Kinh tế

Né đại dịch từ Trung Quốc, đại gia Quảng Nam ăn may cú lớn đầu năm

Cổ phiếu của ông Lê Phước Vũ tăng khá mạnh trở lại sau khi đại gia gốc Quảng Nam mua vào một lượng lớn cổ phiếu và doanh nghiệp tôn hàng đầu Việt Nam được cho là không bị ảnh hưởng từ dịch bệnh tại Trung Quốc.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ vừa công bố thông tin về giao dịch của chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này. Theo đó, ông Lê Phước Vũ đã mua thành công 2,05 triệu cổ phiếu HSG (tổng đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu) trong khoảng thời gian từ 17/1-14/2/2020.

Trước giao dịch ông Vũ trực tiếp sở hữu gần 50 triệu cổ phiếu HSG. Sau giao dịch, ông Vũ nắm giữ 51.754.820 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 12,22% của Tập đoàn Hoa Sen.

Bên cạnh số cổ phiếu nắm giữ trực tiếp, ông Lê Phước Vũ còn gián tiếp nắm giữ cổ phiếu HSG thông qua doanh nghiệp liên quan là: Công tyTNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (hiện đang giữ gần 103 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 24,32%.

Với mức giá khoảng 8.000 đồng/cp, ông Lê Phước Vũ đã bỏ ra khoảng 16 tỷ đồng cho thương vụ này.

Trong thời gian ông Vũ mua vào, cổ phiếu HSG đã tăng mạnh nhanh trở lại, có lúc lên 9.000 đồng/cp.

Ông Lê Phước Vũ mua cổ phiếu trong bối cảnh Tập đoàn Hoa Sen đã qua thời kỳ khó khăn trong năm 2018 với chí phí tăng cao, lợi nhuận tụt giảm, nợ nần và tồn kho tăng mạnh do nhiều yếu tố, trong đó có cả ảnh hưởng từ việc khi chính quyền Donald Trump áp thuế cao đối với các sản phẩm tôn và thép.

Trong quý 1 niên độ 31/10/2019-31/10/2020 vừa qua, HSG báo cáo lợi nhuận tăng vọt 3 lần.

Hơn thế, HSG được cho là không chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thiếu nguyên liệu thép cán nóng (HRC) do phải nhập từ thị trường Trung Quốc do trước sự lan rộng và rủi ro từ dịch virus Covid-19. Thép cán nóng được HSG mua cả từ Ấn Độ, Nga và từ Formosa.

Trước đó, mặc dù có những thời điểm doanh nghiệp lỗ thảm và cổ phiếu lao dốc nhưng ông Vũ vẫn có những thương vụ mua bán cổ phiếu thành công. Hồi đầu tháng 6/2017, ông Vũ bán thỏa thuận thành công gần 10 triệu cổ phiếu HSG ở mức giá đỉnh: bình quân 32.000 đồng/cổ phiếu thu về hơn 300 tỷ đồng. Cổ phiếu này sau đó đã rớt về mức đáy gần 5.000 đồng/cp hồi cuối 2018.

Giao dịch được thực hiện sau khi ông Vũ lăn chốt nhận cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 55% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, với tổng cộng nhận thêm khoảng 20 triệu đơn vị.

Ông Lê Phước Vũ.

Ông Lê Phước Vũ cũng được xem là rất may mắn khi bán Công ty TNHH một thành viên Tâm Thiện Tâm - công ty riêng của bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ bán ra toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu HSG vào khoảng cuối tháng 5/2018, khi mà giá cổ phiếu HSG ở khoảng 12.000-13.000 đồng/cp.

Trong năm 2020, dự báo ngành thép tiếp tục biến động khó lường. HSG đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 1,5 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần giảm về 28 ngàn tỷ đồng nhưng lượi nhuận dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 11%.

Trong khoảng 2 năm qua, HSG liên tục tái cấu trúc và cơ cấu lại tài sản nhằm ổn định sản xuất kinh doanh. Theo đó, HSG sắp xếp, tinh gọn, thanh lý một số khu đất, mặt bằng, nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải của tập đoàn để thu hồi vốn.

Trong năm 2018, giá cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen tụt giảm hơn 70%, tài sản bốc hơi ngàn tỷ. Đại gia Lê Phước Vũ đen đủi gặp khó với dự án thép khủng tại Ninh Thuận. Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen để thẩm định kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là về công nghệ và môi trường.

Sự nổi lên của các đối thủ, trong đó có Hòa Phát của ông Trần Đình Long chuyển sang làm thêm tôn và Nam Kim gia tăng sản lượng, đang đe dọa vị trí tôn số 1 của HSG.

Không chỉ gặp khó trong thị trường nội địa, HSG còn gặp khó ở thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ, sau khi chính quyền Donald Trump áp thuế cao đối với các sản phẩm tôn và thép.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 18/1 chỉ số VN-Index tiếp tục giảm điểm. Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp. Vingroup, Vincom Retail và Vinhomes đều bị bán ra mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến tích cực. Giới đầu tư tiếp tục thận trọng và đánh giá những thiệt hại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải do bị gián đoạn với Trung Quốc.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo MBS, tuy thị trường giảm nhưng đây vẫn là dao động trong vùng tích lũy với vùng hỗ trợ 900–930 điểm, thị trường vẫn đang ở xu hướng hồi phục không có gì thay đổi. Chừng nào thị trường còn giữ được vùng hỗ trợ như trên thì khả năng hình thành vùng tích lũy sẽ còn tiếp diễn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/2, VN-Index giảm 2,686 điểm xuống 934,77 điểm; HNX-Index giảm 0,17 điểm xuống 109,57 điểm. Upcom-Index giảm 0,22 điểm xuống 56,26 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 3,8 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP