Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Quang cảnh phiên họp |
Thống nhất ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt trình bày dự thảo |
Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết được ban hành nhằm đưa kinh tế biển tỉnh Nghệ An đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh. Đồng thời, tập trung nguồn lực đẩy mạnh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển của vùng Bắc Trung bộ; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…
Dự thảo Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,5 – 11,5%/năm; giá trị tăng thêm bình quân đầu người ven biển năm 2025 đạt khoảng 106 triệu đồng… Đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển ước đạt khoảng 57-60% GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển chiếm hơn 50% kinh tế ngành du lịch của tỉnh; xây dựng và hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng khu bến cảng nước sâu Cửa Lò; giá trị gia tăng thêm bình quân đầu người vùng ven biển năm 2030 đạt khoảng 248 triệu đồng…
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm đối với vùng ven biển: Phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 03 đột phá chiến lược, hình thành hành lang kinh tế biển, phát huy 05 lĩnh vực trụ cột, xây dựng 03 trung tâm đô thị ven biển.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phát biểu |
Tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị cần xem xét, tính toán tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển đã phù hợp hay chưa. Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã góp ý cụ thể về kết cấu của Nghị quyết; đề nghị cập nhật thêm các văn bản của Trung ương về phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng mới được ban hành.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu |
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị cần cụ thể hóa các khâu đột phá chiến lược thành các giải pháp của tỉnh. Về lĩnh vực ưu tiên phát triển, cần tập trung phát triển công nghiệp ven biển, du lịch biển.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu |
Phát biểu kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào căn cứ xây dựng Nghị quyết. Đồng thời, bám sát vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được thẩm định và việc tỉnh Nghệ An chuẩn bị trình Bộ Chính trị dự thảo Nghị quyết về phát triển tỉnh Nghệ An; cụ thể hóa các văn bản của Trung ương để sát với tình hình thực tiễn của tỉnh Nghệ An.
Về bố cục, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lồng ghép ba đột phá vào các giải pháp thực hiện; nhập phần nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp thành 1 nội dung. Giữ nguyên các chỉ tiêu nêu trong dự thảo và quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu.
Về thứ tự ưu tiên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung thực hiện theo thứ tự: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng (cảng nước sâu, cảng hàng không, đường ven biển, đường kết nối Vinh – Cửa Lò; các tuyến đường trục ngang); phát triển các khu công nghiệp mở rộng (mở rộng khu công nghiệp WHA; khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt 1, Hoàng Thịnh Đạt 2). Tập trung thu hút đầu tư; xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; chú ý phát triển logistics và vận tải biển. Phát triển du lịch ven biển, đô thị ven biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Thống nhất phương án điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Vinh
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Cảng Hàng không quốc tế Vinh được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giai đoạn đến 2030 và định hướng sau năm 2030 tại Quyết định số 347/QĐ-BGTVT ngày 29/01/2015 và phê duyệt điều chỉnh phạm vi sử dụng đất tại Quyết định số 769/QĐ-BGTVT ngày 04/5/2019. Là Cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định ICAO, công suất thiết kế hành khách dự kiến đến năm 2030 là 7 triệu hành khách /năm; diện tích quy hoạch là 447,37ha (trong đó, diện tích đất khu bay sử dụng chung là 330,14ha; diện tích đất khu hàng không dân dụng là 78,77ha; diện tích quy hoạch đất quốc phòng là 38,46ha).
Nhà ga hành khách T1 được đầu tư xây dựng mới và đưa vào khai thác từ năm 2015 đáp ứng công suất 2 triệu khách/năm; Đường CHC, đường lăn và sân đỗ tàu bay hiện có đảm bảo phục vụ các loại tàu bay A321/A320 có giảm tải và tương đương trở xuống (chở tối đa 230 hành khách/chuyến); có 06 vị trí đỗ máy bay; năng lực phục vụ chuyến bay/giờ: 01 giờ phục vụ được 04 chuyến bay, tối đa là 05 chuyến bay; năng lực phục vụ hành khách của nhà ga/giờ: 01 giờ phục vụ được 1000 khách (trong đó 500 khách đến, 500 khách đi). Hiện nay, Cảng đang khai thác 9 đường bay, 6 hãng hàng không với tần suất bình quân 26 - 28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52 - 56 lượt cất hạ cánh/ngày). Lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Vinh năm 2022 đạt 2,6 triệu hành khách, đã quá tải so với công suất hiện nay.
Nhà ga hành khách T1 đã hoạt động tối đa công suất, những dịp cao điểm tần suất chuyến bay lớn quá tải (khoảng 50 chuyến cả đi và đến); nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu do đang sử dụng từ nhà ga cũ cải tạo. Đặc biệt, sảnh đón hành khách và khu vực làm thủ tục check in đã quá tải trong thời gian cao điểm; số lượng sân đỗ chỉ đáp ứng được tối đa 6 máy bay, trong khi các dịp Lễ, Tết cần 8 đến 9 vị trí đỗ; đường cất hạ cánh số hiện hữu dài 2.400m được đầu tư sửa chữa từ năm 2003, chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A320/A321 giảm tải (máy bay code C) hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787… chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; chưa có hệ thống đường lăn song song ảnh hưởng đến thời gian cất hạ cánh các chuyến bay; chưa có nhà ga hàng hoá, khu vực hangar sửa chữa…
Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, công suất Cảng hàng không quốc tế Vinh dự kiến đến năm 2030 khoảng 8 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 14 triệu hành khách/năm.
Tại phiên họp, đơn vị tư vấn đã báo cáo các phương án điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 02 đường cất hạ cánh. Diện tích đất dự kiến cần giải phóng mặt bằng (so với Quyết định số 769/QĐ-BGTVT ngày 04/5/2019 của Bộ GTVT) để xây dựng khu hành khách dân dụng giữa 02 đường cất hạ cánh khoảng: 115 ha (bao gồm Xã Nghi Ân: 68,1ha; xã Nghi Trường: 43,6ha; xã Nghi Trung: 3ha). Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 850 hộ; không ảnh hưởng đến diện tích đất của quân đội.
Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến dự thảo Báo cáo và chương trình Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn