Kinh tế

Một 'chiêu' kiểm soát: Lộ khoản thuế bị thất thu ngàn tỷ

Nhờ chiêu dán tem niêm phòng đồng hồ đo xăng, số lượng xăng dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt từ 10-20% so với trước. Điều này cho thấy, trước đây đã thất thu một lượng thuế khá lớn do kiểm soát không tốt.

Đây là một trong những kết quả tích cực trong công tác phòng chống thất thu ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thuế xăng dầu.

Tại cuộc họp báo về vấn đề này chiều, 31/3, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, kể từ khi áp dụng giải pháp dán tem niêm phong đồng tổng hồ đo đếm lượng xăng dầu tiêu thụ tại từng cột xăng, các số liệu về thuế tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường đã tăng khả quan.

20170331213443 gia xang dan tem cot xang nld
Các cột bơm xăng sẽ được dán tem niêm phong đồng hồ tổng để chống thất thu ngân sách (ảnh: theo nguoilaodong)

Ví dụ như tại Nghệ An, sau khi hoàn thành việc dán tem vào tháng 11/2015, số lượng xăng, dầu tiêu thụ và số bảo vệ môi trường năm 2016 bình quân đã tăng khoảng hơn 20%. Đây là địa phương có 449 doanh nghiệp là đại lý, tổng đại lý và 514 cửa hàng xăng dầu, với 1.501 cột bơm xăng đã được dán tem niêm phong đồng hồ.

Tại Quảng Ninh, sau khi hoàn thành dán tem vào cuối tháng 11/2016, sản lượng tiêu thụ xăng dầu và số thuế bảo vệ môi trường cũng đã tăng bình quân tháng so với trước thời điểm dán tem khoảng xấp xỉ 15%. Đây là tỉnh có 178 cửa hàng bán xăng với 495 cột bơm xăng được dán tem.

Tương tự, tại các tỉnh có số lượng cửa hàng xăng dầu lớn như Thái Bình, Bình Định, doanh số tiêu thụ xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường đều tăng 14%, ở Lâm Đồng đã tăng 10% so với trước thời điểm dán tem.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ, việc dán tem niêm phong các đồng hồ tổng đo đếm xăng vẫn còn là giải pháp thủ công. Tuy nhiên, đây vẫn là cách thức hữu hiệu trong thời điểm hiện nay để kiểm soát việc gian lận trong kê khai thuế VAT và sử dụng hoá đơn thuế xăng dầu.

Theo ông Phụng, khi dán tem ở cột bơm xăng, sẽ tránh được việc lợi dụng thói quen của người dân mua xăng không lấy hoá đơn, lấy lượng xăng dầu đã bán này, dồn lại để làm hoá đơn, rồi lấy hoá đơn hôm qua gắn với ngày hôm nay.

"Về lâu dài, tham vọng của ngành thuế là kết nối đồng bộ phần mềm xuất hoá đơn xăng dầu xác thực với cơ quan thuế, dữ liệu bán xăng hàng ngày được "chạy" thẳng về cơ quan thuế. Tuy nhiên, với 23 đầu mối hiện nay, muốn triển khai được phải có tiềm lực tốt, cả về kỹ thuật, tài chính", ông Phụng cho hay.

Giải pháp trên xuất phát từ sáng kiến chống gian lận thuế xăng dầu do Cục thuế Nghệ An đề ra và tiên phong thực hiện.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính hồi tháng 1/2016, ông Lê Hà Dũng, Phó cục trưởng Cục thuế Nghệ An đã từng ước tính, cả tỉnh có khoảng 500 - 600 ngàn xe máy. Với tiêu thụ trung bình 10 lít xăng/tháng, ước tiền mua xăng của số xe máy trên phải là 1.200 tỷ đồng. Nhưng theo khai báo của các doanh nghiệp, chỉ có 100 tỷ đồng tiền mua xăng là không có hoá đơn, vậy thì 1.100 tỷ đồng tiền bán xăng thì hoá đơn đã đi đâu?

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo toàn ngành thuế phải nhanh chóng nghiên cứu và nhân rộng mô hình kiểm soát chống thất thu ngân sách đối với thuế xăng dầu trên toàn quốc.

Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thuế tới thời điểm 30/3, cả nước đã có 46 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% việc dán tem niêm phong tại các cột bơm xăng, 2 tỉnh là Đắk Nông, An Giang đang trong quá trình triển khai. Tổng số cột xăng đã được dán tem là 30.121 cột, chiếm 60% so với tổng số 50.000 cột bơm xăng của cả nước.

Tác giả bài viết: Phạm Huyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP