Vừa qua, HĐXX của TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa xét xử bị cáo và đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này. Theo VKSND tỉnh Phú Thọ, từ năm 2011 đến 2015, Phạm Thế Anh nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo từ việc “chạy” đi nghĩa vụ và vào biên chế ngành CA.
Bị hại Trần Hữu Tr, SN 1961, quê Nghệ An, cho hay, lo cho con trai (anh Trần Hữu Th, SN 1990) đi nghĩ vụ CA. Qua một người quen, ông biết Anh. Anh đã ra giá 120 triệu đồng và sau đó, anh Th có quyết định thực hiện nghĩa vụ tại trại tạm giam CA tỉnh Phú Thọ. Quá trình điều tra, ông Tr khai, đưa cho trung gian 150 triệu đồng nhưng người này chỉ công nhận có 130 triệu đồng.
Luật sư Vũ Văn Nho trao đổi về vụ án. |
Trong thời gian anh Th thực hiện nghĩa vụ, ông Tr gọi điện nhờ Anh xin vào biên chế ngành. Anh báo 350 triệu đồng và ngày 20-6-2015, gia đình ông đã chuyển đủ. Theo đó, Anh đã viết giấy biên nhận vay của ông Tr 350 triệu đồng. Khi anh Th có quyết định xuất ngũ, Anh vẫn không xin được đi học nên ông Tr đòi lại tiền. Ngày 11-12-2016, ông Tr tìm đến đòi tiền nhưng Anh không có nhà. Vợ bị can (chị Phùng Thị Nga) có viết cho ông 1 giấy khất nợ. Nay, ông yêu cầu trả lại 350 triệu đồng.
Theo kết luận của VKSND, từ năm 2011 đến 2015, mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ trong việc tuyển dụng công dân phục vụ có thời hạn (nghĩa vụ CA) và tuyển dụng biên chế trong ngành CA nhưng Anh đã lợi dụng là cán bộ ngành CA để nhận tiền và hứa hẹn xin nghĩa vụ và biên chế ngành CA của 16 người, nhận 5,27 tỷ đồng. Sau khi nhận, đã chi tiêu cá nhân và mới trả được cho các bị hại 639 triệu đồng. Hành vi này phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại CQĐT, Thế Anh khai rằng, đã xin đi nghĩa vụ cho khoảng 400 người, giá từ 50 đến 150 triệu đồng; xin vào biên chế ngành CA cho khoảng 100 người, giá từ 200 đến 350 triệu đồng và xin đi các trường ngành CA khoảng 10 người, giá 150 - 400 triệu đồng. Đến khoảng tháng 9-2015, anh ta mất khả năng xin nghĩa vụ và “chạy” biên chế. Anh cho rằng, không có hành vi lừa đảo mà là “Làm môi giới hối lộ” hoặc đồng phạm về tội “Nhận hối lộ”. Như lời bị cáo, những trường hợp xin hộ đều đưa tiền cho người khác để xin chỉ tiêu, biên chế. CQĐT đã triệu tập, lấy lời khai của những người mà Anh khai nhưng họ đều phủ nhận. Số tiền mà Anh cho rằng, đã đưa, có người nói rằng, đó là số tiền nhận lại vì trước đó nhờ “mua nhung hươu không được”.
Luật sư Vũ Văn Nho, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại cho biết, tại phiên xử, do vắng mặt một số đương sự, HĐXX hỏi ý kiến của đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ, các luật sư. KSV, luật sư đã đề nghị hoãn phiên tòa. Luật sư của bị hại cũng đã yêu cầu HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số nội dung của vụ án.
Cuối cùng, HĐXX đã dừng phiên tòa và hội ý và chấp thuận với ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại và ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong đó, tập trung 3 vấn đề: Điều tra Phạm Thế Anh có phạm thêm tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ hay không; làm rõ các tài sản, tài khoản của Thế Anh; xem xét vấn đề đồng phạm trong vụ án, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Trước đó, phản ánh tới báo PL&XH, 15/16 bị hại cho rằng, chỉ truy tố Thế Anh là bỏ lọt tội phạm với một số cán bộ và ngay cả người thân của bị cáo. Như lời họ, bố mẹ của bị cáo (ông Phạm Quang Chung, bà Phan Thị Phượng, trú tại phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An), CQĐT không xác định họ không là đồng phạm là không chính xác. Các bị hại trình bày, một số trường hợp, chính bố mẹ bị cáo đã đứng ra giới thiệu và nhận tiền từ họ. Với việc HĐXX trả hồ sơ làm rõ các vấn đề trên, các bị hại tin tưởng vào sự công minh của TAND tỉnh Phú Thọ.
Tác giả: Hoa Đỗ
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội