Trong tỉnh

Bao giờ người lao động ở Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn được giải quyết chế độ?

Ngày 17/9/2018, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An có công văn Thông báo tạm ngừng hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn, địa chỉ tại số 54 Lý Thường Kiệt, TP Vinh (Nghệ An). Cũng từ đây nhiều hệ lụy đã xảy ra và không biết bao giờ, lúc nào mới khắc phục được?

Người lao động gặp gỡ phóng viên và căng băng rôn, biểu ngữ để đòi quyền lợi

Hành trình... xuống dốc

Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn, thuộc Công ty TNHH Minh Khang do ông Nguyễn Đình Khang làm Tổng Giám đốc và vợ là bà Nguyễn Thị Thu làm Chủ tịch HĐTV.

Bệnh viện này đi vào hoạt động từ ngày 15 tháng 1 năm 2009, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD (175 tỷ đồng), tọa lạc trên mảnh “đất vàng” 10.000 m2 giữa trung tâm TP Vinh.

Ngoài lĩnh vực chủ yếu là bất động sản, Công ty TNHH Minh Khang có trụ sở chính tại 9 - 11 E đường Trần Phú, phường 4, quận 5 TP Hồ Chí Minh còn đầu tư vào nhiều cửa hàng tiêu thụ như Honda, YAMAHA và xây dựng một loạt các hệ thống bệnh viện, phòng khám trên khắp cả nước như: Bệnh viện Thăng Long (Bắc Ninh), Bệnh viện Đa khoa Thành An - FHS (Hà Tĩnh), Bình Phước, Bắc Giang... vươn ra cả nước ngoài như Bệnh viện Thành An Phnôm Pênh (Campuchia)…

Có thể khẳng định một điều rằng, dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Bệnh viện Đa khoa Thành An lập tức trở thành một trong những bệnh viện có quy mô bậc nhất xứ Nghệ với khu nhà đồ sộ 9 tầng, 12 khoa phòng và các trang thiết bị y tế hiện đại cùng gần 200 cán bộ công nhân viên. Nhiều bác sỹ, y sỹ có tay nghề cao, chuyên khoa I, II. Có ngày, bệnh viện mổ đến 30 ca và bệnh nhân lên tới 500 người. Số người có thẻ BHYT trên địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh đăng ký khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu lên đến hơn 16.000 người.

Vậy nhưng không hiểu vì sao từ cuối năm 2012, bệnh viện bắt đầu có những biểu hiện đi xuống đến mức phải đóng cửa khoa chạy thận nhân tạo và đến tháng 5/2015 thì “lao dốc không phanh”. Thuốc vật tư y tế không cung ứng đủ cho công tác khám chữa bệnh, nợ lương, chế độ thai sản, nợ BHXH và các khoản phụ cấp kéo dài khiến cán bộ, y bác sỹ đồng loạt bỏ việc, bệnh viện rơi vào hoạt động cầm chừng, nhiều khoa, phòng phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Tình trạng này kéo dài và ngày càng nghiêm trọng.

Đỉnh điểm là đầu tháng 8/2016, gần 200 người lao động đình công trong 3 ngày yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện giải quyết nợ lương hơn 8 tháng khiến mọi hoạt động ngưng trệ, nhiều khoa phòng không còn bệnh nhân điều trị. Những đơn vị đăng ký khám chữa bệnh tại đây cũng gặp nhiều khó khăn.

Để cứu vãn tình thế, Chủ tịch HĐTV đã thuê BOHC vào quản lý điều hành bệnh viện. Song song bệnh viện cũng được sự bảo lãnh vốn lưu động của Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An, cung cấp gói tín dụng ưu đãi từng bước trả hết nợ và hỗ trợ tái cấu trúc. Lương của CBCNV cũng được trả chỉ còn nợ 2 tháng của năm 2015.

Những tưởng với nỗ lực trên, bệnh viện sẽ tìm lại chính mình. Nhưng với cách quản lý yếu kém, năng lực tài chính hạn hẹp, lại bất đồng quan điểm nên chỉ cầm cự được 1 năm, bệnh viện tiếp tục “sa lầy” với mức độ nghiêm trọng hơn, bắt đầu từ tháng 12/2017 đến nay, không còn tiền trả lương cho người lao động.

Hồ sơ vụ việc

Trụ sở Bệnh viện Đa khoa Thành An tại TP Vinh, Nghệ An

Liên tục "hứa lèo" với người lao động

Trước tình hình trên, Công đoàn bệnh viện nhiều lần, làm đơn đề nghị với 102 chữ ký của CBCNV gửi đến Chủ tịch HĐTV, Sở y tế Nghệ An, Liên đoàn lao động, BHXH tỉnh Nghệ An yêu cầu giải quyết. Hàng chục “Thông báo nội bộ” được bà Thu ký với các cam kết như: “Theo thông báo số 50, ngày 10/8 thanh toán lương tháng 12/2017 và ½ lương khác. Hôm nay, 24/8, Chủ tịch đang nỗ lực liên hệ vay tiền ngân hàng, mong CBCNV cho gia hạn đến 31/5...” Cứ vậy, mỗi khi gần đến hạn lại có một Thông báo gia hạn và nhiều lần hứa với CBCNV, lãnh đạo Sở y tế, nhưng sự việc ngày càng diễn tiến theo xu hướng “xấu hơn”.

Cho đến ngày 6/9/2018, giọt nước cuối cùng đã tràn li, hơn 30 CBCNV còn bám trụ tại bệnh viện đã tổ chức căng băng rôn biểu ngữ rồi tràn xuống công đoàn Sở y tế đòi quyền lợi. Cuộc đình công kéo mãi đến ngày hôm nay vẫn không kết quả. Điệp khúc “cam kết, cam kết và cam kết” cứ lặp đi lặp lại và cũng chỉ để... cam kết?

Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Phạm Quang Dương, Chủ tịch công đoàn Sở y tế Nghệ An trình ra một loạt các loại giấy tờ văn bản đơn thư lắc đầu ngao ngán: “Công đoàn ngành nhiều lần làm việc với bệnh viện. Bệnh viện nhiều lần có văn bản cam kết nhưng đến nay, tình hình xem ra càng tồi tệ hơn”. Khi được hỏi về hướng giải quyết ông trầm tư: “Mục đích cuối cùng của công đoàn là bảo đảm được quyền lợi cho đoàn viên, chúng tôi đã xin ý kiến Liên đoàn lao động tỉnh tiếp tục vận động để bệnh viện tìm mọi cách khắc phục. Bước đường cùng mới phải kiện ra tòa”.

Để có cái nhìn toàn diện, sau nhiều lần kiên trì hẹn khi thì chỉ gặp được trưởng phòng nhân sự, khi lại chỉ gặp được Phó Giám đốc phụ trách tổ chức hoặc Chủ tịch công đoàn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Khang.

Ông khang trình bày mà như khóc: “Thật không ngờ ở tuổi 70, tôi lại phải bước vào cuộc chiến khó khăn nhất trong cuộc đời, giờ có nói gì đi chăng nữa thì mình vẫn bị nhìn nhận như một người dối trá. Tôi và Hội đồng đang cố gắng tối đa, bằng mọi phương pháp để có tiền trả cho anh chị em và vực lại bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Riêng tiền lương xin hứa 1 tuần sau sẽ... trả hết”?

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Thành An còn nợ BHXH 2 tỷ một trăm triệu đồng và nợ lương công nhân từ tháng 12/2017 đến nay. Toàn bộ hoạt động của bệnh viện hầu như tê liệt hoàn toàn. Có ngày bị cúp điện, cúp nước vì... nợ! Từ hơn 40 bác sỹ, nay chỉ còn 4 bác sỹ bám trụ. Từ gần 200 CBCNV nay chỉ còn 30 người. Nhiều người khi vào đây phải góp cổ phần thấp 50.000.000 đồng, cao 150.000.000 đồng đang không biết có lấy lại được không? Người ra đi và người ở lại đều bị nợ lương, nợ bảo hiểm. Tất cả đều không thể chốt được sổ bảo hiểm để ra đi nên vẫn cứ phải chờ đợi và đang... chờ trong vô vọng.

Thiết nghĩ đã đến lúc Sở y tế Nghệ An, Thanh tra tỉnh, Liên đoàn lao động Nghệ An, cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên. Không thể cứ ngồi một chỗ hô khẩu hiệu và phó thác toàn bộ cho công đoàn sở theo kiểu "sống chết mặc bay" tại Bệnh viện Đa khoa Thành An.

Tác giả: Nguyễn Đình Lộc

Nguồn tin: phuongnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP