Giáo dục

Đề xuất miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa cho nhóm tuổi nhà trẻ

Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số, nhiều đại biểu đề xuất miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa cho nhóm tuổi nhà trẻ.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Sau 5 năm triển khai đề án, tính đến tháng 5/2020, tổng số 99% trẻ em dân tộc thiểu số đến trường được học tiếng Việt (tăng hơn 36.000 trẻ so với năm 2015).

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các em được rèn kỹ năng nghe nói, giao tiếp, “tắm mình” trong môi trường tiếng nói và chữ viết tiếng Việt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện đề án còn nhiều khó khăn, bất cập ở cấp Mầm non và Tiểu học.

Về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục ở một số trường vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Một số giáo viên còn hạn chế về năng lực, lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc.

Đặc biệt là giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm sư phạm, hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa của người dân tộc thiểu số nên còn gặp khó khăn trong giao tiếp và dạy trẻ.

Cùng với đó, do đặc thù vùng miền nên học sinh dân tộc thiểu chưa quen với môi trường mới, nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ.

"Tỉnh chúng tôi khó khăn nhiều hơn thuận lợi", đó là nhận xét của cô Lê Thị Tuyết Hường, Hiệu trưởng trường mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tại hội nghị.

Cô Hường cho biết, đây là tỉnh vùng cao, đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, núi cao, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt.

Dân số địa phương khoảng 60 vạn người, gồm 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó số dân tộc thiểu số chiếm 81,2%.

Trường mầm non xã Thanh Nưa thuộc xã biên giới với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số.

Trường có điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Năm học 2020-2021, trường có 11 nhóm, lớp với 286 trẻ. Trong đó, số trẻ người dân tộc thiểu số là 243 trẻ, chiếm 85%.

Cũng theo cô Hường, trường mầm non Thanh Nưa nằm trên địa bàn xã biên giới, đời sống của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn lực địa phương cho nhà trường rất vất vả.

Một số giáo viên chưa linh hoạt trong lựa chọn nội dung, phương pháp giảng dạy tiếng Việt phù hợp với trẻ.

Hầu hết trẻ em là người dân tộc thiểu số ở độ tuổi nhà trẻ và trẻ mới đi học, vốn tiếng Việt hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, đòi hỏi cán bộ quản lý mầm non phải hiểu, nắm vững các quy tắc, yêu cầu về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt phải hiểu rõ bối cảnh địa phương để có những biện pháp quản lý, chỉ đạo thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhiều địa phương mong muốn Bộ GD&ĐT có cơ chế hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí cho trẻ độ tuổi nhà trẻ và học sinh tiểu học.

Nhằm nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số, cô Hường kiến nghị Chính phủ xem xét để có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ như hỗ trợ trẻ mẫu giáo viện nay để tạo thuận lợi tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến lớp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cũng với quan điểm trên, ông Mai Xuân Dương, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết, môi trường giao tiếp tiếng Việt tại gia đình còn nhiều khó khăn.

Một số gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa, trẻ chủ yếu ở với ông bà nên vốn tiếng Việt rất ít.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, nguồn lực xã hội hóa giáo dục chưa tương xứng với yêu cầu.

Ngoài đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn Bộ GD&ĐT có cơ chế hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí cho trẻ độ tuổi nhà trẻ và học sinh tiểu học, nhất là vùng khó khăn, để đảm bảo công bằng và tăng tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường.

Đồng quan điểm, đại diện Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đề xuất hỗ trợ tiền ăn trưa cho nhóm nhà trẻ tại vùng đặc biệt khó khăn để huy động trẻ đến trường.

Đồng thời, mong muốn Bộ GD&ĐT hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho đối tượng hộ nghèo có trẻ dưới 3 tuổi để tăng tỉ lệ trẻ đến trường, hỗ trợ thêm cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt và dạy lớp ghép tại điểm trung tâm…

Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần trình Chính phủ và bộ ngành liên quan về việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho nhóm nhà trẻ.

Tuy nhiên, vì ngân sách hạn hẹp nên Chính phủ chỉ mới thực hiện chế độ với nhóm tuổi mẫu giáo.

“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng kiên trì tham mưu để có nhiều chính sách tốt cho trẻ”, bà Hiếu khẳng định.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP