►Chí Trung kêu gọi giúp đỡ người đạp xích lô chở tôn
►Vụ bé trai bị tôn cứa cổ: Tạm giữ hình sự lái xe xích lô
►Hà Nội: Bé trai 10 tuổi tử vong vì bị xe chở tôn cứa vào cổ
Tưởng rằng xã hội sẽ lại một lần nữa nhìn nhận đúng sự sai trái của việc không tuân thủ pháp luật của những xe ba gác, xích lô, xe tải nhỏ thường xuyên chở hàng quá tải mà không có bất cứ giải pháp an toàn nào.
Facebook hôm nay chia sẻ cho nhau một đoạn status với nội dung trình bày hoàn cảnh khó khăn của chủ xe xích lô, nhằm mục địch kêu gọi quyên góp cho gia đình chủ xe. Rất nhiều comment hưởng ứng và sẵn sàng chuyển khoản dù chưa rõ độ xác thực tới đâu.
Bên cạnh đó nhiều comment bày tỏ sự thương xót đến hoàn cảnh khó khăn của chủ xe, đồng thời lên án, chỉ trích sự vô trách nhiệm của phụ huynh cháu bé xấu số. Những người đứng giữa, họ chỉ than: "tại số trời!"
Từ bao giờ hoàn cảnh nghèo khó được đem lên toà án để bao biện cho sự vi phạm pháp luật?
Từ bao giờ lòng cảm thông thường được đặt ở bên có hoàn cảnh khó khăn bất chấp tính đúng sai và mức độ trách nhiệm của sự việc?
Việc bán hàng lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Việc du học sinh tu nghiệp sinh ăn cắp tại nước ngoài cũng là vi phạm pháp luật. Kinh khủng hơn, việc phun thuốc độc hại vào rau trồng, tiêm hoá chất tăng trọng trong chăn nuôi... là vi phạm pháp luật nghiêm trọng...
Tất cả những vi phạm ấy khiến sinh mạng của từng con người trên mảnh đất này ngày một mong manh hơn.
Nhưng chỉ cần một tấm biển "hoàn cảnh khó khăn" treo trước ngực, họ có quyền sinh tồn trên tính mạng của người khác. Mà "những người khác" ấy rất có thể sẽ là con cái chúng ta, người thân của chúng ta.
Những dòng chia sẻ của dân mạng về hoàn cảnh khó khăn của người đàn ông chở tôn. Tuy chưa biết độ xác thực tới đâu nhưng nó đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Người Việt Nam vốn rất trọng tình cảm.
Thế nhưng tình cảm đi kèm với sự thiếu hiểu biết pháp luật, tình cảm đi kèm với khả năng phân tích tình huống cảm tính, khiến cho chúng ta cứ sa đà mãi vào việc vỗ về nhau, động viên nhau, hô hào nhau mà quên mất việc phải rạch ròi trách nhiệm và tìm cách rút kinh nghiệm.
Việc từ thiện vốn dĩ không sai. Nhưng từ thiện xuất phát từ lòng cảm thông đặt sai chỗ, sẽ là mầm mống cho sự dung dưỡng những cái sai không thể cứu vãn trong xã hội.
Qua thời gian, cư dân mạng đã dạy nhau cách để không thoả hiệp với thực phẩm bẩn. Và qua sự việc này, rất cần chung nhau một tiếng nói, để tiếp tục không thoả hiệp với hình ảnh những hung thần xe máy, xe ba gác, xe xích lô, xe tải chở hàng quá tải trên đường.
Vì chỉ một lần thoả hiệp, cuộc sống quanh chúng ta sẽ ngày một hỗn loạn. Đến lúc đó, đừng vội trách các nhà quản lý, mà hãy trách chính bản thân mình.
Tác giả bài viết: Hồng Tú