Thế giới

Lý do Trump sẽ trở thành tổng thống tốt

Trở thành tổng thống của một quốc gia nhiều mâu thuẫn và đối mặt với làn sóng phản đối dâng cao, liệu Trump có thực hiện được lời hứa "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại"?

Người ủng hộ Trump vỡ òa trong niềm vui chiến thắng: Người ủng hộ Donald Trump đứng chật kín gian phòng ở khách sạn Hilton, New York đã vỡ òa trong niềm vui sướng sau chiến thắng bất ngờ của ứng viên đảng Cộng hòa.


Donald Trump được cho là một trong những ứng viên tổng thống "đáng ghét" nhất trong lịch sử Mỹ. Tổng thống Barack Obama từng nói ông là ứng cử viên "duy nhất không đủ tiêu chuẩn" để tranh cử vào Nhà Trắng. Đối với nhiều người, ý nghĩ Trump trở thành người lãnh đạo đất nước khiến họ sợ hãi.

Trong khi gần một nửa nước Mỹ bi quan về thời gian sắp tới, viễn cảnh Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng trên thực tế không phải hoàn toàn xám xịt. Giới phân tích đã đưa ra những lý do cho thấy nhà tài phiệt địa ốc hoàn toàn có thể "sống sót" qua nhiệm kỳ của mình, thậm chí trở thành một tổng thống thành công.

Người thông minh, cá tính, ý chí mạnh mẽ

Richard W. Painter, giáo sư luật tại Đại học Luật Minnesota, nhận định trên New York Times: "Tôi là một trong hàng triệu người của đảng Cộng hòa ủng hộ Hillary Clinton bởi vì Trump đã nói nhiều điều vô nghĩa gây tổn thương cho người Mỹ khi tranh cử. Nhưng xét một cách khách quan, Trump không nhất thiết phải là một tổng thống tồi dù ông ta sẽ có nhiều trở ngại phải vượt qua trong 4 năm tới".

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Trump thực hiện sứ mệnh lãnh đạo đất nước là cá tính mạnh mẽ của ông. Bất chấp mọi lời chỉ trích của dư luận, sự "quay lưng" của giới truyền thông, những rắc rối và scandal liên tiếp trong quá trình tranh cử, vị tỷ phú đã vượt qua tất cả để tiến thẳng vào Nhà Trắng. Đây là minh chứng không thể phủ nhận cho thấy ông ta là người có cá tính, sự kiên định và quyết tâm rất lớn, điều cần thiết cho vị trí lãnh đạo đất nước.

Trump cũng là "kẻ ngoại đạo" đầu tiên được bầu làm tổng thống kể từ khi Dwight Eisenhower giành chiến thắng trong mùa bầu cử năm 1961. Luật sự Painter đánh giá Trump "không thể đi xa được như vậy nếu không phải là người thông minh".

Khẩu hiệu chiến dịch của Trump: Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Đồ họa: emaze.com


Quyền lực của tổng thống không vô hạn

Hiến pháp Mỹ quy định quyền lực tổng thống tuy lớn nhưng không phải là tuyệt đối. Cũng như những người tiền nhiệm, Tổng thống đắc cử Trump sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc tạo ra sự thay đổi.

Về mặt lập pháp, Trump có quyền phủ quyết bất cứ đạo luật nào của Quốc hội, nhưng điều này là vô nghĩa nếu có hơn 2/3 số nghị sĩ trong mỗi viện bác bỏ phủ quyết.

Về hành pháp, tổng thống tân cử có thể thiết lập điều ước với các quốc gia khác nhưng chỉ khi được 2/3 nghị sĩ trong quốc hội chấp thuận, theo Điều II Hiến pháp Mỹ về quyền hạn của tổng thống. Trump cũng không thể tăng hay giảm thuế mà không được sự ủng hộ của Quốc hội.

Mọi chương trình mà ông muốn tài trợ cũng phải được Quốc hội thông qua. Đơn cử, trong bối cảnh đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, Trump sẽ bị chống đối gay gắt nếu ông ta định tài trợ cho việc xây tường dọc biên giới với Mexico.

Rào cản cho những chính sách của Trump có thể không chỉ là Quốc hội. Những ý tưởng của ông cũng khó lòng trở thành hiện thực nếu không được dân chúng ủng hộ.

Cây bút Serina Sandhu nhận định trên trang Scotsman rằng những giới hạn này có lẽ lại là điều may mắn đối với nhà tỷ phú. Chúng sẽ ngăn Trump hiện thực hóa những ý tưởng "điên rồ" có khả năng biến nhiệm kỳ tổng thống của ông thành thảm họa.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump tuyên bố nếu đắc cử tổng thống sẽ xây một bức tường ngăn giữa biên giới Mỹ và Mexico để chống dân nhập cư trái phép vào Mỹ. Đồ họa: Theconservativetreehouse.com


'Món quà' của Trump

Chiến dịch tranh cử của Trump đã dấy lên làn sóng "phản chính thống" và gieo vào người Mỹ niềm hy vọng rằng tỷ phú New York sẽ mang đến những cải cách cho chính phủ, khiến cho Nhà Trắng trở nên trách nhiệm hơn. Những người ủng hộ Trump tin rằng một nhà tài phiệt giàu có như ông sẽ miễn nhiễm với "căn bệnh" tham nhũng.

Người ta kỳ vọng rằng Donald Trump, người chống lại những nguyên tắc truyền thống của chính trị - xã hội Mỹ, sẽ mang lại "làn gió mới", sự đổi thay cần thiết cho chính phủ của đất nước này.

Mặt khác, không phải tất cả những quan điểm chính sách của tổng thống tân cử đều bất hợp lý hay vô nghĩa. Những điểm sáng nhất định đã được các chuyên gia công nhận, trong đó có chủ trương giảm can thiệp bên ngoài nhằm mở rộng cái gọi là "giá trị Mỹ". Có thể Trump sẽ không kéo nước Mỹ vào những cuộc chiến mới tốn kém và cướp đi nhiều sinh mạng như những người tiền nhiệm đã làm.

"Ông ta có thể khiến người Mỹ phải ngạc nhiên vì đã không bỏ phiếu cho mình"

Luật gia Richard Painter cũng đánh giá cao quan điểm của tổng thống đắc cử về việc để các đồng minh của Mỹ chia sẻ bớt gánh nặng an ninh toàn cầu. Để làm được như vậy, Trump sẽ phải tương tác và thỏa hiệp với họ như bất cứ doanh nhân nào phải thương lượng với đối tác để có được hợp đồng.

Đây là những "món quà" mà người ta trông đợi Trump sẽ mang lại cho nước Mỹ trong vai trò tổng thống thứ 45 của "xứ cờ hoa".

"Những điều một ứng viên thể hiện khi tranh cử không phải là cơ sở tin cậy để chúng ta kết luận về thành công và thất bại của họ trong vai trò tổng thống", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon nói.

Giống như Donald Trump, cựu Tổng thống Ronald Reagan từng chịu sự chỉ trích và phản đối kịch liệt khi tham gia tranh cử. Ông lên nắm quyền trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ nặng nề và người Mỹ tin rằng ông sẽ là một tổng thống thất bại.

Tuy nhiên, trái với mọi dự đoán, Reagan đã đi vào lịch sử như một trong những tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ. Nếu Trump thay đổi và biết khai thác thế mạnh của bản thân, "ông ta có thể khiến người Mỹ phải ngạc nhiên vì đã không bỏ phiếu cho mình".


Bài phát biểu tuyên bố thắng cử của Donald Trump: Tỷ phú 70 tuổi có bài phát biểu chiến thắng khá khiêm nhường, khi ông ca ngợi bà Clinton và công lao của bà, cảm ơn đội ngũ của mình cũng như hứa xây dựng nước Mỹ tốt đẹp trở lại.

Tác giả bài viết: An An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP