Giáo dục

Một số khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề, coi thi với các môn trắc nghiệm

Bên cạnh những khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề thi, việc coi thi cần được tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.

LTS: Trước những lo lắng trong việc triển khai thi trắc nghiệm trong kỳ thi học kỳ năm nay, thầy giáo Bùi Minh Tuấn chỉ ra một số khó khăn trong khâu ra đề cần được khắc phục.

Thầy cũng cho rằng khâu coi thi cũng bị thầy cô nương nhẹ để học trò có điểm cao làm đẹp bảng điểm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Hiện đang là thời điểm các trường trung học phổ thông tiến hành tổ chức thi học kì 1 năm học 2016-2017.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh làm quen dần với những thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, nhiều đơn vị trường học đã tiến hành tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp câu hỏi tự luận đối với các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trong năm 2017.

Bên cạnh những khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề thi, việc coi thi cần được tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.

Giáo viên gặp khó trong việc biên soạn đề thi trắc nghiệm

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, ngoại trừ môn Ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận, còn lại các môn học khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

thi trac nghiem
Những môn lần đầu thi trăc nghiệm, học sinh sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ. (Ảnh minh họa)

Để học sinh dần làm quen với hình thức thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu kết hợp hình thức thi trắc nghiệm và tự luận đối với các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.

Động thái này là cần thiết bởi ngoại trừ các môn đã thi trắc nghiệm trong những năm học trước, với những môn lần đầu thi theo hình thức trắc nghiệm, học sinh sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Mặt khác, các đơn vị trường học cần có thêm thời gian để có thể biên soạn được bộ đề thi trắc nghiệm thực sự đảm bảo chất lượng.



Đối với các môn như: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, học sinh đã có điều kiện làm quen với hình thức thi trắc nghiệm những năm trước đó, giáo viên cũng đã có sẵn nguồn đề dự trữ để sẵn sàng sử dụng.

Tuy nhiên, với những môn lần đầu thi theo hình thức trắc nghiệm như: Toán, Lịch sử, Giáo dục công dân thì các giáo viên gặp không ít khó khăn trong khâu ra đề thi khi vừa phải tiến hành dạy đúng tiến độ chương trình vừa phải biên soạn bộ đề trắc nghiệm cho từng môn học.

Rõ ràng, so với việc soạn một đề thi tự luận, việc biên soạn một đề thi trắc nghiệm đạt yêu cầu đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn.

Bởi ngoài việc biên soạn câu hỏi, giáo viên còn phải đưa ra các đáp án, trong số các câu trả lời, chỉ có duy nhất một đáp án chính xác nhất, các đáp án còn lại mang tính gây nhiễu.

Muốn có một đề thi trắc nghiệm, trước hết giáo viên phải xây dựng được ma trận đề rõ ràng, chi tiết theo bốn mức độ đánh giá là: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Tuy nhiên, do số lượng câu hỏi trong một đề thi trắc nghiệm nhiều, việc đánh giá mức độ khó, dễ ở từng câu và toàn bộ đề thi là không hề đơn giản.

Hiện trên mạng internet đã lan truyền nhiều bộ đề thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, phần lớn trong số đó là do các trung tâm luyện thi trắc nghiệm soạn thảo.

Do chưa được kiểm định về nguồn gốc, người ra đề, kỹ thuật biên soạn đề nên chất lượng các đề thi vì thế cũng khó có thể đảm bảo.

Giáo viên và học sinh chỉ nên xem như một “kênh” để tham khảo và cần cân nhắc kỹ trong quá trình lựa chọn, sử dụng.

Để xây dựng được những bộ đề thi trắc nghiệm đảm bảo yêu cầu về chất lượng trong thời gian tới, bên cạnh việc yêu cầu giáo viên ở các đơn vị trường học tham gia các lớp tập huấn nhằm hoàn thiện kỹ năng ra đề.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương có thể tập hợp nguồn đề từ nhiều trường học trên địa bàn.

Từ đó, tiến hành phân loại, thẩm định đưa vào ngân hàng câu hỏi để giáo viên có thể tham khảo, sử dụng.

Cần chú trọng khâu coi thi

Đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, khâu coi thi ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ khách quan, chính xác của kỳ thi.

Trong quá trình coi thi nếu giám thị coi thi lơ là, không nghiêm túc, học sinh có thể trao đổi đáp án mà không để lại bất cứ “dấu vết” nào trong bài làm.

Với những môn lần đầu thi trắc nghiệm, do thời gian biên soạn gấp rút, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi còn ít dẫn tới việc mỗi học sinh chưa có được một mã đề thi riêng.

Tình trạng trùng mã đề thi trong cùng phòng thi là điều khó tránh khỏi, khi đó, nếu giám thị coi thi không nghiêm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong khâu đánh giá.

Theo quy định, cùng với kết quả thi THPT Quốc gia, điểm trung bình học bạ là một trong những thành tố quan trọng để xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.

Trong khi đó, điểm thi học kỳ có hệ số 3, điểm thi cao có thể “kéo” điểm trung bình chung lên đáng kể. Một số giáo viên đã “thương” học sinh bằng cách coi thi “nhẹ nhàng” để học sinh có được điểm thi cao.

Chính việc “thương” không đúng cách này có thể khiến học sinh nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan, ngộ nhận về năng lực học tập thực sự của bản thân.

Về lâu dài sẽ gây tác động tiêu cực tới quá trình ôn tập, củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP