Xã hội

Nghệ An: Thấp thỏm sống bên công trường Dự án Thủy điện Nhạn Hạc

Những tiếng nổ phá đá vang trời, mái nhà hư hỏng, khói bụi gây ô nhiễm môi trường… là những phản ánh của các hộ dân trú tại xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An khi họ phải đối mặt với thực trạng Dự án Thủy điện Nhạn Hạc đang khai thác đá tại đây.

1 42991
Được biết, Dự án Thủy điện Nhạn Hạc được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Công ty cổ phần Za Hưng làm chủ đầu tư, nằm tại bản Đan, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong với công xuất 59MW, tổng mức đầu tư là 1.881 tỷ.


Nơm nớp lo sợ sạt lở

Phản ánh đến Báo PLVN, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Nhạn Hạc cho biết: Khoảng cuối năm 2015, Công ty cổ phần Za Hưng triển khai dự án và thi công các hạng mục công trình phải nổ mìn, phá đá không kể ngày đêm, với liều lượng thuốc nổ lớn. Vì vậy, hàng ngày, họ phải chứng kiến cảnh gió cuốn bụi bay mù mịt, tiếng mìn nổ đá vang lên rùng rợn, cộng theo đó là đá bắn tứ tung khiến nhiều nhà bị xập xệ. Ngoài ra, các hộ gia đình ông Vy Văn Thiệp, Lộc Văn Dũng, Lô Văn Hùng nhà cửa có nguy cơ sạt lở, đe dọa tới tính mạng.

Men theo con đường đất đá dài hàng chục cây số, chúng tôi cũng tìm đến được bản Đan, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh công trường với nhiều máy móc đang thi công gần sát với nhà nhiều hộ dân. Đây là một ngọn núi với rất nhiều đá đã được đào chỉ còn cách nhà dân khoảng chưa đến 10m, phía dưới là con suối.

“Mỗi lần nổ mìn rất to làm rung chuyển nhà cửa. Nằm trên giường mà như rớt xuống đất. Xung quanh khu vực này, thỉnh thoảng đá văng tứ tung làm hỏng mái nhà, bờ tường, chúng tôi rất lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng” - một hộ dân gần đây cho biết.

Qua khảo sát, một số hộ tiếp giáp với dự án, chủ yếu là các hộ ở trong nhà gỗ, kết cấu gỗ bị bong lỏng, có nguy cơ gãy đổ do ảnh hưởng mìn nổ ở cự li gần.

Cũng do thi công các hạng mục dự án phải đào đất hạ độ cao, các hộ tiếp giáp trước kia làm nhà chính giữa ngọn đồi, khi dự án vào lấy đất thi công đào đi một phần đồi khiến nhà cửa như “mất chân”, chênh vênh nguy cơ sạt lở.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vi Văn Phấn (bố của anh Vi Văn Thiệp) cho hay: “Gia đình tôi sống ở đây từ năm 1983, đã làm nhà sàn kiên cố. Bây giờ nhà hư hỏng, do thủy điện đào đất, nổ mìn nhà chỉ còn cách taluy có mấy mét không biết “đổ” khi nào. Có những khi họ nổ mìn tiếng động thì không nói hết rồi còn khói bụi thì đen kín, chúng tôi đang ăn cơm mà không ăn nổi. Nguyện vọng của gia đình tôi là được di dời sớm để đảm bảo tính mạng và an tâm sản xuất”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan đến việc thi công dự án thủy điện đã ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt cũng như thiệt hại về tài sản của nhiều hộ dân bản Đan, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng ban quản lý dự án (QLDA) thủy điện Nhạn Hạc cho rằng: “Việc ảnh hưởng về tiếng ồn trong thi công là không tránh khỏi, mức độ ảnh hưởng đã được đánh giá tác động môi trường. Các hộ gần khu vực dự án có nguy cơ sạt lở, và các hộ bị thiệt hại do nổ mìn gây ra chúng tôi đã cùng UBND xã, cán bộ Ban giải phóng mặt bằng huyện nỗ lực hết mình để giải quyết sự việc như đánh giá mức độ thiệt hại trên cơ sở thực tế, áp giá và thông báo phương án bồi thường hỗ trợ nhưng một số đòi hỏi của bà con là quá mức thực tế và suy đoán theo chiều hướng tiêu cực mang tính trục lợi. Mặc dù chỉ đầu tư và chính quyền địa phương đã rất nỗ lực tìm các giải pháp qua đối thoại, phối hợp giải thích, tuyên truyền vận động, đền bù hỗ trợ nhưng người dân không hợp tác dẫn đến rất khó khăn để giải quyết vấn đề”.

Theo ông Tùng, việc thi công là đúng quy trình, cũng đã có đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên trong quá trình thi công mới “phát sinh” việc các hộ dân này ở sát khu vực dự án có nguy cơ sạt lở nên mới phải di dời. Còn các hộ khác ảnh hưởng bị đá văng, Cty cũng đã kiểm đếm nhưng do chưa thống nhất được về giá bồi thường, hỗ trợ.

Điều đáng nói, suốt nhiều tháng nay các hộ dân có đơn thư phản ánh tới chính quyền địa phương, Ban QLDA thủy điện Nhạn Hạc, tuy nhiên phía các cơ quan chức năng vẫn “bặt vô âm tín”, công trình vẫn “ngang nhiên” thi công khiến người dân liên tục sống trong cảnh lo sợ. Quá bức xúc, cuối tháng 2/2016, các hộ dân này kéo xuống công trường nhắc nhở và mâu thuẫn xô xát với công nhân, yêu cầu công ty đình chỉ thi công.

Ngày 26/2/2016, Cty cổ phần Za Hưng có báo cáo khẩn gửi Huyện ủy, UBND, Công an, Hội đồng đền bù và tái định cư Dự án Thủy điện Nhạn Hạc đề nghị Công an huyện Quế Phong phối hợp bảo vệ công trình.

Sau khi xảy ra xô xát, ngày 4/3/2016 UBND huyện Quế Phong mới Thông báo số 33 giải quyết đơn kiến nghị các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Theo đó, “đối với 3 hộ gia đình Vy Văn Thiệp, Lộc Văn Dũng, Lô Văn Hùng ở gần vị trí nổ mìn để thi công có nguy cơ sạt lở. Vì vậy, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân cần thiết phải di dời, đối với các trường hợp khác còn lại bị ảnh hưởng bởi đá văng, rung lắc thì thành lập tổ kiểm kê, kiểm đếm từng hộ gia đình, xác định mức độ thiệt hại, mức độ ảnh hưởng... Lập biên bản kiểm kê, áp giá bồi thường, công bố giá trị hỗ trợ để các hộ biết và ký biên bản. Trường hợp hộ gia đình nếu không ký thì lập biên bản để làm cơ sở không thanh toán tiền hỗ trợ và bồi thường”.

Thực tế hàng ngày, người dân làng bản Đan vẫn phải nghe tiếng mìn nổ vang lên ầm ầm, đá nhỏ bắn tung tóe khắp nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt. Vậy, đến khi nào người dân làng bản Đan mới hết cảnh giật mình, phải chạy trốn như thời chiến tranh mỗi khi mìn nổ, bao giờ sự yên bình được trở lại? Câu hỏi này xin nhường lại cho UBND huyện Quế Phong và các cơ quan chức năng có liên quan.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2008/BCT về an toàn vật liệu nổ công nghiệp, trước khi nổ mìn phải có thiết kế hoặc phương án nổ mìn. Tính toán nổ mìn trong thiết kế như hướng nổ, chỉ số nổ, đường cản…, phải tính toán sao cho hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do chấn động, sóng không khí hoặc các mảnh đá văng do nổ mìn gây ra cho các công trình nằm trong vùng nguy hiểm; không sử dụng vượt quá lượng thuốc nổ cho phép, tuân thủ khoảng cách an toàn...

Tác giả bài viết: Huyền Trang - Zen Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP