Trong tỉnh

UBND tỉnh họp cho ý kiến vào Dự thảo Quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh

Sáng 11/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 40 tổ chức hành nghề công chứng, được phân bố tại 16 đơn vị cấp huyện và 84 công chứng viên đang hành nghề, trong đó hai Phòng Công chứng nhà nước số 1 và số 2 với 05 công chứng viên, 38 Văn phòng công chứng với 79 công chứng viên. Đa số các tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động được thành lập theo Luật Công chứng 2006, Luật Công chứng 2014 và Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”. Các địa bàn cấp huyện chưa thành lập được văn phòng công chứng nào: Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Hoan báo cáo nội dung Dự thảo Đề án

Từ năm 2014 đến nay, công tác quản lý nhà nước về công chứng được tăng cường và ngày càng đi vào nề nếp. UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công chứng; tuyên truyền, phổ biến nội dung, tinh thần, ý nghĩa của Luật Công chứng và các quy định pháp luật liên quan đến công chứng để cán bộ, người dân nhận thức đúng, đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công chứng, nghề công chứng. Công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động công chứng được thực hiện thường xuyên. Số lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Hoạt động của các văn phòng công chứng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Thị Thu Trang giải đáp một số nội dung đại biểu quan tâm về nội dung của Đề án

Song thực tế, vẫn còn vi phạm, sai phạm trong hoạt động công chứng, như: Công chứng ngoài trụ sở, không ký trước mặt công chứng viên, có hiện tượng công chứng treo, công chứng chờ; cạnh tranh không lành mạnh; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm đạo đức hành nghề, bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trên, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động công chứng, phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc xây dựng và ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030” là cần thiết.

Mục tiêu của Đề án tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững, vừa tăng về số lượng, vừa đảm bảo chất lượng phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận

Qua nghe ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đánh giá: Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm có thể phát sinh nhiều vấn đề nên không được phép chủ quan. Hiện nay, nhu cầu công chứng ngày càng lớn, không ít nơi đã xuất hiện những vi phạm.

Phân tích những nội dung cần phải lưu ý trong quá trình xây dựng nội dung của Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp, các Sở, ngành liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của pháp luật và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ, để quản lý tốt hoạt động công chứng trên địa bàn.

*/Cũng trong sáng nay, cuộc họp đã cho ý kiến vào Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh.

Theo ý kiến của Sở Tư pháp – Cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định, để đảm bảo phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì việc xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh thay thế Quyết định số 2983/QĐ-UBND ngày 27/6/2016 của UBND tỉnh là hết sức cần thiết.

Dự thảo Quy chế quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo Quy chế có 3 Chương, 16 Điều. Chương I: Những quy định chung – quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và hình thức. Chương II: Về nội dung và trách nhiệm phối hợp. Cụ thể, gồm: Quy định phối hợp trong xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra; phối hợp chuyển hồ sơ, vụ việc đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC. Cùng với đó, phối hợp kiểm tra, đánh giá tính pháp lý, tham mưu người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC; phối hợp xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC; phối hợp báo cáo, thống kê, báo cáo tình hình công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Chương III: Về Tổ chức thực hiện quy định về kinh phí và trách nhiệm thực hiện.

Phát biểu kết luận nội dung này, lưu ý về một số nội dung phối hợp cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị các ngành cần nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện quy chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Sở Tư pháp tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Quyết định để trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.

Tác giả: PQ

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP