Nỗi đau ca dam
Dù chiến tranh dù đã lùi xa, thế nhưng trong ngôi nhà nhỏ của bà Thắng ở nơi miền biển nước mặn này vẫn hiện hữu nỗi đau do chiến tranh để lại. Đó là con trai út của bà tên là là Nguyễn Văn Tới (SN 1994) bị nhiễm chất độc da cam từ bố.
Đưa ánh mắt nhìn ra khoảng không phía trước, bà Thắng nhớ lại những ngày Vượng (chồng bà) ông đi bộ đội với tuổi trẻ và nhiệt huyết: “ Ông Nguyễn Hoàng Vương đi bộ đội năm 1966, sau đó ông sang chiến đấu bên nước bạn Lào rồi về trở ra Hải Phòng làm nhiệm vụ lái xe vận tải. Đến cuối năm 1975 ông xuất ngũ trở về địa phương tăng gia sản xuất cùng vợ con”.
Từ một chàng trai khỏe mạnh, tràn đầy sức sống khi đi bộ đội thì đến lúc trở về sức khỏe ông Vượng giảm sút đi nhiều. Tuy vậy nhưng ông cũng cố gắng làm lụng bươn trải cùng vợ suốt ngày trên cánh đồng muối để kiếm gạo nuôi con. Đến năm 2004 ông Vượng mất khi để lại một mình người vợ chăm sóc cho con.
Nhìn con bà như bị xát muối trong lòng- Ảnh: Nguyên Thi
Bà Thắng tiếp lời, sinh được 4 đứa con trai, nhưng giờ chỉ còn 3. Anh con đầu không được nhanh nhẹn tháo vát như người bình thương, may mắn hơn anh con thứ là khỏe mạnh, lành lặn. Nhưng đứa con út là Nguyễn Văn Tới (SN 1994) mới là gánh nặng lớn nhất đối với bà.
Ước mong được một lần con gọi tên
Mới sinh ra Tới đã có những biểu hiện không bình thường, nuôi đến năm thứ 3 nhưng Tới vẫn chỉ ngồi một chỗ, em không nói được, cũng không nhai được cơm. Sau khi đưa con đi khám bệnh gia đình mới hay biết rằng em bị nhiễm chất độc da cam.
Giờ hai đứa con đầu đều đã có gia đình và ở riêng, tuy nhiên không ai có công việc gì ổn định nên không giúp được gì nhiều cho mẹ già và em. Cứ vậy một mình bà lúc đi làm thuê, lúc ngâm mình trên cánh đồng muối để làm, kiếm tiền đổi gạo nuôi con.
Năm tới 15 tuổi, nhưng bà Thắng vẫn phải nhai cơm cho con ăn, tắm rửa vệ sinh đều do bà làm hết. Lúc ở nhà bà có thể trông chừng được, thế nhưng hễ đi làm để con ở nhà bà lai lo ngay ngáy, vì Tới tính khí thất thường, nếu nhỡ may gặp người nào trêu đùa là em có thể lấy gậy để đánh hay lấy đá ném người khác không kể lí do gì.
Nói rồi bà cho biết: “ Mấy lần nó lấy đá ném trúng người ta rồi, có người phải đi viện cấp cứu khiến tôi như ngồi trên đống lửa rồi, giờ hễ nó đi ra khỏi nhà là tôi lại thấy lo, mà xích con lại một chỗ thì thấy tội con quá”.
Có những hôm 10h mà không thấy con về bà lại tất tả chạy đi khắp làng tìm con, kêu con để mọi người nghe thấy chỉ giúp chứ Tới đâu có trả lời lại được, nhưng có người không hiểu lại nói bà làm mất trật tự.
Khổ nhất là những hôm trái gió trở trời, em lại nên cơn co giật, động kinh rồi rên hừ hự. Những lúc đó bà lại dùng tình cảm chân tình của mình để vỗ về đứa con bệnh tật.
“Giờ răng tôi cũng đã rụng hết nên không thể nhai cơm cho con ăn như trước nữa, cứ mỗi khi Tới ăn bà lại phải cho thật nhiều canh vào bát để cho em nuốt lống. Tôi chỉ mong sao có chiếc máy xay sinh tố để xay thành cháo cho con ăn, mà nào có tiền để mua”, bà Thắng phân trần.
Tuổi đã xế chiều, bà cũng không trông mong điều gì hơn là mong ông trời cho bà được sống nhiều thêm nữa để bà có thời gian lo cho đứa con mình. Chứ nhỡ may bà có mệnh hệ gì thì con trai bà lấy ai chăm sóc. Ứớc muốn giản dị đó đối với bà có lẽ là điều quý giá nhất mà bà có thể dành cho con, đứa con chưa một lần có thể gọi tên mẹ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về gia đình: Bà Trương Thị Thắng (61 tuổi) trú ở xóm Hải Bắc xã Diễn Bích huyện Diễn Châu (Nghệ An). Số điện thoại : 01633.441.930 (chị Liên – con dâu thứ 2 bà Thắng).
Tác giả bài viết: Nguyên Thi