Xã hội

Từ vụ nữ sinh ném con: Sinh viên sống sao cho xứng tấm lòng mẹ cha?

Bất chấp kỳ vọng của gia đình, có những sinh viên lên thành phố mải chơi, sống buông thả, đánh mất tương lai. Vụ nữ sinh viên ném con vừa mới sinh qua cửa sổ tầng 31 là một ví dụ tiêu biểu.

Những ngày qua, dư luận cả nước vô cùng bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ trước vụ việc một cô gái sinh con rồi ném qua ô cửa thông gió nhà vệ sinh, xảy ra tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo điều tra, người ném con mới sinh từ tầng 31 chung cư xuống đất là nữ sinh Vân Anh - sinh viên năm 4 tại một trường đại học ở Hà Nội, quê Quảng Bình. Mặc dù còn đang đi học nhưng nữ sinh 21 tuổi này đã mang thai với bạn trai. Sau khi chia tay người yêu, với cái thai trong bụng, cô tiếp tục yêu thêm 2 nam thanh niên nữa. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, cô vừa “yêu” người mới được một tuần.

Nữ sinh Vân Anh đã có hành vi ném con từ tầng cao chung cư xuống.

Câu chuyện trên và một số vụ việc cho thấy, lối sống buông thả của một số sinh viên hiện nay: có thai ngoài ý muốn, tự sinh con rồi vứt bỏ. Chuyện “sống thử” với sinh viên bây giờ không hiếm, hệ quả từ chuyện sống thử này ảnh hưởng tới việc học tập, ghen tuông, mang thai ngoài sa vào tệ nạn xã hội.

Trong khi đó, họ không thấy hổ thẹn trước nhiều sinh viên vẫn miệt mài đam mê nghiên cứu với các bài học trên lớp và trên thư viện.

Những năm trở lại đây, những tệ nạn xã hội như: cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, sinh viên bán dâm, nghiện game online…, với những mặt trái đã dần len lỏi vào đời sống của giới sinh viên. Bên cạnh đó, thực trạng vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm của giới trẻ cũng xảy ra: Hành xử giang hồ, bạo lực học đường, thậm chí cướp trong học đường…

Chỉ ra thực trạng một số sinh viên có tâm lý ham chơi, hưởng thụ quên chuyện học hành, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nếu như ở học phổ thông có sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô, thì học đại học các em chủ yếu là tự lập. Có những sinh viên hiện nay có tư tưởng sau nhiều năm học phổ thông vất vả, vào đại học là dịp để xả hơi chơi nhiều hơn học, đây lại là một tư tưởng rất đáng buồn.

“Một số sinh viên ý thức kém, coi vào đại học là thành công và nghĩ đến việc xả hơi, nhất là các em xa gia đình. Chính vì thế, số sinh viên “ra trường rất sớm” mà nói đúng ra là bị buộc thôi học lại là các em sinh viên có tư tưởng xả hơi. Sinh viên tuổi 18 là công dân, có nhận thức và trách nhiệm với chính mình. Có rất nhiều em vào đại học nhưng không tốt nghiệp được, điều này rất buồn cho bản thân sinh viên và gia đình” - PGS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Một bộ phận nhỏ sinh viên sống buông thả, sa vào tệ nạn xã hội.

Mỗi năm, cả nước có thêm hàng trăm nghìn sinh viên mới, cùng với đó là sự kỳ vọng của gia đình. Con vào đại học trong niềm hân hoan về một tương lai học hành đỗ đạt, thoát nghèo. Để lo tiền ăn học cho con học đại học trên thành phố, không ít phụ huynh đã phải tăng cường làm thêm, bán trâu, bán bò, vay mượn khắp nơi. Thế nhưng, vẫn có những sinh viên từ lối sống buông thả, ham chơi đánh mất mình để rồi bị đuổi học, vướng vào lao lý, học hành dang dở.

Trở lại với câu chuyện của nữ sinh ném con từ tầng 31 chung cư xuống, chắc hẳn nữ sinh đang sống trong những ngày dằn vặt bản thân vì lỗi lầm gây ra. Nhưng buồn và thất vọng nhất vẫn là bố mẹ của cô gái, nén nỗi buồn để từ Quảng Bình ra Hà Nội chăm sóc con ở bệnh viện bưu điện. Bố nữ sinh chia sẻ, vô cùng buồn rầu và chứa đựng đầy nỗi lòng sau những gì con gái đã gây ra, sự việc quá đường đột.

Hình ảnh người cha của nữ sinh ném con qua cửa sổ chung cư với gương mặt buồn bã, đầy tâm trạng khi bước ra khỏi Trung tâm pháp y Hà Nội được một thành viên câu lạc bộ Sự sống Hà Nội (nhận chôn cất thi thể cháu bé xấu số) đăng lên trang cá nhân khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Đằng sau sự kỳ vọng suốt mấy năm qua của gia đình, giờ đây lại là sự thất vọng khi người con chỉ vì bồng bột đã tự đánh mất mọi thứ.

Tác giả: Quang Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP