi bị nứt đôi nguy cơ đổ sụp xuống QL7 bất cứ lúc nào.

Vừa phòng dịch, vừa đảm bảo ATGT trong tình hình mới

Theo thống kê của Ban ATGT huyện Kỳ Sơn, trong 10 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn xảy ra 4 vụ TNGT làm chết 5 người, bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm 2020 TNGT tăng cả 3 tiêu chí: tăng 2 vụ, 3 người chết, 2 người bị thương. Còn tại huyện Tương Dương, trong 3 quý đầu năm 2021, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ TNGT làm chết 4 người, bị thương 11 người, so với cùng kỳ năm trước, tăng 1 người chết vì TNGT.

Đại úy Lê Tiến Nam - Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Tương Dương, cho biết: Mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền cho đến tăng cường xử lý các lỗi vi phạm, nhưng TNGT vẫn xảy ra.

“10 tháng, Đội xử lý gần 500 trường hợp mô tô, xe gắn máy vi phạm giao thông, ra quyết định xử phạt 766 trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Đây là số phạt rất lớn với 1 huyện nghèo miền núi như Kỳ Sơn”, Đại úy Nam nhấn mạnh.

Tương tự, ở Tương Dương, trong 10 tháng lực lượng CSGT lập biên bản tới 2.357 trường hợp, phạt tiền hơn 800 triệu đồng.

Qua phân tích tình hình, lực lượng CSGT cả 2 huyện đều thừa nhận rằng tình hình vi phạm giao thông trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Nổi cộm là việc bùng nổ xe gắn máy dưới 50CC ở các trường cấp 3. Kéo theo đó là số trường hợp vi phạm tăng, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Trong năm, cả 2 huyện đều xảy ra TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe máy và xe dưới 50CC, mà nạn nhân chính là các em học sinh dưới 16 tuổi (chưa đủ tuổi để điều khiển phương tiện này).

Ông Chương cho rằng: Để giảm thiểu vi phạm thì vẫn cần tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp sử dụng phương tiện; Tuyên truyền đa dạng để những người đồng bào, người dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành pháp luật. Cùng đó, lực lượng CSGT, TTGT tăng cường nắm bắt các hành vi vi phạm nổi cộm ở địa bàn mình để lập sớm các kế hoạch, chuyên đề xử lý... không thể thành chuyện đã rồi.

Mương rãnh thoát nước bị lấn chiếm vùi lấp khiến nước chảy tràn gây hư hỏng đường xã mất an toàn giao thông (ngã ba trung tâm Huồi Tụ giao với QL16)

Riêng về công tác quản lý vi phạm hành lang, ông Chương cho rằng: 3 bên cần xây dựng ngay bộ quy chế phối hợp, có gắn trách nhiệm và tiêu chí đánh giá để hàng năm làm căn cứ báo cáo lên các cơ quan chủ quản. Ví dụ: Đơn vị quản lý đường của Bộ không làm tốt thì báo để Cục, Tổng cục xử lý; đơn vị của Sở thì Sở xử lý... Ngoài ra, tận dụng đội ngũ công an chính quy cấp xã trong xử lý vi phạm hành lang ATGT. Đối với những nơi đã xử lý, đã giải tỏa thì chính quyền phải chỉnh lý lại hồ sơ đất đai đề phòng người dân viện cớ tái lấn chiếm.

Ghi nhận những góp ý từ phía đoàn công tác, Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, kiêm trưởng ban ATGT huyện, cho biết: Kỳ Sơn là địa bàn xa nhất tỉnh. Hệ thống đường quốc lộ, đường nội tỉnh trải dài tới gần 1.000km, nhưng 99% là đường miền núi. Thêm đó, 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, tập tục sinh sống thưa thớt chủ yếu ở lưng đồi đỉnh núi nên làm gì cũng khó. Chúng tôi mong rằng tỉnh sẽ tạo cơ chế đặc thù cho Kỳ Sơn, hỗ trợ Kỳ Sơn trong công tác đảm bảo TTATGT nói chung, xử lý vi phạm hành lang ATGT nói riêng.

“Huyện mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí lắp đặt biển báo, gương cầu lồi ở đoạn đường cua gấp khúc. Hỗ trợ Kỳ Sơn có 1 tuyến đường nối liên thông từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu Nậm Cắn để giảm tải cho QL7. Bên cạnh đó, cũng mong hỗ trợ kinh phí sửa chữa 4 cầu treo dân sinh đã xuống cấp hư hỏng để nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn”, ông Minh đề nghị.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP