Cán bộ coi thi ở một điểm thi tại Thanh Hoá kỳ thi THPT quốc gia 2019. |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 8-11/8. Kỳ thi sẽ được giao về cho các địa phương tổ chức. Các khâu từ in sao đề thi, vận chuyển đề thi, chuẩn bị điểm thi, sắp xếp phòng thi, bố trí cán bộ coi thi, chấm thi… đều do địa phương thực hiện. Khác với năm ngoái, Bộ cử 50.000 cán bộ, giảng viên về địa phương coi thi, trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm thì năm nay Bộ dự kiến sẽ cử 5.000 cán bộ về làm công tác thanh tra.
Bà Lục Thuý Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (TP Thái Nguyên) cho hay, việc đưa 5.000 cán bộ, giảng viên về thanh tra, giám sát thi tại các địa phương sẽ tăng tính minh bạch, khách quan nên học sinh, phụ huynh sẽ yên tâm hơn.
Riêng tại Sơn La, một trong 3 địa phương để xảy ra vụ tiêu cực, gian lận đình đám, năm nay dự kiến có 33 điểm thi với 470 phòng thi. Để làm công tác tổ chức, địa phương này dự kiến lựa chọn 1100 cán bộ coi thi, 250 lãnh đạo thư ký điểm thi. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, hiện tại đơn vị vẫn chờ quy chế hướng dẫn thi chính thức của Bộ GD&ĐT, khi đó mới sắp xếp mọi việc. Còn hiện nay, mọi đầu việc mới chỉ dừng lại ở “các phương án”.
Tuy nhiên, ông cho rằng, những tiêu cực của kỳ thi năm 2018 vẫn còn tàn dư đến nay, những người vi phạm đã bị “còng tay trước vành móng ngựa”. Do đó, việc lựa chọn con người hay chuẩn bị các khâu cũng sẽ được làm kỹ càng, đúng quy chế. Tuyệt đối không lựa chọn những người có con, cháu ruột trong gia đình dự thi năm nay làm công tác thi.
Vị lãnh đạo Sở này cũng chia sẻ, kỳ thi năm nay giao về cho các địa phương tổ chức, trong bối cảnh những người đi trước để xảy ra tiêu cực nên cũng có phần áp lực. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, khi chuẩn bị nhân lực, các bước trong quy trình kỹ càng bao nhiêu sẽ tránh được những tiêu cực không đáng có như kỳ thi năm 2018.
Các vụ tiêu cực là bài học đắt giá
Thầy Lê Văn Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi nhận định, quy chế năm nay dù có những điểm mới, khác so với năm ngoái, nhìn qua có thể lo lắng khi giao hoàn toàn cho các địa phương nhưng nếu giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương là chủ tịch UBND tỉnh, TP phải tổ chức kỳ thi nghiêm, đúng quy trình thì vẫn ổn.
Theo ông Trung, vai trò thanh tra, giám sát cũng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn các địa phương cần tổ chức học tập quy chế cho những cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi thật kỹ, để họ hiểu quy định pháp luật nếu tham gia đến việc tiêu cực, gian lận thi.
TS. Nguyễn Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT đặt phép tính, trung bình hàng năm sẽ có khoảng 800.000 học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi. Năm nay, Bộ cử 5.000 cán bộ, thanh tra về cơ sở thanh tra thi, trung bình 1 cán bộ sẽ thanh tra, giám sát 150 thí sinh (6,25 phòng thi). “Với lực lượng thanh tra như thế, chúng ta có thể tạm yên tâm cho kỳ thi năm nay, dù kỳ thi được giao hoàn toàn cho địa phương”, ông nói.
TS Tùng chỉ ra, 3 lý do để có thể tạm tin năm nay các địa phương sẽ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp. Cụ thể, các vụ án tiêu cực ở Sơn La, Hoà Bình vừa xử xong, án rất nặng phù hợp cho từng tội danh khiến cho những người có ý định nhờ vả, gian lận thi phải cân nhắc.
Sau những sự việc như vậy, Bộ GD&ĐT cũng đã điều chỉnh, thắt chặt kỹ thuật, đặc biệt phần mềm chấm thi. Và cuối cùng là lý do, Bộ dự định sẽ đối sánh phổ điểm thi và học bạ THPT. Nếu địa phương để xảy ra sự chênh lệch giữa kết quả học bạ và điểm thi sẽ trở bị kiểm tra sâu hơn, trở thành vấn đề lớn.
Ngoài ra, với vai trò trường ĐH, ông Tùng cũng cho rằng, trường không quá lo lắng khi căn cứ vào kết quả kỳ thi để tuyển sinh. Bởi vì điểm đầu vào hiện nay cũng chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo, sau đó còn có cả quá trình đào tạo dài, những em không đáp ứng sẽ bị sàng lọc, hoặc tự sàng lọc. Từ năm ngoái, Bộ cũng đã cho phép các trường tuyển sinh nhiều đợt, do đó, nếu học sinh nhập học một thời gian cảm thấy không phù hợp có thể chuyển trường.
Tác giả: HÀ LINH
Nguồn tin: Báo Tiền phong