Kinh tế

Than nhập vượt mốc 13 triệu tấn, gấp 4 lần so với kế hoạch

Tổng cục Hải quan vừa công bố báo cáo tình hình xuất nhập khẩu các loại hàng hoá năm 2016, trong đó đáng chú ý mặt hàng than nhập khẩu vượt mốc 13 triệu tấn, gấp 4 lần so với kế hoạch đề ra từ đầu năm của Bộ Công Thương.

Cụ thể, theo báo cáo về số lượng và giá nhập khẩu than đá về Việt Nam, năm 2016 giá và lượng than nhập tăng gần như 100% so với cùng kỳ. Điều này khiến cho năm 2016 trở thành năm có giá trị than nhập khẩu về bằng nhiều năm trước cộng lại và Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu than.
Than thực nhập gấp hơn 40 lần so với kế hoạch
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, than nhập cả năm 2016 vào khoảng 13,3 triệu tấn than, kim ngạch đạt 927 triệu USD. Mặt hàng than đá lần đầu tiên được xác lập là 1 trong 30 mặt hàng ngưỡng nhập khẩu ngưỡng 1 tỷ USD trở lên.

Theo quy hoạch Chính phủ thông qua đầu năm 2016, số lượng than nhập khẩu về Việt Nam trong năm nay mà Bộ Công thương và Tập đoàn TKV đưa ra khoảng 3 triệu tấn than dành cho các nhà máy nhiệt điện, nhưng thực tế con số này đã tăng hơn 4 lần.

Hiện 4 thị trường cung cấp hơn 99% than cho Việt Nam là: Úc, Nga, Indonesia và Trung Quốc. Cụ thể, than nhập từ Úc đạt hơn 4 triệu tấn, giá trị hơn 310 triệu USD, đơn giá 77 USD/tấn. Nhập khẩu than từ Nga đạt hơn 3,6 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 247 triệu USD, đơn giá hơn 68 USD/tấn. Than nhập từ Indonesia là 2,9 triệu tấn, kim ngạch 141 triệu USD, đơn giá 48 USD/tấn. Than nhập từ Trung Quốc đạt 1,6 triệu tấn, trị giá hơn 164 triệu USD, đơn giá 102 USD/tấn.

Như vậy, về giá trị, hiện nhập khẩu than từ Indonesia có mức giá rẻ nhất chỉ là 48 USD/tấn, đây chủ yếu là các loại than có chất lượng thấp như than cám, loại than này có chất đốt thấp, nhập khẩu chủ yếu phục vụ phối trộn các mặt hàng than sản xuất trong nước.

Giá nhập than từ Trung Quốc hiện đang cao nhất trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam, cho dù nước này là thị trường nhập than ít nhất của Việt Nam. Mức giá 102 USD/tấn than Trung Quốc được Tổng cục Hải quan giải thích là nhập các loại than có chất đốt cao, than mỡ để luyện cốc, phục vụ nguyên liệu cho cán thép.

Theo chỉ số niêm yết, giá than giao dịch trên bảng giá hàng hóa quốc tế đang ở mức 40 USD/tấn, đây là mức giá thấp nhất so với thời điểm thấp nhất trong tháng 1/2013 (70 USD/tấn).

Giá than quốc tế (giai đoạn 2012 - 2016)
Như vậy, so với giá thế giới, giá than nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc về Việt Nam gấp 2,5 lần, các loại than nhập từ Nga, Úc về Việt Nam có giá gấp từ 1,2 - gần 2 lần so với giá than quốc tế.

Theo báo cáo của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2016 toàn ngành hiện vẫn tồn kho hơn 12 - 13 triệu tấn than do nhu cầu xuất khẩu thế giới giảm sút, đơn hàng nhập than của các nhà máy nhiệt điện trong nước giảm do nhiều doanh nghiệp thay thế bằng than nhập khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành than chịu áp lực lớn để tiếp tục duy trì sản xuất.

Trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp FDI đã kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu than trực tiếp từ nước ngoài thay vì ký hợp đồng mua than trong nước. Theo lý giải thì nguyên nhân chủ yếu là do giá than nhập hiện đang rẻ hơn so với than sản xuất trong nước từ 6 - 10 USD/tấn. Điển hình là một số doanh nghiệp gần đây đã kiến nghị nhập than như: Vedan, Formosa, nhiều doanh nghiệp, khí và nhiệt điện tại Cà Mau...

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP