Nhân ái

"Vất vả cả ngày, về nhà thấy con đau đớn với khối u khổng lồ, tôi chẳng thiết ăn uống nữa"

Dù đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật giành giật sự sống nhưng khối u trên khuôn mặt bé Dũng (2 tuổi) ngày càng to dần, như muốn nổ tung lúc nào không hay.

Bé trai 2 tuổi có khuôn mặt muốn nổ tung vì căn bệnh quái ác

Trong căn nhà cấp 4, tạm bợ của gia đình anh Trần Tuấn Anh (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hồng Sa (30 tuổi, ngụ phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi không khỏi nhói lòng khi bắt gặp cảnh một đứa trẻ 2 tuổi ngồi trên giường, vẻ mệt mỏi, dáng người nhỏ bé, da xanh xao, khuôn mặt biến dạng vì khối u khổng lồ như chực nổ tung.

Thỉnh thoảng, như một thói quen, bé lại đưa tay xoa xoa lên khuôn mặt nhăn nhó của mình vì đau nhức. Thấy chúng tôi đến, bé tỏ ra sợ hãi, gào khóc gọi mẹ.

Khuôn mặt bé Dũng biến dạng vì khối u khổng lồ

Phía dưới bếp, chị Sa đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình. Nghe tiếng con khóc, chị chạy lên ôm con dỗ dành vừa thở dài phân trần: "Thằng bé nằm viện suốt, hàng ngày bị tiêm chích nên giờ rất sợ gặp bác sỹ. Cứ thấy người lạ lại khóc vì cứ nghĩ bác sỹ đến tiêm".

Cháu bé tên là Trần Anh Dũng (2 tuổi) là con thứ 2 của vợ chồng chị Sa. Khi sinh ra, chưa kịp vui mừng thì gia đình chết lặng khi nhìn thấy khuôn mặt Dũng biến dạng, sưng phù. Đưa con đi thăm khám thì mới biết Dũng mắc phải chứng bệnh u tâm dịch ở cổ, biến dạng lồng ngực, viêm phổi nặng.

"Bác sỹ nói con tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Muốn khối u không phát triển thì ít nhất phải trải qua 10 cuộc phẫu thuật nhưng vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Sau khi phẫu thuật xong khối u ở cổ mới tính đến chuyện chữa các chứng bệnh khác như biến dạng lồng ngực, viêm phổi. Thời gian chữa trị có thể 5 năm, 10 năm và cũng có thể là cả cuộc đời", chị Sa chia sẻ trong nước mắt.

Mới 2 tuổi bé Dũng đã phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật nhưng khối u ngày càng lớn dần, như muốn nổ tung

Mới 2 tuổi nhưng bé Dũng đã phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật (lần thứ nhất khi mới 9 ngày tuổi, lần thứ 3 cách đây 5 tháng) khiến cơ thể bé ngày càng còi cọc, chỉ nặng 7kg nhưng khối u ở cổ đã nặng hơn 1kg.

"Tôi chỉ ước cho con mình được bình an"

Chị Sa trước đây làm nhân viên dọn phòng trong một khách sạn. Từ ngày sinh con bệnh tật, chị nghỉ luôn việc, ở nhà chăm sóc con. Gánh nặng đè lên vai người chồng. Mọi sinh hoạt, học hành cho cô con gái lớn đang học lớp 1, tiền sữa cho con, thuốc thang, viện phí... đều trông chờ vào số tiền công từ nghề chạy xe ôm mà anh Tuấn nhận được hàng ngày.

"Ngày nào chạy nhiều nhất tôi cũng kiếm được 200 nghìn. Ngày ế ẩm, không bắt được khách thì chỉ kiếm được dăm ba chục, đủ chi tiêu thức ăn hàng ngày thôi. Vất vả cả ngày, khi về nhìn thấy con đau đớn với khối u khổng lồ, tôi chẳng thiết ăn uống gì nữa. Lúc nào khuôn mặt con cũng nhăn nhó, khóc suốt ngày. Chắc con đau đớn lắm", anh Tuấn tâm sự.

Anh Tuấn cho biết, sắp tới, vợ chồng anh lại tiếp tục đưa con đi khám định kỳ, nếu sức khỏe tiến triển, tăng cân thì bác sỹ sẽ tiếp tục phẫu thuật lần thứ 4. Thế nhưng, điều anh lo lắng là suốt hơn một năm nay, sức khỏe của con yếu dần, không hề lên cân. Họ sợ nếu con tiếp tục phẫu thuật sẽ không còn sức chống cự.

Chị Sa chỉ ước con trai của mình được bình an

Vì sức khỏe yếu, khối u chèn hết cổ, lấp khuôn mặt làm cho việc ăn uống của cháu Dũng rất khó khăn. Hàng ngày, bé Dũng chỉ ăn được một ít cháo loãng, hầu hết là uống sữa.

"Chỉ tính riêng tiền sữa cho con hàng tháng cũng mất trên 2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuốc thang hàng tháng lấy theo đơn bệnh viện để khống chế khối u. Tôi cũng muốn đi làm để phụ chồng kiếm thêm thu nhập nhưng ông bà nội đều không còn, ông bà ngoại ở xa. Muốn gửi con đi trẻ mà chẳng cơ sở nào chịu nhận nên đành ở nhà chăm con", chị Sa chia sẻ.

Hàng ngày nhìn con gồng mình chống chọi với bệnh tật, chị Sa chỉ ước mình có thể gánh đau đớn thay con. Nhìn con người ta được vui vẻ, bi bô nói cười, vui đùa, nhìn lại con mình chị lại thấy xót xa. "Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước cho con mình được bình an. Có thể nhìn thấy con vui cười, ngủ yên giấc. Thế nhưng, điều ước đó với con trai tôi sao quá xa vời".

Trao đổi với chúng tôi PV Emđẹp, ông Nguyễn Văn Bình (tổ trưởng tổ dân phố phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, từ ngày cháu Dũng chào đời mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình chị Sa lâm vào cảnh khó khăn. Thu nhập chính phụ thuộc vào nghề chạy xe ôm của anh Tuấn trong khi thời gian điều trị căn bệnh của cháu Dũng đang rất dài, chi phí tốn kém.

Tác giả: Trung Hiếu

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP