Giáo dục

Cô giáo nhốt trẻ 3 tuổi ngoài trời rét: Hệ quả tuyển dụng kiểu “vơ bèo vạt tép”

Cho trẻ đứng ngoài cửa giữa trời giá rét, hay thờ ơ khi phụ huynh vào lớp đánh trẻ… một bộ phận giáo viên mầm non dường như đang bỏ quên trách nhiệm. Vì đâu nên nỗi?

Giáo viên mầm non phải có tấm lòng người mẹ

Trước những câu chuyện ứng xử không phù hợp với vai trò của giáo viên mầm non trong thời gian qua, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý, Giáo dục Việt Nam - nhận định: “Đối với trẻ mầm non, Bác Hồ đã nói “trẻ em như búp trên cành”, luôn luôn phải được bảo vệ. Nhiệm vụ của cô giáo mầm non chăm sóc trẻ đầu tiên là thương yêu, chăm lo, đảm bảo an toàn cho trẻ; sau đó đến dinh dưỡng cho trẻ phát triển, rồi mới đến các hoạt động để đảm bảo cho trẻ lớn lên cả về thể chất và tâm lý, tình cảm.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những hành vi không phù hợp đối với trẻ là do đào tạo và chọn lọc cô giáo mầm non chưa được quan tâm. Đối với cô giáo mầm non, ngoài chuyên môn, còn cần phải là một người thực sự yêu thương trẻ”.

Giáo viên bắt trẻ đứng ngoài cửa lớp giữa tiết trời rét lạnh của Hà Nội. (Ảnh: cắt từ clip).

Cụ thể, ông phân tích: “Giáo viên mầm non phải đòi hỏi trước hết là tấm lòng của người mẹ, phải yêu thương con người ta như con mình và đối với yêu cầu đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, tiêu chí hàng đầu là không được xâm hại trẻ, tuyệt đối không được làm bất cứ điều gì tổn thương thể chất, tinh thần của trẻ. Giáo viên đó có thể giúp trẻ phát triển được đến đâu là chuyện phía sau, nhưng trước hết, không được trở thành tác nhân xâm hại đến trẻ.

Nhiều cô giáo mầm non hiện nay thiếu cả năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp, lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo không đảm bảo”.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, những trường tư duy chắp vá ăn xổi ở thì dễ xảy ra tiêu cực.

TS. Nguyễn Tùng Lâm dẫn chứng: “Chẳng hạn, trong sự việc vừa rồi tại trường mầm non Happy Kids (cơ sở Vạn Phúc, Hà Đông), đáng lẽ, đối với trẻ mầm non, giáo viên phải từ từ, dạy dỗ và chỉ bảo dần dần, sao có thể đẩy trẻ ra khỏi lớp giữa tiết trời giá rét, giáo viên vừa thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thiếu lương tâm, trách nhiệm, mọi yếu tố cô giáo này đều thiếu thì sao có thể làm việc? Chưa hết, chủ trường dường như cũng xử lý rất thiếu trách nhiệm, trẻ tổn thương nhưng cũng không cùng giáo viên đó đến thăm hỏi, động viên gia đình, không kỷ luật giáo viên đó để nêu gương.

Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng phải lên tiếng và xử lý cả giáo viên đó lẫn chủ trường, thậm chí, không quản lý nổi mà khiến phụ huynh khiếu nại thì có thể đóng cửa trường. Nếu không làm nghiêm, sẽ khó trở thành bài học cho các trường khác”.

Tư duy chắp vá, ăn xổi ở thì

Bà Võ Thị Phượng - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) - chia sẻ: “Những sự việc trên liên quan đến nhận thức và đạo đức nghề nghiệp của một số giáo viên. Có thể nhận thấy nhiều sự việc xảy ra ở các trường tư thục mà đặc biệt là ở các nhóm lớp. Bởi, ít nhất, các trường tư thục hoạt động bài bản, quy củ, thường cũng theo sự quản lý như các trường công lập, có sự sâu sát, giám sát chặt chẽ hơn.

Còn đối với nhóm lớp, chỉ có chủ nhóm mở ra rồi thuê giáo viên mà không có sự giám sát chặt chẽ thì dễ xảy ra những sự cố. Tôi còn được biết, ở một số nhóm lớp tại một số nơi, đôi khi, người quản lý đó thậm chí đứng lớp thay giáo viên, mà người quản lý thường chỉ có tư duy và năng lực quản lý, không đủ năng lực trình độ, chuyên môn dạy trẻ theo quy định. Do tình trạng thiếu giáo viên nên họ nhập nhèm như vậy”.

Theo bà Võ Thị Phượng, những sự cố trên xảy ra do giáo viên mầm non chưa được tập huấn kỹ lưỡng.

Đồng tình với quan điểm đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng: “Không phải trường tư thục nào cũng không đảm bảo chất lượng, bởi, thực ra, bậc mầm non thì càng gần dân càng tốt. Tuy nhien, có những trường tư thục chắp vá, ăn xổi ở thì, không có tầm nhìn và định hướng bền vững thì rất dễ để xảy ra những tình trạng như trên, khó tồn tại lâu dài. Dù xó bất cứ chuyện gì, chủ trường và Hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm thì mới có thể đảm bảo chất lượng”.

Theo Trưởng phòng Giáo dục mầm non (sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk), những sự cố trên xảy ra do giáo viên mầm non chưa được tập huấn kỹ lưỡng về chuyên môn và không trau dồi đạo đức nghề nghiệp. “Mặc dù các hội thảo tập huấn vẫn được tổ chức thường xuyên, nhưng dường như chưa được “phủ sóng” đại trà đến toàn bộ giáo viên ở từng địa phương, mà thường chỉ mời đại diện, sau đó những đại diện này sẽ truyền đạt lại đến đồng nghiệp. Vì vậy, phải làm tốt và tập huấn, truyền đạt chặt chẽ ở từng khâu. Mặt khác, ở các cơ sở tư thục, đặc biệt là các nhóm lớp, thường có ít giáo viên nên khó có mặt trong các buổi tập huấn, dẫn đến khó tiếp cận với các nội dung” - bà Phượng nhấn mạnh.

Tránh “vơ bèo vạt tép” khi tuyển dụng giáo viên

“Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải chọn lọc được giáo viên tiêu biểu, không phải cứ tuyển dụng theo quan hệ hoặc “vơ bèo vạt tép”. Trước mỗi vụ việc, ngành giáo dục cũng cần xem xét kỹ vấn đề, do sơ suất, nhỡ nhàng hay do ý thức, bản chất, không yêu thương trẻ, cẩu thả trong công việc... thì phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, về phía lãnh đạo nhà trường, Hiệu trưởng hoặc chủ trường cũng phải có trình độ, hiểu biết về mầm non; phải có lương tâm, trách nhiệm đối với trẻ, luôn quan tâm đến sự an toàn của trẻ và phải có nghiệp vụ để hướng dẫn, kiểm tra giáo viên của mình. Không phải bao che hay thản nhiên trước những hành vi của các cô giáo thiếu trách nhiệm” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP