Xã hội

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ký ức về Bác trong lòng người dân Tây Bắc

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn thường xuyên quan tâm và dành tình thương yêu tới đồng bào các dân tộc trên Tây Bắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác đã liên tục biên thư, gửi điện động viên, thăm hỏi đồng bào. Nhiều địa phương như: Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu… còn vinh dự được đón Bác đến thăm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đồng bào ở đây vẫn còn khắc sâu, in đậm lời dạy của Người.

Đồng bào Tây Bắc trong tim Bác

Trước và sau Cách mạng Tháng Tám, mặc dù chưa có điều kiện trực tiếp lên thăm Tây Bắc, nhưng Bác vẫn luôn biên thư, gửi điện thăm hỏi, khen ngợi, dõi theo từng bước đi và tiến bộ của đồng bào. Trong bức thư gửi đồng bào nhân dịp hợp nhất hai tỉnh Sơn La và Lai Châu năm 1948, Bác viết: “Sơn Lai, tuy ở xa Chính phủ nhưng lòng Chính phủ vẫn gần Sơn La”. Sau đó, Người còn nhiều lần gửi thư thăm hỏi, động viên đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, thường xuyên giúp đỡ nhau như anh em một nhà, thi đua tăng gia sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, cảnh giác, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, công an chống mọi âm mưu của địch.

Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc, ngày 7/5/1959

Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 5/1952 đến tháng 6/1965, Bác Hồ đã gửi 15 bức thư và điện tín cho cán bộ, chiến sĩ, dân công và đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Thư nào Bác cũng không quên gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên nhi đồng. Trong các hội nghị có các bộ dân tộc về dự, Bác luôn dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi đồng bào. Đáp lại tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác, nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương và bảo vệ vững chắc vùng đất phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, với khí thế chiến thắng, với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với quân và dân cả nước, nhân dân các dân tộc Tây Bắc hăng hái bắt tay vào khôi phục kinh tế, thi đua sản xuất, sáng tạo, cần cù lao động, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, xây dựng lại quê hương và mơ ước được đón Bác lên thăm để chứng kiến sự đổi mới của đồng bào các dân tộc.

Và ước mơ đó đã thành hiện thực. Vào ngày 7/5/1959, Bác Hồ đã lên thăm Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm năm năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được tổ chức trọng thể tại trung tâm huyện Thuận Châu, Sơn La (thời điểm đó Thuận Châu là thủ phủ của Khu tự trị Thái - Mèo). Tại đây, Bác đã dành nhiều thời gian nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào.

Thời điểm đó, Tây Bắc mới được giải phóng, còn bộn bề khó khăn, giặc dã, thổ phỉ quấy phá làm lòng dân chưa yên. Do vậy sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và đoàn đại biểu Chính phủ tại Kỳ đài huyện Thuận Châu đã tạo được lòng tin tuyệt đối của đồng bào Tây Bắc với Bác Hồ, với Chính phủ.

Vinh dự đón Bác về thăm

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thế nhưng hình ảnh Bác ân cần trò chuyện cùng đồng bào, chiến sỹ vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Tây Bắc. Ông Sùng A Hơn, 81 tuổi, ở thị trấn Mộc Châu, kể: Trước ngày đón Bác Hồ, khắp thủ phủ Khu tự trị Thái - Mèo (Trung tâm hành chính Khu tự trị đặt tại bản Pán, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ bằng chữ phổ thông, chữ Thái, chữ Mông. Hàng vạn đồng bào các dân tộc, bộ đội, cán bộ, công nhân, các cháu thiếu niên nhi đồng đại diện cho hơn 30 dân tộc trong khu vực nô nức kéo về sân vận động để chào đón Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Chính phủ.

Ông Sùng A Hơn: “Được nhìn thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt, tôi đã không cầm được nước mắt”

Khi Bác Hồ và Đoàn đại biểu bước vào lễ đài, cả sân vận động hô vang không ngớt: “Pú Hồ xen pi! Pú Hồ xen pi” (Bác Hồ sống lâu muôn tuổi). Trong không khí hân hoan, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi những thành tích của quân và dân Tây Bắc đã anh dũng trong kháng chiến, hăng hái thi đua trong lao động sản xuất. Người cũng ân cần dặn dò đồng bào, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải cùng nhau đoàn kết, ra sức thi đua sản xuất tiết kiệm, làm cho đời sống ngày càng no ấm và vui tươi hơn nữa.

Bác nói: “Tôi mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã thi đua càng ra sức thi đua hơn nữa, để hoàn thành kế hoạch Nhà nước, để làm cho Khu tự trị ngày càng giàu có, để góp phần củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui…”.

Thay mặt Chính phủ, Người còn trao tặng đồng bào các dân tộc Tây Bắc Huân chương Lao động hạng nhất về thành tích trong kháng chiến và tiến bộ trong hòa bình và trao lá cờ của đồng bào Thủ đô gửi tặng, trên đó có dòng chữ: "Nhân dân Thủ đô Hà Nội thân ái tặng các dân tộc anh em Khu tự trị Thái - Mèo" cùng với khẩu hiệu: "Đoàn kết - Thi đua - Thắng lợi".

“Được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, giọng nói lại ấm áp, hiền từ, nhiều người trong chúng tôi đã không cầm được nước mắt”, ông Sùng A Hơn nhớ lại. Trong lúc nói chuyện, mọi người đang chăm chú hướng lên khán đài, Bác nhìn một lượt rồi bất ngờ hỏi một câu bằng tiếng Thái: “Pi noọng phăng hụ báu?” (Anh em nghe tôi nói có hiểu không?). Mọi người ngỡ ngàng, lặng đi giây lát, rồi đồng thanh đáp: “Hụ dá lọ!” (Có ạ! Hiểu rồi ạ!). Rồi từ trong đám đông có tiếng hô vang: “Pú Hô xen pi, Pú Hô xen pi” (Cụ Hồ sống lâu! Cụ Hồ muôn năm!), thế là mọi người hô theo, tiếng vang dội vào vách núi, lan truyền như những đợt sóng âm vang cả núi rừng. Nhiều cụ già sung sướng trào nước mắt, vì lần đầu được nghe Bác Hồ nói tiếng của dân tộc mình. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác Hồ ân cần chúc mọi người bằng bốn câu thơ đầy ý nghĩa: “Người người mạnh khỏe/Ðoàn kết chặt chẽ/ Hăng hái thi đua/ Thành công vui vẻ”.

Khắc ghi lời Bác dạy

Mặc dù chuyến thăm Tây Bắc của Bác không dài nhưng Bác vẫn dành thời gian thăm và nói chuyện với đồng bào huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Mường La.Sáng ngày 8/5/1959, khi Bác đến Yên Châu, hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ huyện Yên Châu tổ chức mít tinh đón Bác và đoàn đại biểu Chính phủ tại bản Khoóng, xã Chiếng An. Khi Bác đến, mọi người cùng hướng về phía Bác, những tràng vỗ tay không ngớt. Phong cách giản dị, lời nói ấm áp, thân thiết, gần gũi của Bác đã chinh phục tình cảm của đồng bào. Người khuyên: “Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng vẫn phải anh dũng. Anh dũng trong mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc, bây giờ anh dũng sản xuất, xoá nạn mù chữ…”.

Bác dặn dò cán bộ: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đầy tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu, cưỡi cổ nhân dân. Tức là, cán bộ phải chăm sóc đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được đời sống, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi”. Bác còn hỏi nhiều về sản xuất và hướng dẫn đồng bào áp dụng cải tiến kỹ thuật, làm thủy lợi, làm phân bón ruộng… một cách cụ thể, dễ hiểu. Thể hiện tấm lòng kính yêu với Bác, đồng bào Yên Châu kính tặng Bác chiếc khèn. Trước mọi người, Bác đưa chiếc khèn lên thổi. Tấm ảnh Bác thổi khèn được lưu giữ tại kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hiện nay chính là tấm hình ghi lại tấm lòng Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc, đồng bào Yên Châu.

Từ Yên Châu, Bác đến thăm nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Niềm vui, nỗi hồi hộp xen lẫn, ai cũng muốn được thấy Bác đầu tiên, ai cũng muốn gần Bác nhất để được ngắm, được thỏa lòng mong ước bấy lâu. Bác vẫy tay chào, Bác hôn các cháu thiếu nhi, Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống sản xuất của đồng bào, của cán bộ, chiến sĩ rồi đi thăm Nông trường Mộc Châu. Tại đây, Bác đã ân cần dặn dò cán bộ, nhân dân Mộc Châu: Tây Bắc có vị trí rất quan trọng, trong đó Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng Mộc Châu phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải: Đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục và chăm lo sức khoẻ cho nhân dân…

Ở mỗi nơi, Bác Hồ đều dừng lại ân cần nói chuyện với đồng bào, cán bộ, bộ đội. Thời gian thật ngắn ngủi nhưng chuyến đi thăm của Bác đã để lại trong lòng cán bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc ấn tượng sâu sắc mãi mãi không phai mờ. Kỳ đài Thuận Châu, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện đã trở thành di tích lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Ghi nhớ lời dạy của Bác, đồng bào các dân tộc ở Mộc Châu, Yên Châu… đã và đang cố gắng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đó cũng chính là biểu hiện tình cảm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc thực hiện lời dạy của Bác: Đoàn kết một lòng, chung thủy xây dựng mảnh đất Tây Bắc ngày một giàu đẹp.

Tác giả: Nguyễn Đức Bảo
Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP