Kinh tế

Đề xuất bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh 'trói' doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất bỏ gần 2.000 điều kinh doanh tại các Bộ, ngành được cho là gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp xây dựng pháp luật ngày 22/8, cơ quan này đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay. Trong số này, cơ quan ngành kế hoạch đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.

Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác, Bộ này cũng kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần.

"Việc xây dựng các điều kiện kinh doanh phải trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm.

Nhiều điều kiện kinh doanh tại các Bộ, ngành đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: AP

Trên cơ sở này, những thay đổi về điều kiện kinh doanh phải thực hiện theo hướng thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn (an toàn cháy nổ, an toàn lao động, chất lượng sản phẩm...). Thay vào đó, các Bộ, ngành cần chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy...

Bộ Kế hoạch cũng cho rằng, để giảm chi phí cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần áp dụng triệt để hướng quản lý dựa trên rủi ro; cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, sản phẩm... để người tiêu dùng lựa chọn, tự bảo vệ mình.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại cuộc họp, hiện có khoảng 4.284 điều kiện kinh doanh, ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong số này Bộ Công Thương có số lượng điều kiện kinh doanh nhiều nhất, 1.152 điều kiện; kế đến là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế...

Phần lớn các điều kiện kinh doanh này đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gia tăng chi phí sản xuất, làm nản lòng các doanh nghiệp .

Các điều kiện kinh doanh cũng làm giảm cạnh tranh thị trường, giảm năng suất và sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng gặp nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động khi nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng, tạo cơ hội cho sự tùy tiện của cơ quan quản lý nhà nước và nhũng nhiễu của cán bộ… Những tác động này đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp cách đây một ngày về rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Tổ công tác Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nêu bất cập, khi để sản xuất một thanh chocolate doanh nghiệp phải xin 13 loại giấy phép. Cụ thể, theo ông Dũng, trong 13 giấy phép để sản xuất chocolate thì 12 loại nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng là giấy phép xác nhận công bố thành phẩm. Câu chuyện giấy phép chồng giấy phép mà Bộ trưởng Dũng nêu không chỉ riêng với chocolate mà rất phổ biến với nhiều loại hàng hóa khác mà doanh nghiệp đang phải "gánh" chịu.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP