Liên quan đến vụ việc BVĐK Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con hi hữu giữa hai gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) vào năm 2012, chiều 11/7, đại diện BVĐK huyện Ba Vì đã có cuộc trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội.
Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì - nơi để xảy ra vụ việc hi hữu trao nhầm con 6 năm trước |
Ông Nguyễn Ngọc Vinh- Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, người phát ngôn của BVĐK Ba Vì cho biết, khi nhận được phản ánh của gia đình anh Sơn, Bệnh viện đã không chối bỏ, không che giấu thông tin và xin lỗi gia đình, nhận trách nhiệm để xảy ra sai sót này, đồng thời cam kết trong thời gian ngắn nhất tìm lại con cho gia đình.
“Bệnh viện cũng chi trả toàn bộ chi phí đi lại, xét nghiệm AND xác định tìm lại bố mẹ đẻ cho hai bé” – ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho biết, bản thân gia đình anh Sơn đã làm đơn kiện gửi lên TAND huyện Ba Vì, trong khi chị Hương thật sự không muốn đưa vụ việc ra Toà. Đến nay, Toà đã 3 lần có giấy mời chị Vũ Thị Hương lên làm việc nhưng chị Hương vì nhiều lý do chỉ đến 1 lần đầu tiên, trong vài phút. Hai lần sau, chị Hương không đến.
Người phát ngôn BVĐK Ba Vì cũng cho biết, Bệnh viện đã tiến hành việc xử lý cán bộ liên quan để xảy ra vụ việc. Cụ thể, 2 nữ hộ sinh tham gia đỡ đẻ, trao con đã bị đình chỉ các hoạt động chuyên môn, chỉ tham gia công việc hành chính. Một trong 2 người này là đảng viên cũng đã bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.
Về việc dù đã xác định vụ việc từ nhiều tháng trước nhưng đến nay hai đứa trẻ bị trao nhầm giữa hai nhà vẫn chưa được đoàn tụ cùng bố mẹ đẻ, ông Vinh cho biết, phần lớn do phía gia đình chị Hương chưa sẵn sàng tâm lý để đồng ý đổi con.
“Vấn đề này, Bệnh viện cũng rất thông cảm. Chị Hương có 2 người con. Cháu bé bị trao nhầm là con đầu, rất gắn bó với mẹ. Hai mẹ con hiện vẫn thuê nhà ở Hà Nội. Chị Hương là giáo viên tư thục, chuyên chăm sóc, dạy các trẻ đặc biệt. 6 năm bên cạnh nhau, dù hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng tình cảm mẹ con rất sâu đậm. Không ai dễ dàng chấp nhận chuyện “đổi con” khi bỗng dưng xảy ra sự nhầm lẫn này” – ông Vinh chia sẻ.
Ông Vinh cho biết, ngoài những hỗ trợ về chi phí đi lại, phí xác định con đẻ - bố mẹ đẻ, Bệnh viện cũng sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ những tổn thất của hai gia đình trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Một lãnh đạo Bệnh viện này thừa nhận: "Nếu đòi bồi thường quá nhiều thì Bệnh viện không có tiền; bản thân cán bộ y tế làm sai cũng không thể bồi thường được với mức lương mỗi tháng chỉ 4 triệu đồng”.
Trước đó, như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, trong đơn gửi tới Bộ Y tế, anh Sơn mong mỏi Bộ Y tế khẩn trương giải quyết sự việc để hai cháu được đoàn tụ với bố, mẹ và gia đình vì chỉ còn hơn một tháng nữa các cháu vào lớp 1.
Gia đình anh Sơn cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Ba Vì bồi thường tổn hại về tinh thần và vật chất theo yêu cầu, sớm có hình thức xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm cũng như trao nhầm con của bệnh viện, xử lý trách nhiệm của tổ chức, bộ phận, cá nhân liên quan trong việc này.
Tác giả: Võ Thu
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội