Trong nước

Đất vàng và quyền lực quan tham

Tưởng như sợi dây quyền lực đã gắn kết đất vàng với quan tham một cách chặt chẽ, tinh vi. Thế nhưng, chiến dịch “đốt lò” mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước đã thanh lọc từng “thanh củi” mục ruỗng về đạo đức, phẩm chất, khiến quan tham lần lượt chịu sự trừng phạt thích đáng trước pháp luật.

Mối quan hệ tự nhiên, dễ dàng

Để làm rõ hơn về mối quan hệ giữa đất vàng và quan tham, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thưa ông, không phải ngẫu nhiên mà nhắc đến đất vàng thì nhiều người lại liên tưởng đến quan tham và ngược lại. Sâu xa trong mối liên hệ này chính là lợi ích cá nhân, sự suy thoái phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ?

Xưa, ông cha ta chiến đấu với ngoại xâm chỉ với mục đích giữ đất cho người dân để người cày có ruộng. Qua quá trình phát triển của xã hội, nhu cầu càng cao, đối tượng quan tâm càng lớn, có những vị trí thuận cho sinh sống, du lịch, nên giá đất tăng chóng mặt.

Có những người chấp nhận bỏ ra cả núi tiền để mua 1 mét vuông đất. Đó là vấn đề phát triển tự nhiên của xã hội, đất biến thành vàng, thành kim cương cũng vì lẽ đó.

Ở Việt Nam có các kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế xã hội và giải quyết các nhu cầu của người dân. Các chương trình, kế hoạch, dự án đó phải được quyết định dựa trên cơ sở pháp luật. Trong luật đã giao cho một số cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ở một phạm vi nào đó do Thủ tướng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện hay thậm chí là Quốc hội quyết định.

Đất không còn là vật vô tri mà nó liên quan đến sự sống còn của đất nước, của địa phương, của doanh nghiệp và thậm chí của từng người dân. Như vậy, có một mối liên hệ tự nhiên giữa đất đai nói chung với những người có quyền quyết định, tự nhiên theo luật định, dựa trên cơ sở thể chế. Khi người ta biến những quyền tự nhiên đó thành quyền căn bản thì bắt đầu hình thành vấn đề xem xét các lợi ích cá nhân.

Trong mỗi con người thông thường có tư duy và lợi ích cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguyên nhân căn bản nhất để một người tìm cách thâu tóm các lợi ích xã hội. Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm gắn liền với những người có quyền lực, đặc biệt là các quan tham. Bởi họ được Đảng, Nhà nước giao quyền nhưng lại không dùng quyền lực một cách đúng chỗ, đúng quy định của pháp luật mà họ biết lợi dụng quyền lực để vun vén cho bản thân.

Thậm chí trong cả quá trình rồi đến “hoàng hôn nhiệm kỳ”, họ cũng tiếp tục vơ vét. Không đâu dễ bằng việc xây dựng mối quan hệ của họ đối với các dự án đất đai.

Việc họ tiến hành sử dụng quyền lực để đặt ra các dự án sân sau rồi thông qua các doanh nghiệp thân hữu để thâu tóm đất vàng, đất kim cương không khó. Thậm chí, họ lợi dụng quy định về thoái vốn, cổ phần hóa, như các doanh nghiệp của bộ Công Thương để tìm cách thu vén lợi ích cho mình.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trăn trở về việc kiểm soát quyền lực để tránh thâu tóm đất vàng.

Hiện tượng Vũ nhôm, Út trọc, gần đây có Đường nhuệ… thâu tóm đất vàng nhờ được quyền lực “bảo kê” khiến dư luận bức xúc. Nhưng tiếc rằng, khi họ bị lôi ra ánh sáng thì một số “quan thanh liêm” cũng ngã ngựa và bị pháp luật trừng trị. Hệ lụy của “đất vàng đi với quan tham” là không hề nhỏ, thưa ông?

Thật đáng buồn khi Vũ nhôm đã trở thành hiện tượng “ngón tay thứ 6”, mà nhiều người vẫn nhắc đến để ám chỉ sự vơ vét, thâu tóm các dự án, sử dụng các quan hệ thân hữu bằng quyền lực tối thượng, bằng cách đóng dấu mật cho tài liệu.

Thông thường khi muốn đạt lợi ích nhóm thì họ phải khu trú lại - như ung nhọt - thì mới tạo thành vấn đề nhức nhối, lấy dự án này, lấy dự án kia, thôn tính khu vực này, khu vực khác. Để có lợi ích thì lợi dụng cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước là tốt nhất. Thêm nữa, họ tìm cách thu gom đất vàng dưới chiêu bài bán công sản.

Tôi lấy ví dụ, một số tỉnh trình phương án bán tài sản này để xây dựng trụ sở khác, ở một địa điểm khác. Quá trình bán đó, họ hạ giá các tài sản, bởi, khi nhìn tài sản xuống cấp, người ta không có cảm giác đấy là sự lãng phí.

Chỉ đến khi xây dựng nên những tòa nhà nguy nga chọc trời, dư luận mới ngã ngửa rằng, đó không phải là mua tài sản rách nát mà bản chất là thôn tính. Việc trình phương án bán tài sản chỉ là thủ pháp.

Hay tiến hành mua cổ phần doanh nghiệp bằng cách hạ giá cổ phẩn từ 10 đồng còn 1 đồng để thôn tính. Họ biến những điều giá trị thành rác rưởi để thay đổi vai trò từ mục đích khai thác “mỏ vàng” thành xử lý rác.

Muốn làm được những điều đó một cách êm thấm chỉ có thể là sự giúp sức của quyền lực. Nhưng quyền lực lại được thực hiện một cách tinh vi khiến cho người ta không có cảm giác quan chức nhúng chàm.

Nếu là quan thanh liêm thì câu chuyện thiệt hại của Nhà nước không lớn, thậm chí là không có thiệt hại. Nhưng đã là quan tham, họ luôn luôn phải hướng tới lợi ích. Nếu không có sự sơ hở, không có kiểm soát quyền lực thì quan tham vẫn cứ mọc ra. Bởi đó là những thứ ăn ngon nhất, dễ ăn nhất, ăn an toàn nhất.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa vừa bị khởi tố vì sai phạm liên quan đến đất vàng tại TP.HCM.

Một trong những chiêu thức tinh vi mà ông nhắc đến có thể kể ra là núp dưới chiêu bài “phát triển kinh tế”, quan tham dễ dàng hợp thức hóa cho việc sở hữu đất vàng của doanh nghiệp bằng quyền lực do mình được giao phó. Thế quan chức cao cấp như ông Nguyễn Văn Hiến, ông Bùi Văn Thành, ông Trần Việt Tân đều ngã ngựa sau khi Út trọc, Vũ nhôm bị sờ gáy?

Tôi hoàn toàn ủng hộ những dự án biến rác thành vàng, đó là nhu cầu phát triển, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân. Còn việc núp dưới chiêu bài phát triển kinh tế - chỉ có thể là những quan chức không có liêm sỉ, không có lòng trắc ẩn, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đánh mất phẩm chất.

Như vậy là pháp luật còn "mỏng manh" trên những khu đất vàng. Đó là điều đau đớn mà trong quá trình phát triển chúng ta đang nhìn thấy ở một số nơi.

Như vậy là pháp luật còn mỏng manh trên những khu đất vàng. Đó là điều đau đớn mà trong quá trình phát triển chúng ta đang nhìn thấy ở một số nơi.

Việc khởi tố, cũng như xử lý các vụ việc “quan tham liên quan đất vàng” như thời gian qua cho thấy sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước đối với vấn nạn tham nhũng. Điều đó khiến nhân dân nức lòng. Nhưng vẫn còn ở đâu đó, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của việc thôn tính đất vàng của quan tham.

Nếu không có quan tham thì không bao giờ người dân mất đất, doanh nghiệp mất đất, Nhà nước mất đất như thời gian qua. Đấy là điều đau buồn nhất.

Quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải giải quyết về khâu cán bộ. Nếu không giải quyết được khâu cán bộ thì tất cả những miếng đất vàng hay đất kim cương đều có thể biến thành sở hữu của một nhóm lợi ích.

Quan điểm của ông về những quan chức đánh đổi danh dự, quyền chức của mình vì đất vàng?

Thực ra có những người muốn được cả, vừa có quyền, được danh dự, lại có lợi ích. Cũng có những người sẵn sàng đánh đổi, “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhưng thường khi có quyền, người ta không muốn mất.

Thậm chí còn có câu chuyện cố gắng giữ nguyên chức vụ nọ, nguyên chức vụ kia, để trước mặt xã hội vẫn là con người vẻ vang. Có cả trường hợp quan chức “ngã ngựa” vẫn cố cài cắm con em nối tiếp để cố gắng giữ gìn những lợi ích mà họ đã chiếm đoạt được từ những việc làm sai phạm.

Nếu đưa ra để xem xét tỉ lệ người đánh đổi số phận để lấy lợi ích là không nhiều. Chẳng qua họ phải chấp nhận do bị phát hiện, bị lộ. Bởi tôi thấy có những người đã chuẩn bị phương án để nếu gặp rủi ro nhất còn có nơi ẩn nấp.

Tôi nghĩ rằng không có nhiều quan chức “cố đấm ăn xôi”, đánh đổi đâu, vì họ đủ trí tuệ để hiểu cái được và cái mất. Nhưng cũng có những người rất chủ quan nghĩ rằng với những vị trí và việc làm, phương pháp, đồng bọn, ê-kíp vững như “kiềng ba chân” thì không ai có thể làm gì được mình.

Họ quên mất rằng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Quan trọng nhất là việc xử lý ở mức độ nào cho phù hợp và đủ sức răn đe, làm bài học cho những người khác.

Nhận diện quan tham để loại bỏ ra khỏi bộ máy, giữ đất vàng cho mục đích phát triển đất nước hưng thịnh, có khó không, thưa ông?

Tôi nghĩ là không khó. Thực tế, có những cán bộ giả vờ che giấu, thể hiện liêm khiết, không có tài sản gì, nhưng cũng có người bất chấp.

Có người biết che đậy sự thiếu liêm khiết của mình nhưng cũng có người chủ quan coi thường dư luận, nghênh ngang xây biệt phủ, đổi xe sang. Có những người lộ liễu sẵn sàng thể hiện rất rõ mình là người giàu có.

Có rất nhiều biện pháp nhận diện nhưng theo tôi quan trọng nhất là chúng ta hãy dựa vào người dân, dựa vào các hoạt động báo chí. Người dân đóng góp nhiều vào hoạt động phòng chống tham nhũng thời gian qua. Chính người dân phát hiện ra nơi cất giấu tài sản, biệt thự nọ, khu đất kia, người dân cũng chỉ rất rõ đây là khách sạn của vị quan này, đứng tên ai.

Nếu là quan tham, sử dụng quyền lực bất hợp pháp, mờ ám, vi phạm pháp luật, tham nhũng cần được phanh phui, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nhiều quan chức "ngã ngựa" vì có liên quan đến đất vàng.

Mới đây, ông Vũ Huy Hoàng - từng là Bộ trưởng bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng bộ Công Thương - cùng bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ việc bán rẻ 6.000 m2 đất vàng tại địa chỉ 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) cho Sabeco.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, trước kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, liên quan đến sai phạm ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện có 66 cán bộ thuộc ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý đang kiểm điểm và xem xét xử lý.

Cũng liên quan đến đất vàng, gần đây một vụ án được dư luận quan tâm là Đường Nhuệ ở Thái Bình. Vụ án này đang trong giai đoạn điều tra về các dấu hiệu bảo kê trong chính sách đất đai khi để cặp vợ chồng này trúng đấu giá nhiều khu đất vàng ở thành phố Thái Bình.

Trước đó, ngày 13/6, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án hai cựu Thứ trưởng bộ Công an về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Tân bị tuyên phạt 36 tháng tù, trong khi ông Thành bị tuyên 30 tháng tù, do liên quan đến việc thâu tóm đất công sản tại TPHCM và Đà Nẵng của Vũ nhôm – tức Phan Văn Anh Vũ.

Chiều 21/5/2020, HĐXX Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên án đối bị cáo Nguyễn Văn Hiến - cựu Đô đốc, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, 4 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án liên quan đến sai phạm tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (TPHCM).

Tác giả: D.T

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP