Trong nước

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp về phòng chống tham nhũng với hơn 2.000 đại biểu

Hôm nay 19-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của thường trực Ban Chỉ đạo trung ương hồi tháng 5-2023 - Ảnh: TTXVN

Nhiều nội dung quan trọng được xem xét

Theo thông tin từ Ban Nội chính Trung ương, hôm nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban Chỉ đạo và thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - sẽ chủ trì hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng với hơn 300 đại biểu và 2.200 đại biểu tại các điểm cầu địa phương.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc thành lập và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định số 67 năm 2022 của Ban Bí thư.

Trao đổi, thảo luận, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Trung ương

Ngày 10-5-2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Ngay sau đó, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương tham mưu Ban Bí thư ban hành quy định 67 năm 2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Đến ngày 5-8-2022, chỉ sau hai tháng từ khi có nghị quyết của Trung ương, 63/63 Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập, trong đó có 3 địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.

Kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo sau một năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.

Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam ta được hoàn thiện thêm một bước mới.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu rõ Ban chỉ đạo cấp tỉnh được xem là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, tồn đọng trong dân, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.

Quan trọng hơn, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước được liền mạch, chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cũng đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Theo ông Kim, bằng cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn, trách nhiệm, không "lấn sân", không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao.

Cụ thể là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ các công việc với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tác giả: THÀNH CHUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP