Xã hội

Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con...

Những bà mẹ Quảng Bình đã không chỉ oằn mình chịu đựng mưa bom bão đạn của chiến tranh, những cơn siêu bão từ thiên tai khắc nghiệt mà còn sống cùng nỗi đau mất con suốt những năm tháng còn lại của đời người...

Có gì đó thật nao lòng khi được đặt chân đến Quảng Bình - dải đất gập ghềnh, eo hẹp nhất miền Trung. Tôi thật biết ơn người dẫn đường đã trao tặng tôi một quyển sách lịch sử địa phương với những trang ố vàng, cũ kỹ. Tôi nghiêm cẩn lật từng trang, chợt bàng hoàng trước chân dung những người phụ nữ anh hùng đã góp phần làm nên tầm vóc lớn lao của một vùng đất.

Đó là người vợ đảm đang, kiên trung của Đô đốc Lê Trực, là Cô Tám con ông Hoàng Phúc quê ở thôn Mỹ Lộc (Lệ Thủy) chèo đò cho nghĩa quân vua Hàm Nghi qua sông Nhật Lệ, là mẹ Suốt dù đã 60 tuổi vẫn ngày đêm chèo đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ, giữ liên lạc đôi bờ...

Và trước mặt chúng tôi đây là một bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Hà Thị Viễn, sinh năm 1923, quê tổ dân phố 7, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. 3 con trai của mẹ là Nguyễn Phú Tường, Nguyễn Phú Khương, Nguyễn Phú Phúc hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Mẹ ngồi trong dáng vẻ trầm tư, thinh lặng trong ngôi nhà tình nghĩa được xây từ năm 1999, nay đã xuống cấp. Mẹ nói không có gì để kể, cứ nhắc đến những đứa con đã hy sinh, lòng mẹ đau như cắt. Mẹ không muốn kể gì thêm. Nhưng rồi, chính đôi bàn tay run rẩy, nhăn nheo của mẹ vén tấm rèm đỏ che phủ không gian thờ cúng.

Những bức di ảnh, bằng Tổ quốc ghi công lần lượt hiện ra... Chúng tôi hiểu mẹ cố quên đi nỗi đau, cố không nghĩ đến những mất mát quá lớn của cuộc đời... cả những giọt nước mắt thầm lặng mẹ giấu vào trong.

Mẹ làm dâu nhà địa chủ, không ít truân chuyên, ngậm ngùi và cay đắng. Tuy nhà chồng khá giả, có nhiều ruộng đất, có của ăn của để nhưng phận làm dâu cũng không khác gì người ăn kẻ ở trong nhà. 20 tuổi, mẹ sinh con trai đầu lòng. Nhưng may mắn là mẹ có người chồng đối xử tốt với mẹ lắm.

Năm Ất Dậu 1945, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 5.000 người chết đói. Thời điểm nhân dân rơi xuống tận cùng lầm than, đói khổ đã thu hút các tầng lớp quần chúng tham gia đánh Pháp đuổi Nhật, trong đó có những gia đình phú nông như nhà chồng mẹ... Khi giặc Pháp quay trở lại, chồng của mẹ - ông Nguyễn Văn Đàn tham gia Việt Minh, vào chiến khu.

Những người phụ nữ Quảng Bình thời ấy được vận động: “Lo việc nhà cho chồng con tham gia việc nước”, mẹ Hà Thị Viễn âm thầm gánh vác khó khăn chuyện gia đình, cho chồng lên “rú” tham gia cách mạng. Mẹ ở nhà lo cày cấy, nuôi con dại, chống đỡ với làng lính trăm bề cực khổ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Viễn bên di ảnh 3 người con trai.

Sau 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, chồng mẹ trở về quê hương. Nhưng những năm tháng bám rừng rú, gian khổ, thiếu thốn đã vắt kiệt sức lực của ông. Ông lâm bệnh nặng, nằm liệt giường. Người vợ tần tảo thay chồng ra đồng cày bừa, cắt lúa, nuôi con, nuôi chồng bệnh.

Những năm tháng sau ngày “đình chiến” 1954, tỉnh Quảng Bình quê hương mẹ như bao tỉnh miền Bắc khác, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất. Lịch sử những năm tháng ấy đã ghi lại những thành tựu, những sai lầm của cuộc cải cách này.

Và trước mặt chúng tôi hôm nay, sau mấy mươi năm, mẹ Hà Thị Viễn - một nhân chứng vừa là một nạn nhân cải cách ruộng đất trở nên thật trầm lắng khi kể về những năm tháng đau buồn của gia đình mẹ: “Chúng tôi bị quy thành phần địa chủ. Chồng bệnh, đàn con nheo nhóc, người ta đến nhà, bao nhiêu cũng lấy. Lấy cái lành, rách bỏ lại. Tôi khóc ngày khóc đêm, không biết giãi bày sao cho chính quyền thông cảm. Chúng tôi là địa chủ nhưng trước đó cũng đã sẵn sàng ủng hộ kháng chiến!”.

Nhà cửa, ruộng đất bị trưng dụng. Mấy mẹ con sống trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo. Đói khổ, hoang mang, sợ hãi, tủi cực, oan khuất... Đó là tâm trạng mẹ đã từng trải qua trong những năm tháng khắc nghiệt ấy.

Nhưng trước sự sống còn của đàn con bé bỏng đã cho mẹ sức mạnh, nghị lực, bền bỉ, nhẫn nại vượt qua những ngày đau thương. Mẹ đi rú hái củi, hái lá chằm nón, làm thuê, cấy mướn. Rồi vô hợp tác xã, mẹ không quản mưa nắng, tích cực kiếm nhiều công điểm để được quy ra thóc...

Dông tố qua đi. Chính quyền địa phương tích cực sửa sai cải cách ruộng đất. Mẹ dù cực khổ đến đâu cũng ráng cho con ăn học. Lúc chồng bệnh quá rồi mất, đứa con lớn mới 13 tuổi, đứa út mới 2 tuổi. Nhưng ông Trời thương. Mẹ được đền bù, mấy đứa con rất ngoan.

Những vết thương chiến tranh rồi cũng được ít nhiều hàn gắn, những cánh đồng hoang rồi cũng được đẩy lùi, những mái ngói đã mọc lên đâu đó trên xóm làng. Nhưng vào năm 1964, để cứu vãn những thất bại ngày càng lớn của cuộc “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ quyết định đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô lớn bằng không quân, hải quân. Quân dân Quảng Bình lại sát cánh bên nhau.

Những bà mẹ như mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn chèo đò qua sông Nhật Lệ nối liên lạc hai bờ. Những người mẹ, người chị thị xã Đồng Hới gánh cơm vượt qua bom đạn, động viên, cổ vũ các chiến sĩ ở các trận địa, quyết chiến đấu đến phút cuối cùng...

Và mẹ Viễn cũng như bao bà mẹ ở Quảng Bình vẫn kiên cường bám đồng ruộng cày cấy dưới mưa bom bão đạn. Những người con trai của mẹ Hà Thị Viễn lần lượt tòng quân. Tuyến lửa Quảng Bình ngày đêm oằn mình dưới bom đạn Mỹ, mà Đồng Hới quê mẹ là một trong những nơi đầu tiên Mỹ chọn làm trọng điểm đánh phá.

Thật cảm động trước tấm lòng bao dung của người mẹ. Trước cuộc chiến đấu sinh tử của quân dân với kẻ thù, mẹ lại quên hết những khổ đau, cơ cực, oan khuất năm xưa, lần lượt tiễn đưa các con ra trận...

Và lần lượt những lá thư báo tử về đến ngôi nhà mẹ...

Đó là anh Nguyễn Phú Tường. Bức di ảnh anh gần như đang nhìn tôi sâu thẳm, anh như đang máy môi cử động trên đôi tay run rẩy của mẹ. Gương mặt hiền hậu, với áo sơ-mi trắng, tràn đầy sức sống. Anh là đứa con ngoan hiền nhất mà cũng cực khổ nhất của mẹ.

Hồi nhà bị quy thành phần địa chủ, nó phụ giúp tôi đi rừng đi rú đốn củi đem bán, kiếm chút tiền mua khoai, gạo nuôi em. Khi đi bộ đội, anh chưa có vợ con, Mẹ cũng không biết anh đã yêu ai không. Lúc đi bộ đội, Tường được đơn vị cử về Đồng Hới công tác, nhân tiện ghé qua nhà thăm mẹ. Rồi từ hôm ấy bặt tin...

Ngày 25-5-1967, anh Tường ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị. Chính quyền địa phương đem đến nhà mẹ chiếc ba lô của anh Tường, báo tin anh đã vĩnh viễn nằm lại với đất...

Mẹ khóc nghẹn: “Có khổ đau nào bằng mất con! Con chết khóc hàng năm chớ không phải hàng tháng. Mẹ nhớ từng lời, từng giọng nói của con. Ngày bận đi làm thì tối về nhà khóc. Cả xóm đều nghe tiếng mẹ khóc con trong đêm, nên rất xót xa, thương cảm cho mẹ!”.

Rồi những năm Mỹ leo thang chiến tranh, những người mẹ, người chị Quảng Bình nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, và làm nhiệm vụ chi viện chiến trường miền Nam.

Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, hàng vạn người con ưu tú của Quảng Bình tới khắp các mặt trận tham gia chiến đấu, cùng với hơn 3.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ tiếp vận tải thương.

Suốt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, Quảng Bình đã bảo đảm thông suốt con đường từ Bắc vào Nam, để vận chuyển một khối lượng to lớn sức người sức của cho chiến trường, qua các con đường chiến lược.

Dải đất gâp ghềnh, eo hẹp nhất miền Trung thực sự là vùng tuyến lửa của miền Bắc, đã oằn mình chịu đựng hơn 8 vạn lần đủ các loại máy bay đánh phá. Đây vừa là tiền tuyến của miền Bắc, vừa là hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam.

Những người con của mẹ Hà Thị Viễn lại tiếp tục tòng quân ra trận. Anh Nguyễn Phú Tường vào chiến trường Quảng Trị được 1 năm thì Nguyễn Phú Khương - người em kế của Tường đang tham gia dân quân, tự nguyện đăng ký nhập ngũ vào bộ đội. Mẹ hỏi: “Con đi dân quân chiến đấu ở quê mình cũng được mà!”.

Nhưng Khương mím chặt môi: “Con nhất định phải vào tận chiến trường miền Nam chiến đấu, như anh con!”. Mẹ nhìn con, chết lặng. Vậy là anh Khương thẳng vô chiến trường Quảng Trị...

Cũng từ hôm đó, mẹ không còn gặp lại con. Có lúc, mẹ nghe tin anh Nguyễn Phú Khương đã hy sinh vào năm 1969. Nhưng đằng đẵng thời gian từ lúc tiễn con đi bộ đội, đến ngày chính thức biết tin con hy sinh, mẹ đã trải qua 14 năm thắc thỏm, lo âu, hoang mang, buồn tủi.

Mỗi khi mẹ tìm tới hỏi thăm tin tức anh Khương, chính quyền địa phương im lặng. Rồi lại có tin đồn “con trai bà Viễn đi theo Mỹ, chớ không phải mất tích”. Mẹ rất khổ tâm. Nỗi đau trong lòng mẹ nhân lên gấp nhiều lần, cả nỗi đau bị nghi ngờ, cô lập, khinh miệt vì có con theo địch. Trong đáy lòng, mẹ không tin con mình phản bội. 14 năm dài đằng đẵng, mẹ đã sống với nỗi đau mất con và oan khuất.

Cuối cùng, cái chết của anh Nguyễn Phú Khương được xác minh, sáng tỏ. Một người đồng đội của anh Khương từ Quảng Trị trở về Quảng Bình, kể về sự hy sinh của con trai mẹ. Anh Khương ở đơn vị C300, bộ binh, Quân khu IV. Trong lúc đi làm liên lạc cho đơn vị, anh bị địch phát hiện, bao vây, bắn chết rồi quăng mất xác anh...

Tôi hỏi mẹ: “Nghị lực nào giúp mẹ vượt lên nỗi đau mất con và oan khuất?!”. Mẹ cười buồn: “Để trả lời nhưng ánh mắt nghi kỵ, mẹ chỉ có con đường duy nhất. Mẹ vẫn tham gia các phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương phát động, ngày đêm miệt mài với ruộng đồng, đối mặt với mưa bom bão đạn, chắt chiu từng hạt lúa cho hậu phương đánh Mỹ”.

Người con trai kế tiếp của mẹ là anh Nguyễn Phú Phúc đã cắt tay lấy máu mình viết đơn đi bộ đội. Trước mất mát quá lớn của gia đình mẹ, chính quyền địa phương đã can thiệp với quân khu, đưa anh Phúc về đơn vị pháo 12 ly 7, làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời Quảng Bình...

Những năm 1972 đầu 1973, Quảng Bình là trọng điểm bắn phá hủy diệt của chính quyền Nixon, nhằm ngăn chặn sự chi viện của chiến trường miền Bắc cho miền Nam. Cường độ những cuộc bắn phá càng lúc càng dồn dập. Tôi lật lại những trang sử mà thắt tim, rợn người trước những dòng thống kê tang thương mà Quảng Bình phải gánh chịu.

Ngôi nhà của mẹ Hà Thị Viễn ở Đồng Phú, Đồng Hới nhiều lần bị cháy. Hàng vạn người con Quảng Bình lại ngã xuống, trong đó có người con trai Nguyễn Phú Phúc của mẹ. Trong trận ném bom hủy diệt vào trận địa pháo 12 ly 7 của Quảng Bình tháng 5-1972, anh Nguyễn Phú Phúc ngã xuống lúc đang làm nhiệm vụ trực chiến...

Bom đạn đã vùi lấp bao ước mơ, hoài bão, những mối tình nồng nàn của những người con gái con trai vùng tuyến lửa Quảng Bình. Chị Mai, người con gái anh Phúc yêu năm xưa dù nay đã có gia đình, có những đứa con nhưng ký ức về những ngày tuổi trẻ bám trận địa chiến đấu, về người con trai nói lời yêu thương, hẹn ngày hòa bình sẽ đưa trầu cau đến nhà cưới chị vẫn sống mãi trong ký ức...

Không có gì bù đắp được nỗi đau mất con nhưng hàng triệu bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã phải đối mặt với nỗi đau to lớn ấy, đã phải cắt ruột mình gửi con đến khắp miền đất nước, cho ngày hòa bình. Tổ quốc quá lớn nên có những bà mẹ nuốt lại những thổn thức riêng tư, bằng nghị lực mạnh mẽ, kiên định vào niềm tin chiến thắng, vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua trận chiến chính trong lòng mình.

Có những lúc mẹ Hà Thị Viễn không khỏi bức xúc khi anh Phúc hy sinh mấy mươi năm rồi mà mẹ vẫn chưa có được tấm bằng Tổ quốc ghi công cho con trai. Và đằng đẵng bao năm dài, nhiều đêm giấc ngủ của mẹ bị cắt vụn bởi những giấc mơ đi tìm con.

Trong 3 người con hy sinh, cho đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt anh Nguyễn Phú Tường. Khi quy tập các con về nghĩa trang, mẹ cắt một khúc dâu tượng trưng cho hài cốt của con...

Những bà mẹ Quảng Bình đã không chỉ oằn mình chịu đựng mưa bom bão đạn từ kẻ thù xâm lược, những cơn siêu bão từ thiên tai khắc nghiệt mà còn sống cùng nỗi đau mất con suốt những năm tháng còn lại của đời người...

Trầm Hương

Tác giả: Trầm Hương

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: khóc con ,nước mắt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP