Bảng báo giá việc nhà quy định chi tiết từng hạng mục của cu Bờm, được bố mẹ viết lại lên bảng. |
Những ý kiến nhiều chiều
Mới đây trên mạng xã hôi lan truyền "bảng báo giá việc nhà" của một phụ huynh với nhiều ý kiến trái chiều. Theo chị Hà, phụ huynh của bé Bờm thì "Bảng giá được áp dụng từ hôm 30/7 và tính đến 1/8, chị Hà than đã mất 250 nghìn đồng". Theo tâm sự của chị Hà, từ khi bảng giá làm việc nhà do cậu con trai năm nay lên lớp 8 soạn ra có "hiệu lực", chị Hà lo mình sẽ "mất khả năng thanh toán".
Theo chị Hà, xuất phát từ việc thấy điện thoại của ba hỏng màn hình, cu Bờm ước có tiền để mua điện thoại tặng ba. Lúc đầu, Bờm định xin làm khuân vác đồ tại xưởng bọc ghế da, đệm của người thân nhưng xưởng xa, trong khi lại sắp vào năm học mới nên cậu bé mới nghĩ ra việc "khởi nghiệp tại gia".
Biết con trăn trở chuyện kiếm tiền, nhân lúc cả nhà ngồi ăn cơm, chị Hà buột miệng kể ngày xưa nhổ tóc cho bà được mấy nghìn. Mẹ chưa có sợi tóc bạc nào nên cu cậu tiu nghỉu "hết hy vọng". Tuy nhiên, không để con thất vọng, ba cu Bờm đề xuất: Rửa bát. Từ gợi ý đó, Bờm dõng dạc tuyên bố sẽ lo liệu nhà cửa gọn gàng, bát đĩa sạch bóng, cơm nước đầy đủ... rồi xây dựng bảng giá.
"Giọng bạn nhỏ hơn nhưng rất chi là rành rọt: Con sẽ gửi bảng giá tới ba mẹ, quy định chi tiết từng hạng mục một. Ba mẹ chỉ cần nhìn vào giá dịch vụ mà trả lương tháng cho con theo đúng tinh thần thoả thuận giữa giới chủ và người lao động. Lao động có quyền khởi kiện nếu chậm lương, 6 tháng một lần nếu không có thưởng", chị Hà kể.
Từ khi có bảng giá, cu Bờm ý thức hẳn, ăn xong tự rửa bát, đồ dùng tự dọn vì nếu ba mẹ cất giúp thì con phải trả tiền. Chị Hà cho biết, thực ra đây là hình thức con trai tiết kiệm. Tiền công ngày nào được thanh toán ngày đấy để cu Bờm nhét lợn. Thế nhưng, cậu bé muốn ứng trước để làm tròn số tiền. Nếu hôm nay thu được 110 nghìn đồng, cu cậu sẽ xin ứng trước 40 nghìn đồng để thành 150 nghìn đồng.
Trong khi chị Hà lo sẽ thành "con nợ", chồng chị lại ra sức động viên con trai "biết trân trọng sức lao động của mình là tốt". Theo chị Hà, cu Bờm từ xưa đến giờ chưa biết tiêu tiền, chỉ từ lúc "làm giàu", cậu mới bắt đầu nâng niu từng đồng. Có lần đi dã ngoại cùng lớp, được mẹ cho tiền, Bờm đều cầm về mà không tiêu.
Bà mẹ một con cho rằng việc con trai đến giờ vẫn chưa biết sử dụng đồng tiền là quá muộn. Hiện tại, ngoài việc giúp mẹ đi siêu thị, cu Bờm chưa bao giờ nhắc đến tiền. Lần này Bờm bắt đầu quan tâm đến tiền vì liên quan tới chiếc điện thoại hỏng của ba. Cậu bé muốn có tiền để mua điện thoại mới cho ba và hy vọng sẽ được dùng chiếc cũ.
Thấy mẹ đi làm về, cu Bờm giải trình với mẹ cụ thể từng việc đã làm trong ngày, kèm giá tiền. |
Hiện nay, bảng báo giá làm việc nhà của cu Bờm đang gây bão trong cộng đồng mạng với nhiều ý kiến đồng tình. Facebook Hoàng Ngân chia sẻ: "Nhà mình có bạn con trai học lớp 7, mình cũng trả công cho cháu khi làm việc nhà, chỉ có 20k/ tuần và tiền tiêu vặt 10k/ngày khi đi học.
Tiền công nhận theo tuần thì cho vào lợn, 1 năm đập 1 lần cho cháu mua đồ cháu thích. Cá nhân tôi nhận thấy khi được nhận tiền công cháu chủ động làm việc nhà hơn, trách nhiệm cũng cao hơn. Có tiền tiết kiệm cháu cũng có kế hoạch mua đồ lớn cho mình như tự mua được xe đạp, đồ chơi đắt tiền mà cháu thích."
Đồng quan điểm, facebook Thúy Phạm cho hay: "Tôi thấy cách này rất hay, các bạn thử nghĩ xem con các bạn đã làm được những việc đó chưa, mà nếu làm thì có bằng cái tâm không hay là các bạn phải nạt nộ con mới làm, hãy xem cách con bạn kiếm tiền và tiêu tiền, đồng tiền kiếm được bằng sức lao động nên khuyến khích".
Tuy nhiên cũng có những ý kiến không đồng tình. "Cách đối xử với người trong gia đình như vậy là không chấp nhận được. Công ơn dưỡng dục em để đâu vậy? Để tới ngày mình nằm xuống không còn cung phụng nó được ...nó tính rồi lúc đó ngớ người ra nhé", facebook Huỳnh Như bày tỏ.
"Mình có anh bạn Việt Kiều gia đình rất giàu có, anh không thuê giúp việc mà phân công việc nhà cho các con của mình. Con trai anh ấy những lúc rảnh rỗi ngoài giờ học và làm việc nhà, cháu đi nhặt banh ở sân tenis để kiếm tiền mua những gì mà mình thích. Tôi nghĩ ý thức của con cái phụ thuộc vào thái độ giáo dục của cha mẹ. Đừng quá nuông chiều con cái bạn", nickname Như Loan chia sẻ.
"Con mình năm nay lên lớp 3 nhưng 1 năm trước cháu đã làm việc nhà: nhặt rau, rửa bát, phơi quần áo, cắm cơm và dọn dẹp nhà cửa cùng mẹ. Mình bảo với con: vì đây là nhà của cả mẹ và em (bọn mình xưng hô mẹ -em), cùng ăn uống, cùng ở trong nhà này nên đương nhiên em cũng có trách nhiệm chăm nhà cùng mẹ, không có chuyện "trả công" khi làm việc vặt. Bé rất hiểu chuyện và không hề đòi hỏi. Đôi khi mình cũng cho bé 5-10k tiêu vặt nếu thấy xứng đáng và không liên quan gì đến việc con đã làm những việc nhà kia", nickname Hoài Thương bày tỏ góc nhìn khác.
Chuyên gia nói gì?
"Nếu bạn trả công cho con khi con làm việc nhà, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ, con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Càng về sau, khi cơn lười biếng dâng lên, con sẽ càng tức tối, khó chịu khi phải làm việc nhà. Đến lúc đó mọi lời dạy bảo trở nên đã quá muộn". Đó là quan điểm của TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội trong bài viết chia sẻ về "bí kíp" giúp trẻ thích làm việc nhà với một số nguyên tắc.
Cũng bàn về vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM trả lời trên PNO cho rằng, không có gì là sai hay xấu khi người lớn trả công cho trẻ. Thế nhưng, trả công thế nào và cho những việc gì mới là quan trọng:
“Việc con thực hiện nghĩa vụ trong gia đình, cần xác định rõ đó là trách nhiệm. Nếu đã là trách nhiệm cần được nghiêm túc tuân thủ và hoàn thành. Khi trẻ hoàn thành thật tốt, trẻ sẽ được khen thưởng chứ không phải trả công. Mặt khác, có những công việc không phải là trách nhiệm của trẻ mà là sự cố gắng của trẻ và việc ấy có thể tạo ra những giá trị kinh tế nhất định.
Khi trẻ có sự đóng góp và trẻ ý thức được điều đó, cha mẹ rất nên trả chút tiền công, tiền thưởng. Có thể không cần phải trả liền, cha mẹ nên bàn bạc cùng con, phần bồi dưỡng ấy có thể mang giá trị động viên, khuyến khích, tạo ra cảm giác rằng mình được trân trọng”.
Tác giả: Phương Nghi (t/h)
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội