Thể thao

Văn Sỹ Hùng: Sát thủ “Litte boy” đã làm cả sân Senayan câm lặng

Trong “thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam, có 1 cầu thủ dù chỉ có chiều cao khiêm tốn 1m62 nhưng được người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhớ mãi. Đó là tiền đạo "litte boy" sát thủ Văn Sỹ Hùng.

Niềm vui ghi bàn của Litte boy Văn Sỹ Hùng. Ảnh: Tư liệu

Con nhà nòi

Sinh năm 1969, Sỹ Hùng thuộc diện “con nhà nòi”. Bố anh, cựu danh thủ Văn Sỹ Chi từng một thời lừng lẫy trong màu áo Thể Công và đội tuyển Việt Nam ở thập niên 60 và 70. Ông chính là “thân phụ” của 4 cầu thủ: Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy và Văn Sỹ Linh.

Văn Sỹ Hùng được thừa hưởng tài năng thiên bẩm từ người cha và cũng chính ông là người dẫn dắt và tạo ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của Văn Sỹ Hùng. “Gia đình mình có gen bóng đá của bố nên mấy anh em ai cũng đam mê bóng đá hết. Nhưng dường như mình là người được thừa hưởng nhiều nhất từ bố” - Văn Sỹ Hùng chia sẻ.

Bản thân ông Văn Sỹ Chi lúc sinh thời cũng khẳng định: “Từ lúc 8 tuổi, tôi đã phát hiện ra năng khiếu bóng đá của Hùng. Nó nhỏ người nhất trong số mấy anh em nhưng cũng là đứa có đôi chân khéo léo và nhanh nhẹn nhất”.

Năm 1986, đội Công An Thanh Hóa tuyển Văn Sỹ Hùng vào lớp năng khiếu. Tuy nhiên sau đó anh nhập ngũ và phải 4 năm sau, Sỹ Hùng mới quay trở về khoác áo Công An Thanh Hóa. Năm 1992, Sỹ Hùng góp phần giúp đội bóng xứ Thanh giành quyền lên hạng A1. Thế nhưng phải đến khi chuyển sang đầu quân cho Sông Lam Nghệ An (năm 1993), cái tên Văn Sỹ Hùng mới thực sự được mọi người biết đến.

Gia đình ông Văn Sỹ Chi với Sỹ Hùng đứng giữa

Trong những năm tháng sung sức nhất của cuộc đời cầu thủ, Văn Sỹ Hùng đã cống hiến hết mình cho đội bóng quê hương, gặt hái được thành công và đưa đội bóng xứ Nghệ trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam. Ở thời điểm có phong độ cao nhất, Sỹ Hùng luôn là nỗi ám ảnh đối với mọi hàng phòng ngự đối phương, góp công không nhỏ giúp đội bóng xứ Nghệ vô địch quốc gia liên tiếp 2 mùa giải 1999-2000 và 2000-2001. Người hâm mộ luôn nhớ đến Văn Sỹ Hùng như một cầu thủ tuy nhỏ bé nhưng lối chơi đầy kỹ thuật, tinh quái nhưng không kém phần tốc độ, thoắt ẩn thoắt hiện và có thể ghi bàn bất cứ lúc nào.

Nhận xét về Văn Sỹ Hùng, cựu hậu vệ của Thể Công là Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Tôi đá hậu vệ trái còn anh Hùng chơi tiền đạo phải. Mỗi khi Thể Công gặp Sông Lam Nghệ An và phải đối mặt với Văn Sỹ Hùng, tôi thường bị mất ngủ trước trận đấu. Một cầu thủ có kỹ thuật, tốc độ và sự tinh quái như anh Hùng luôn gây ra những khó khăn đối với các hậu vệ như tôi”.

Còn người đồng đội một thời ở SLNA Nguyễn Hữu Thắng thì chia sẻ: “Ở SLNA, bọn tôi hay trêu Văn Sỹ Hùng gọi là Tôn Ngộ Không hay danh hài Sạc-Lô bởi anh ta vừa khôn lại vừa khéo. Sỹ Hùng thực sự là một sát thủ trên sân cỏ”.

Văn Sỹ Hùng, một tiền đạo tài năng. Ảnh: tư liệu

Những bàn thắng đi vào lịch sử

SEA Games 19 trên đất Indonesia là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên mà Văn Sỹ Hùng được góp mặt. Sau thất bại 0-1 trước đội tuyển Malaysia ở trận mở màn, đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu thứ hai gặp đội chủ nhà Indonesia, trước sức ép khủng khiếp của gần 100.000 khán giả chủ nhà ngồi chật kín sân vận động Senayan. Đội tuyển Việt Nam bị dẫn trước 2-0 và càng thêm bất lợi khi phải chơi thiếu người sau khi trung vệ Đỗ Khải phải nhận thẻ đỏ.

Thế nhưng đúng vào lúc khó khăn nhất, Văn Sỹ Hùng lên tiếng với 2 bàn thắng đẹp mắt "quý như vàng" cho đội tuyển Việt Nam. Bàn đầu tiên là một cú “ngả bàn đèn” móc bóng trong vòng cấm, còn bàn thứ hai là tình huống di chuyển khôn khéo trước khi bấm bóng kỹ thuật hạ gục thủ môn đội chủ nhà. Báo chí Indonesia khi đó đã gán cho tiền đạo xứ Nghệ biệt danh “little boy”, một tiền đạo tuy có thân hình nhỏ bé nhưng đã làm câm lặng 100.000 khán giả ở “chảo lửa” Senayan.

Văn Sỹ Hùng như còn thần mã. Tư liệu

Văn Sỹ Hùng nhớ lại “Đó là trận bóng mà tôi không thể nào quên được trong cuộc đời. Phải chơi trên 1 sân vận động là 1 trong 5 sân lớn nhất thế giới, trong bầu không khí cực kỳ náo nhiệt, khiến cho anh em cầu thủ phải chịu sức ép rất lớn. Rất may là tôi đã ghi được 2 bàn để giúp đội nhà giành lại 1 điểm. Sáng hôm sau khi ngủ dậy, thật bất ngờ khi lễ tân khách sạn gọi điện lên phòng nói tôi có quà gửi từ Việt Nam sang. Thậm chí sau đó, người ta phải dùng xe đẩy của khách sạn để mang quà lên cho tôi, bao gồm rất nhiều thư, fax chúc mừng của người hâm mộ nước nhà gửi sang. Tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt ”.

Trận đấu thứ hai mà Văn Sỹ Hùng không thể nào quên được là chiến thắng 3-0 trước Thái Lan trên sân Hàng Đẫy tại bán kết Tiger Cup 1998 trong đó anh góp 1 bàn. Cú tâng bóng tưởng như đơn giản nhưng hội tụ đủ kỹ thuật, bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc của Văn Sỹ Hùng, không chỉ ấn định chiến thắng 3-0 cho đội tuyển Việt Nam, mà còn mở ra một đêm hội tưng bừng cho người hâm mộ cả nước.

Sỹ Hùng trong trận thắng Thái Lan. Ảnh: Tư liệu

Nhớ lại cảm giác lúc đó, Văn Sỹ Hùng vẫn còn cảm thấy bồi hồi “Thực sự lúc đấy cảm giác của mình không thể nào tả được. Mình cảm thấy người như đang bay trên không trung. Nhìn lại khán đài lúc đó, không ai là không như điên cuồng”

Tuy nhiên Tiger Cup 1998 vẫn là giải đấu không trọn vẹn đối với tiền đạo xứ Nghệ. Anh phải ngồi ngoài trong trận chung kết do đã nhận thẻ ở trận bán kết và phải ngậm ngùi nhìn Singapore đăng quang ngay trên sân nhà. “Đấy là tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Chúng tôi đã không đoạt được Cúp vô địch. Đó là món nợ với người hâm mộ mà chúng tôi không bao giờ trả được hết” - Sỹ Hùng tâm sự.

Sỹ Hùng (ngồi giữa) cùng tuyển Việt Nam đoạt hạng ba tại SEA Games 1997 tại Indonesia. Ảnh: Tư liệu

Sỹ Hùng (hàng ngồi bìa trái) tại Tiger Cup 1998

Cựu tiền đạo của đội tuyển Việt Nam luôn trân trọng tình yêu của người hâm mộ dành cho mình và coi đó là thứ tài sản đáng quý nhất trong cuộc đời. " Một lần khi ô tô chở đội đi từ Nhổn ra sân Hàng Đẫy, tôi thấy có 1 cậu bé chăn trâu trên cánh đồng, mặc một chiếc áo số 9 in tên của tôi và đội chiếc mũ tự chế với hàng chữ “Việt Nam vô địch”. Đó sẽ là hình ảnh mà tôi không thể nào quên được trong cuộc đời”

Doanh nhân thành đạt

Sự kiện nào cũng có hồi kết, vinh quang nào rồi cũng phải khép lại. Sau nhiều lần bị chấn thương dai dẳng, năm 2004, Văn Sỹ Hùng quyết định giải nghệ trong màu áo đội hạng Nhất Khách sạn Khải Hoàn. Tiền đạo nhỏ bé ngày nào của bóng đá Việt Nam giờ đã trở thành doanh nhân thành đạt với bộn bề lo toan của cuộc sống.

Bên cạnh đó, Văn Sỹ Hùng cùng em trai là Văn Sỹ Thủy mở lò đào tạo bóng đá trẻ VST ở quê nhà nhằm tìm kiếm và giúp đỡ những tài năng trẻ của bóng đá xứ Nghệ để trở thành những cầu thủ giỏi. Kinh nghiệm của 1 gia đình 2 thế hệ đều là danh thủ của bóng đá Việt Nam đã giúp trung tâm thành công ở các giải trẻ, thậm chí giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhất quốc gia 2008. Tuy nhiên do không đủ kinh phí để duy trì hoạt động, đội bóng này sau đó phải chuyển nhượng cho Sài Gòn United. Đội bóng này thi đấu không thành công nên sau đó giải thể.

Sỹ Hùng làm đào tạo trẻ và huấn luyện

Tưởng như trung tâm đào tạo của Văn Sỹ Hùng sẽ không thể tiếp tục hoạt động thì đúng vào lúc đó bầu Hiển xuất hiện và đứng ra chi trả mọi chi phí hoạt động cho trung tâm. Để rồi năm 2012, Văn Sỹ Hùng quyết định sáp nhập lò đào tạo tại thị xã Cửa Lò của mình thành chi nhánh đào tạo trẻ của Hà Nội T&T. Không ít cầu thủ đang chơi bóng ở V-League hiện nay đã trưởng thành từ lò đào tạo này như Sầm Ngọc Đức, Ngân Văn Đại, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Hoàng...

Một sự nghiệp lẫy lừng trên sân cỏ, một doanh nhân thành công nhưng Văn Sỹ Hùng tự hào nhất vì mình đang là một người thầy tận tậm với các học trò. Với anh không gì hạnh phúc bằng được thấy các học trò trưởng thành và trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Nói về triết lý sống của mình, Văn Sỹ Hùng chia sẻ: ”Tất cả mọi việc từ bóng đá cho đến kinh doanh ở ngoài thương trường, nếu mình không cố gắng, không chịu khó thì mình sẽ không thể thành công”.

Sỹ Hùng vừa quản lý vừa trực tiếp chỉ đạo các học trò và đang là doanh nhân thành đạt

Tác giả: Thùy Trâm

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

  Từ khóa: Văn Sỹ Hùng ,SLNA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP