1. Việt Nam
Tết Trung Thu của Việt Nam còn có tên gọi Tết Trông Trăng hay Tết Đoàn Viên. Sự tích chú Cuội ngồi dưới gốc đa đã trở thành câu chuyện không thể quên trong tiềm thức người Việt.
Trung Thu được coi là ngày tết dành cho thiếu nhi. Chính vì vậy mà khắp các nẻo đường, đâu đâu cũng bày bán những món đồ chơi đa dạng sắc màu.
Chiếc đèn ông sao quen thuộc với kí ức tuổi thơ
Phố bày bán lồng đèn ở Hội An
Gợi nhắc Trung Thu truyền thống Việt Nam, nhiều người hồi tưởng về những buổi tối mát lạnh được trải chiếu giữa sân, vừa ngắm trăng, vừa phá cỗ với gia đình, bạn bè. Người ta còn tổ chức múa lân (múa sư tử) trong tiếng trống huyên náo, tạo nên một không khí rất riêng của ngày Trung Thu. Từng nhóm trẻ con đi đến các nhà, đội đầu sư tử và trình diễn màn múa đẹp mắt. Sau đó, chủ nhà thưởng cho chúng chút tiền lẻ hay bánh kẹo.
Đồ chơi quen thuộc với mỗi người Việt vào dịp Tết Trung Thu là đèn ông sao, trống, đèn lồng, mặt nạ hay đầu sư tử.
Bánh nướng, bánh dẻo là 2 loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu ở Việt Nam.
Bánh có hình tròn hoặc hình vuông, tượng trưng cho đất trời hay sự viên mãn, sung túc. Bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng, còn bánh dẻo lại trắng ngà với mùi thơm đặc trưng của từng hương vị.
Càng ngày, nhân bánh càng được làm đa dạng. Nhưng nét đặc biệt ở hương vị như hương bưởi, hương sen,… là điều mà chỉ ở Việt Nam mới có.
Thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo cùng chén trà búp đặc, đó là một trong những cái thú được người Việt gìn giữ từ bao đời nay.
2. Hàn Quốc
Người Hàn Quốc vẫn hay gọi Trung Thu là ngày Chuseok – Lễ tạ ơn. Ngày này ở Hàn Quốc được coi là ngày lễ chính thống. Người dân xứ sở kim chi thường được nghỉ tới 3 ngày để chào đón và chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok.
Mâm lễ đầy đủ của người Hàn dịp Trung thu
Công việc quan trọng nhất trong ngày truyền thống này của người Hàn là thể hiện đạo lý và lòng hiếu thảo với tổ tiên. Họ đi tảo mộ, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Hoạt động này gần giống với phong tục của người Việt vào tiết Thanh minh.
Các trò chơi truyền thống trong ngày Trung Thu của người Hàn rất đa dạng: kéo co, đấu vật, vòng quanh,…
Kangkangsulle, trò chơi nắm tay nhau đi vòng tròn là trò truyền thống của người Hàn Quốc.
Bánh trung thu Hàn (được gọi là Songpyeon) có kiểu dáng và cách làm khác bánh Việt Nam. Bánh được chế biến chủ yếu từ những sản vật mới thu hoạch, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt, mang ý nghĩa cảm tạ thiên nhiên bởi một mùa màng bội thu.
Bánh thơm mùi nếp mới hòa cùng hương lá thông, lại bùi bùi vị đậu, nổi bật với hình dáng vầng trăng khuyết cùng màu sắc tươi vui. Người Hàn quan niệm chiếc bánh đẹp là minh chứng cho sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ đã làm ra nó.
Ngoài ra, mâm cỗ truyền thống của người Hàn còn có Taro guk (canh khoai môn), Hwanyang jeok (rau và thịt xiên), Dakjjim (gà luộc).
3. Nhật Bản
Lễ hội Otsukimi được hiểu là “ngắm trăng”. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng vào thời điểm trăng tròn vẹn, hoàn thiện nhất.
Lễ Otsukimi đã phản ánh phần nào quan điểm duy mĩ và gắn bó với thiên nhiên của xứ Phù Tang. Vào ngày này, người Nhật chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và tinh tế dâng lên trăng để thể hiện lòng thành kính với cái đẹp. Cũng dưới ánh trăng vàng của tháng Tám, gia đình bạn bè cùng quay quần bên nhau uống trà ăn bánh, chuyện trò và ngâm thơ.
Đèn lồng Nhật Bản vào ngày Trung Thu
Tsukimi dango là bánh trung thu của Nhật Bản. Bánh có hình dạng giống bánh trôi nước, tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng.
Khi ăn bánh, người ta thường thêm chút mật đường ngọt lịm lên trên. Bánh luôn được đặt trang trọng trên một chiếc kệ nhỏ ngay hiên nhà, thích hợp cho việc vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi. Bên cạnh “nhân vật chính” là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen...
Tsukimi dango là món bánh trung thu truyền thống của xứ sở hoa anh đào.
Trẻ em Nhật Bản quen thuộc với những chiếc lồng đèn cá chép đủ hình dàng sắc màu. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
4. Thái Lan
Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “Lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong đêm Trung thu, tất cả mọi người đều phải tham gia lễ cúng trăng.
Mọi người quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất.
Lễ cúng trăng trong tết Trung Thu ở Thái Lan
Trên bàn thờ người Thái bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.
Bởi vậy, bánh Trung Thu ở Thái Lan có hình dạng giống quả đào. Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy và ngọt ngào.
Bánh Trung Thu Thái Lan khá giống Việt Nam, nhưng dẹt hơn. Người dân nơi đây rất chuộng nhân bánh sầu riêng.
5. Singapore
Tết Trung thu ở Singapore là thời điểm lý tưởng để mọi người gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu.
Thả đèn trên sông dịp lễ Trung Thu ở Singapore
Bánh trung thu ở Singapore có hình dáng khá giống với bánh trung thu ở Việt Nam nhưng hương vị thì hoàn toàn khác. Singapore có nhiều loại bánh trung thu khá lạ như bánh dẻo nhân trà xanh hay bánh nướng nhân bí đỏ, nhân sầu riêng. Bánh dẻo không còn giữ màu trắng truyền thống nữa mà được biến tấu với đủ loại màu sắc.
Tết Trung thu ở Singapore mang đậm màu sắc Tết Trung thu Trung Quốc. Khu phố người Hoa ở Singapore năm nào cũng là nơi tổ chức Tết Trung thu khá vui nhộn. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc