Du lịch

Cuộc sống bên thác Bản Giốc hùng vĩ

Thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng gần 90km. Đường dẫn tới thác quanh co, uốn lượn với những khúc cua hẹp, xuyên qua làn không khí trong lành và phong cảnh đồng quê vùng núi trù phú. Dòng thác trắng xóa từ trên cao đổ xuống ào ào qua mấy tầng bụi mù hơi nước cộng với những núi đá vôi sừng sững hai bên góp phần làm nổi bật vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ nổi tiếng của thác Bản Giốc.

Truyền thuyết kể rằng, có người con gái đẹp tuyệt trần được tiến vua nhưng liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Sau khi tìm được nhau, họ cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền. Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.

Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn. Con sông này cũng được chia làm hai, bờ bên này thuộc chủ quyền Việt Nam với những chiếc bè chở hàng qua lại bên sông. Những kiện hàng luôn được bọc kín. Khi được hỏi thì những chủ bè nói rằng họ bán thuốc lá và nước hoa.

Quanh khu vực thác Bản Giốc, dân tộc Tày chiếm đa số. Riêng tỉnh Cao Bằng có số người Tày chiếm 25% tổng số người Tày tại Việt Nam. Với tập tục sống dưới chân núi và ven suối, họ nương theo dòng nước từ thác Bản Giốc để sinh sống. Ông Sồn, 71 tuổi, cho biết căn nhà của ông do cha mẹ vợ để lại. Ở rể là tục lệ tại đây.

Em bé bên bức tường đá. Khó khăn lớn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải dỡ đi xếp lại từ đầu. Dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng.

Và chuẩn bị rơm rạ cho chăn nuôi.

Người Tày ở đây tin rằng, địa lý khu vực này tác động đến địa chất, khiến đá trở thành nguyên liệu dồi dào, đặc biệt trong việc xây dựng nhà ở. Cũng có ý kiến cho rằng, “thờ đá” là tín ngưỡng của dân tộc Tày sống tại huyện Trùng Khánh, coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Về mặt khoa học, xây nhà bằng đá là do họ sống trong hệ sinh thái của rừng nhiệt đới, độ ẩm cao, mưa nhiều, nhiều thú dữ.


Tác giả bài viết: DƯƠNG QUỐC BÌNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP