Viêm xoang cấp tính là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở một hay nhiều xoang (xoang hàm, xoang sàng và xoang trán). Bệnh thường xuất hiện sau khi có nhiễm virut (cảm cúm), do dị ứng hoặc nhiễm nấm đường hô hấp. Những nguyên nhân này làm màng nhầy viêm và sưng lên, vì thế dịch từ các xoang không thoát ra được. Nếu không điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm phế quản, phổi hoặc biến thành viêm xoang mạn tính.
Tân di (búp hoa khô của cây tân di) |
Đông y chia viêm xoang làm 2 loại: Viêm xoang dị ứng và viêm xoang nhiễm khuẩn. Bài viết này xin giới thiệu cách chữa viêm xoang nhiễm khuẩn. Bệnh chia làm 2 thể: cấp tính và mạn tính.
Viêm xoang nhiễm khuẩn cấp tính: Bệnh mới phát. Người bệnh có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mũi màu vàng có mủ, xoang hàm và xoang trán đau, viêm hố mũi kèm theo sợ lạnh, sốt, nhức đầu. Phương pháp chữa là thanh phế tiết nhiệt, giải độc. Dùng một trong các bài:
Bài 1: kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, chi tử 8g, mạch môn 12g, hy thiêm 16g, diếp cá 16g. Sắc uống, ngày 1 thang
Bài 2: Tân di thanh phế ẩm gia giảm: tân di 12g, hoàng cầm 12g, tri mẫu 12g, kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, mạch môn 12g, diếp cá 12g, thạch cao (sắc trước) 40g. Nếu bệnh nhân nhức đầu, sợ lạnh, sốt thì bỏ hoàng cầm, mạch môn; thêm ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Viêm xoang nhiễm khuẩn mạn tính: Bệnh kéo dài. Người bệnh có biểu hiện xương hàm và xương trán ấn thấy đau; thường chảy nước mũi có mủ và hôi, khứu giác giảm, nhức đầu thường xuyên. Phương pháp chữa là dưỡng âm, nhuận táo, thanh phế, giải độc. Dùng một trong các bài:
Bài 1: sinh địa 16g, huyền sâm 12g, đan bì 12g, mạch môn 12g, kim ngân 16g, ké đầu ngựa 16g, tân di 8g, hoàng cầm 12g. Sắc uống.
Bài 2: Bột cam xanh: Dùng theo phương pháp điều trị cam mũi trong hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc dùng nước NaCl 0,9% rửa mắt và mũi (10ml), bỏ 1/2 hoặc 1/3, cho bột thuốc của 1 ống cam xanh vào, lắc đều, nhỏ mỗi bên mũi 2-3 giọt.
Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên ăn, uống các món sau:
Canh tân di, phổi lợn: phổi lợn 500g, tân di 10g, thương nhĩ tử 20g, bạch truật 15g, phục linh 15g. Phổi lợn rửa sạch thái lát, các dược liệu cùng cho trong túi vải xô, cùng nấu nhừ, lấy bỏ túi bã dược liệu, thêm gia vị làm canh. Mỗi ngày cho ăn 1 lần, liên tục 5-10 ngày. Dùng cho người bệnh tắc mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, quên lẫn, niêm mạc mũi sưng nề, có tiết dịch nhầy.
Canh tân di, trứng gà: tân di 9g, trứng gà 3 quả, nấu thành canh cho ăn. Dùng cho người bệnh viêm mũi, viêm xoang mũi.
Dưa hấu xào cà rốt: vỏ dưa hấu 300g, cà rốt 200g, gừng tươi 12g. Vỏ dưa cạo bỏ lớp mỏng ngoài: thái lát; cà rốt thái lát, gừng tươi đập giập; tất cả đem xào với dầu thực vật, thêm gia vị. Cho ăn thành bữa phụ hoặc ăn trong bữa chính. Ngày 1 lần, đợt dùng 7-10 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm xoang mũi.
Tác giả: Theo BS. Tiểu Lan/SKĐS
Nguồn tin: Khỏe Plus 24h