Trong tỉnh

Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến đang "phớt lờ" chỉ đạo của huyện Nghi Lộc

Sau khi Báo đăng tải hai bài viết về vấn đề xây dựng hồ nuôi trồng thủy sản trái phép ven biển và xả thải gây ô nhiễm môi trường tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đến nay, những sai phạm này không chấm dứt mà lại tiếp tục tiếp diễn.

Lãnh đạo xã né tránh dư luận?

Trong hai ngày 10 và 12- 5, Báo PL&XH lần lượt đăng tải hai bài viết phản ánh về việc hai hồ tôm xây dựng trái phép ven biển và vấn đề các hồ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường.

Ngày 22-5 tiếp tục nhận được phản ánh của người dân xã Nghi Tiến về việc hai hộ xây dựng hồ nuôi tôm trái phép vẫn tiếp tục thi công. Có mặt tại hiện trường PV ghi nhận việc hai hộ dân xây dựng hồ nuôi tôm trái phép vẫn tiếp tục thi công và thậm chí đã xây gần xong.

Ngang nhiên xây dựng hồ nuôi tôm trái phép khi đã có quyết định đình chỉ

Ngay sau đó, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Trần Công Oanh, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, ông Oanh cho biết: "Chúng tôi đã thành lập đoàn xử lý". Khi PV trao đổi tại sao xử lý rồi nhưng dân vẫn điện phản ánh thì được vị chủ tịch “dõng dạc” nói: “Dân điện các o (chị) phải kiểm tra dân điện có đúng không, một vài người dân tiêu cực cứ điện như vậy”.

Khi PV đề nghị được làm việc với chính quyền địa phương để làm rõ vấn đề thì được ông Oanh từ chối là đang đi họp, anh em cán bộ tại UBND xã đều đi công tác hết. Tuy nhiên, ngay lúc đó PV đang có mặt tại sân UBND xã Nghi Tiến. Theo quan sát, một số phòng ban đang mở cửa và đặc biệt có ông Hoàng Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã đang làm việc tại phòng.

Ông Nguyễn Đình Khánh, cán bộ địa chính xây dựng xã Nghi Tiến cho biết: “Ngày 6-5, UBND xã đã lập biên bản kiểm tra đối với hai hộ gia đình là hộ ông Lưu Đình Việt và hộ ông Hoàng Văn Hòa. Biên bản yêu cầu hai hộ gia đình dừng ngay việc xây dựng hồ tôm và tự tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu". Tuy nhiên, khi PV phán ánh hiện hai hộ gia đình trên không tháo dỡ và đang tiếp tục xây dựng vào ban đêm, ông Khánh cũng công nhận là hai hộ đó họ xây vào ban đêm nhưng do gia đình cán bộ địa chính ở xa nên không xử lý được!?

Có hay không việc lãnh đạo UBND xã Nghi Tiến né tránh việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, cố tình làm lơ cho người dân ngang nhiên xây dựng hồ tôm trái phép? Người dân xã Nghi Tiến đang mong chờ câu trả lời thấu đáo từ các cơ quan chức năng.

Huyện đôn đốc, xã chây ì

Trao đổi với PV, ông Ông Nguyễn Bá Điệp, Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Lộc cho biết :“Sau khi báo phản ánh, sở TN&MT có yêu cầu UBND huyện xuống làm việc, có ghi nhận bằng biên bản về các vấn đề sai phạm. Sau đó, UBND huyện có văn bản gửi xã Nghi Tiến, giao cụ thể, có yêu cầu xử lý cả về mặt môi trường và xây dựng hồ tôm trái phép”.

Công văn của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về việc xác minh nội dung báo PLXH phản ánh.

Khi PV trao đổi về vấn đề hai hộ dân nói trên đã thi công gần xong hồ nuôi tôm trái phép thì ông Điệp cho biết thêm: “Chiều chúng tôi sẽ cho anh em xuống kiểm tra, ghi nhận việc xây dựng mới, sau đó sẽ chuyển hồ sơ cho phòng Nội vụ. Trong văn bản trước có ghi rõ, nếu sai phạm tiếp tục diễn ra, sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan. Vấn đề này không chỉ báo phản ánh, mà dân cũng điện cho tôi suốt, xưng cả tên, tuổi rõ ràng”.

Trước đó, ngày 13-5 UBND huyện Nghi Lộc có công văn số 1260/UBND-TN&MT về việc đôn đốc xử lý vi phạm việc tự ý chuyển dổi mục đích sử dụng đất trái phép làm ao nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Nội dung công văn nêu rõ các đơn vị phòng ban liên quan nghiêm túc thực hiện, báo cáo kết quả xử lý về đất đai, ô nhiễm môi trường cho UBND huyện trước ngày 20-5-2019. Văn bản yêu cầu như vậy nhưng đến ngày 22-5. Phòng TN&MT huyện Nghi Lộc vẫn chưa nhận được kết quả xử lý sai phạm từ UBND xã Nghi Tiến và các đơn vị có liên quan.

UBND huyện Nghi Lộc đôn đốc xử lí vi phạm ở xã Nghi Tiến

Bà Trần Thị Hoàng Vân, chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh trên báo, chúng tôi đã xuống kiểm tra và ghi nhận phản ánh của báo là đúng. Vấn đề xả thải thì theo chu kỳ từ hai đến ba ngày các hồ tôm tiến hành xi-phông một lần từ 10% đến 20% mực nước trong hồ, thải bao nhiêu bù vào bấy nhiêu. Trong quá trình xi-phông, những con tôm lột yếu sẽ chết và theo nước ra ngoài. Chúng tôi đã yêu cầu các hộ nuôi tôm khắc phục tại chỗ, xây hồ lắng, bỏ một lớp cát, than, khi xả nước ra phải có bao ni lông bọc các chất thải lại. Sau khi thu hoạch xong vụ tôm hiện tại, cơ quan chức năng sẽ tạm dừng để kiểm tra nếu đủ điều kiện thì nuôi tiếp".

Hàng loạt hồ nuôi tôm trên địa bàn xã Nghi Tiến xả thải gây ô nhiễm môi trường sống.

Về vấn đề thủ tục để tiến hành đào ao nuôi tôm, Bà Vân cho biết, nuôi trồng thủy sản không cần thủ tục, chỉ cần phù hợp với điều kiện địa phương, trừ khi có dự án. Trước khi nuôi, các hộ dân sẽ được tập huấn, khi có thiên tai dịch bệnh, phòng nông nghiệp sẽ xuống các cơ sở kiểm tra, hỗ trợ.

Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: "Sau khi báo đăng phía đơn vị đã nắm và có công văn gửi UBND huyện Nghi Lộc xác minh nội dung báo nêu. Theo phân cấp, chi cục đã chuyển yêu cầu huyện xử lý. Hiện nay chúng tôi đang chờ huyện báo cáo.

Tại sao hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra trên đìa bàn xã Nghi Tiến không bị các cơ quan chức năng xử lý? Đặc biệt việc xả thải ra môi trường từ các hồ nuôi tôm đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền lại tiếp tục để hồ mới xây dựng trái phép? Khi có phản ánh, từ cấp xã cho đến cấp huyện đã lập biên bản, quyết định đình chỉ sự việc nhưng những sai phạm vẫn tiếp tục diễn ra? Liệu có ai "chống lưng" cho việc làm sai chồng sai của các hộ nuôi tôm không?

Tác giả: Thanh Ngọc – Thùy Linh

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP