Kinh tế

Nghịch lý xăng dầu nội giảm tiêu thụ 50%, xăng dầu ngoại vẫn ùn ùn đổ bộ

Một số doanh nghiệp xăng dầu trong nước giảm tiêu thụ 50% do dịch bệnh nhưng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan vẫn cấp tập về Việt Nam.

Trung bình mỗi ngày chi hơn 270 tỷ đồng để nhập xăng dầu

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, ước tính 7 tháng đầu năm, hơn 4,5 triệu tấn xăng dầu được nhập về Việt Nam. Trong đó, lượng lớn xăng dầu được nhập về từ các nước như Hàn Quốc hơn 1,1 triệu tấn, Singapore khoảng 0,8 triệu tấn...

Giá trị nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam 7 tháng qua ước đạt hơn 2,5 tỷ USD (gần 58.200 tỷ đồng), tương đương mỗi ngày các doanh nghiệp Việt chi hơn 270 tỷ đồng để nhập xăng từ nước ngoài.

Doanh nghiệp phân phối xăng dầu và hiệp hội kêu gọi tăng sử dụng xăng dầu trong nước trong thời gian giãn cách kéo dài (Ảnh minh họa).

Trong 3 năm gần đây, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu từ các thị trường trên vẫn về Việt Nam nhiều. Trong năm 2020, có hơn 2,4 triệu tấn xăng dầu của Hàn nhập về Việt Nam, năm 2019 xăng dầu nước này về Việt Nam là khoảng 2,9 triệu tấn.

Singapore là nước cung ứng xăng dầu lớn thứ 2 cho Việt Nam với sản lượng năm 2020 là gần 1,4 triệu tấn, năm 2019 là hơn 2,2 triệu tấn.; Thái Lan cũng là nước cung cấp lượng xăng dầu lớn, năm 2020 là gần 1,2 triệu tấn, năm 2019 là 0,6 triệu tấn...

Thách thức với hàng tồn kho, tiêu thụ chậm

Chia sẻ với Dân trí, ông Bùi Ngọc Bảo - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho biết trong các năm 2020 tổng lượng tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam là khoảng hơn 20 triệu tấn/năm, trong đó xăng dầu trong nước tự chủ 60-70%, xăng dầu nhập khẩu chiếm 30-40% thị phần tiêu thụ còn lại.

Về sản lượng xăng dầu trong nước, theo ông Bảo hiện các nhà máy xăng dầu Dung Quất, Nghi Sơn vẫn chiếm gần như 100%. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho tăng do 23 địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách hoặc hạn chế lưu thông liên tỉnh.

Quyền chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, mục tiêu của ngành xăng dầu Việt Nam cần tính là hướng ra xuất khẩu, cạnh tranh với quốc tế.

"Cái vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc hoàn thuế VAT cho xăng dầu Dung Quất đang có chút khó khăn. Hơn nữa, khi thị trường xăng dầu Việt Nam và thế giới mở cửa, cơ hội đến cho cả hai, các nhà nhập khẩu cũng có cơ hội mua xăng dầu trong nước rồi phân phối lại cho các chuỗi bán lẻ khác nhau thay vì nhập khẩu", ông Bảo nói.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp ngành xăng dầu, năm 2020, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất được khoảng 5,9 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; nhà máy Nghi Sơn cũng cán mốc hơn 7,6 triệu tấn, sản phẩm.

Ông Bảo cho hay: Các công ty phân phối, bán lẻ xăng dầu chưa bán hoặc bán chậm có thể chứa ở các bồn chứa, còn các nhà máy lọc dầu thì không thể dừng sản xuất, chỉ giảm công suất. Nên tồn kho, tiêu thụ chậm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của doanh nghiệp.

Xăng dầu trong nước lo tồn kho, dư thừa do tiêu thụ của người dân suy giảm mạnh do dịch bệnh phức tạp.

Về mặt nhập khẩu, ông Bảo cho rằng, không thể bắt doanh nghiệp dừng nhập được vì các hợp đồng được thực hiện theo kế hoạch, đơn hàng đã ký trước đó. Dịch bệnh là khó khăn chung, mang tính thời điểm.

Tuy nhiên, việc ưu tiên sử dụng xăng dầu trong nước như đề xuất của Hiệp hội, các doanh nghiệp xăng dầu là trong thời điểm giãn cách, khi nhu cầu xuống thấp. Trong điều kiện bình thường, xăng dầu của các nhà máy trong nước vẫn tiêu thụ tốt, đủ cho thị trường.

Thực tế, năm 2020 lượng xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam đã giảm so với các năm trước, chỉ đạt khoảng 8,2 triệu tấn/năm, giảm 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước; năm 2019 xăng dầu nhập đạt 10 triệu tấn, giảm 1,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Từ chỗ là nước nhập khẩu gần như hoàn toàn xăng dầu từ nước ngoài đến chỗ chủ động được từ 60-70% lượng xăng dầu trong nước. Do đó, việc đảm bảo sản xuất trong nước ổn định là điều rất quan trọng cho năng lượng quốc gia, bên cạnh đó giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài khi có những diễn biến bất lợi.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP