► Chuyện lạ ở Nghệ An: Làm việc ở thị trấn, hưởng lương khu vực rẻo cao biên giới
Sau khi Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ có Thông tư Liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV (sau này được thay thế bằng Thông tư Liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV), UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn 6612/UBND-TH, đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị, bố trí tối thiểu 9 công chức cho phòng GD-ĐT. Thế nhưng, UBND các huyện lại tìm cách hợp thức hóa, “biệt phái” ngược phần lớn viên chức đang công tác tại các phòng GD-ĐT về cơ sở để hưởng lương và các phụ cấp của giáo viên đứng lớp trái quy định.
Một câu hỏi được đặt ra: Liệu Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT Nghệ An đã làm hết trách nhiệm với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh?
Theo Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 của UBND tỉnh Nghệ An, gửi Giám đốc Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT Nghệ An và UBND các huyện: V/v biên chế phòng GD-ĐT, thì Giám đốc Sở GD-ĐT phải chỉ đạo các phòng GD-ĐT phối hợp với phòng Nội vụ xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch, trình UBND các huyện, thành phố, thị xã phê duyệt và quyết định số lượng biên chế công chức hàng năm của phòng GD-ĐT theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung biên chế công chức cho UBND cấp huyện (nhằm giảm dần số viên chức biệt phái tại các phòng GD-ĐT). Chủ tịch UBND các huyện bố trí tối thiểu 9 công chức cho phòng GD-ĐT trong tổng biên chế công chức hàng năm của cơ quan HĐND và UBND cấp huyện.
UBND các huyện phải xem xét, bố trí thêm; điều động từ các phòng chuyên môn khác hoặc xét chuyển các viên chức đang công tác tại phòng GD-ĐT thành công chức; số còn lại bố trí về các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo trực thuộc. Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu công tác và vị trí việc làm, chủ tịch UBND cấp huyện có thể biệt phái một số viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về công tác tại phòng GD-ĐT để xử lý các yêu cầu công tác trong từng thời điểm... Số lượng biệt phái từ 4 - 8 người.
Thế nhưng, trên thực tế UBND các huyện tại Nghệ An lại thực hiện công văn chỉ đạo của UBND tỉnh theo hướng ngược lại.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các huyện đều viện cớ biên chế công chức được giao không đủ để thực hiện công tác chuyên môn của các phòng ban cấp huyện nên không thể điều về phòng GD-ĐT. Thay vào đó, trừ số công chức của phòng (bao gồm trưởng, phó phòng, chủ tịch công đoàn) và kế toán, thủ quỹ là không thể dùng chiêu bài “biệt phái” về các trường được, số còn lại đều làm công tác chuyên môn tại phòng GD-ĐT nhưng được hưởng chế độ “biệt phái” về cơ sở để nhận lương và các khoản phụ cấp trái quy định ở cơ sở. Nhiều viên chức “biệt phái” này trên thực tế đã có thâm niên công tác tại phòng GD-ĐT lên tới cả chục năm.
Ông Chu Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: “Nếu theo thông tư 47 (Thông tư Liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV), sau này là Thông tư 11 (Thông tư 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 29/5/2015, của Liên bộ Nội vụ - GD-ĐT) thì Nghệ An không thể đáp ứng được số lượng công chức công tác tại các phòng GD là 18 người.
Cái gọi là điều từ phòng GD-ĐT về các trường cơ sở nhưng không dạy tiết nào hoặc không tham gia các hoạt động giảng dạy, tập huấn, nếu có, có thể là họ vận dụng, hoặc cũng có thể là để hợp lý hóa, Sở GD-ĐT hiện chưa nắm được.
Còn việc chuyển viên chức phòng GD-ĐT về các trường giảng dạy là rất bình thường. Họ được chuyển về trường dạy một thời gian, sau đó, vì phòng có nhu cầu thì họ lại được biệt phái trở lại (?!).
Ai được biệt phái về phòng mà không tham gia các hoạt động giảng dạy, tập huấn tại trường thì phải chịu trách nhiệm. Nếu họ tham gia tập huấn công tác giảng dạy thì vẫn được, không vấn đề gì. Hiện nay, chỉ có mỗi Phòng GD-ĐT TP Vinh là có 8 công chức, các phòng GD-ĐT còn lại chỉ có khoảng 3-5 công chức”.
Cũng theo thông tin từ Phòng TCCB Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện nay toàn tỉnh có 327 công chức, viên chức đang công tác tại 21 phòng giáo dục huyện, thị (87 công chức và 240 viên chức).
Bình quân, mỗi phòng có 2 viên chức không thuộc dạng biệt phái như kế toán, thủ quỹ, còn lại đều là viên chức biệt phái từ dưới lên (khoảng 190 viên chức).
Nhưng trong số 190 người này, liệu có bao nhiêu người được biệt phái từ cơ sở lên đúng nghĩa như lời của cán bộ phòng TCCB Sở GD-ĐT Nghệ An? Bao nhiêu người được hợp lý hóa để lĩnh lương ở cơ sở trái quy định?
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó phòng TCCB Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết thêm: “Có 2 lý do khiến số lượng công chức tại các phòng GD-ĐT không được đáp ứng đủ đó là Chính phủ không cho tăng số lượng công chức và UBND các huyện không thực sự quan tâm thực hiện quyết liệt.
Thực tế, 190 cán bộ biệt phái, họ là viên chức, hưởng lương ngạch giáo viên. Trước nay ta vẫn gọi họ là chuyên viên phòng GD-ĐT nhưng thực ra chỉ có 87 công chức của các phòng mới được gọi là chuyên viên (?!)”.
Ông Khánh cũng cho rằng, chuyển những viên chức hiện đang công tác tại các phòng GD-ĐT sang ngạch công chức hoặc bổ sung thêm số lượng công chức cho các phòng là điều cần làm vì bản thân họ hiện đang thực hiện công tác chuyên môn của một công chức ngành giáo dục như các công chức các phòng ban khác.
Trong khi đó, ông Đậu Đình Dương, Trưởng phòng công chức viên chức Sở Nội vụ Nghệ An lại cho rằng, trách nhiệm bổ sung công chức cho các phòng GD-ĐT thuộc về UBND các huyện, thị, Sở Nội vụ đã làm hết sức. Thông tư 47 không quy định số lượng công chức của các phòng GD-ĐT. Theo Khoản 2, Điều 6, Thông tư 47 thì số công chức, biên chế công chức do UBND cấp huyện phê duyệt.
Khi PV hỏi, sau khi UBND tỉnh Nghệ An có công văn 6612 thì Sở Nội vụ Nghệ An đã tham mưu những gì để giúp bổ sung công chức cho các phòng GD-ĐT thì ông Dương khẳng định: “Công văn 6612 thực ra là của Sở Nội vụ tham mưu ban hành. Nhưng công văn này chỉ mang tính chất hướng dẫn, không mang tính chất bắt buộc (?).
Thực tế, sau công văn này, UBND các huyện đã chuyển rất nhiều công chức có chuyên môn sang làm việc tại các phòng GD-ĐT (?!). Các huyện không có vướng mắc gì nên Sở Nội vụ không cần phải... tham mưu gì thêm nữa”.
Tác giả bài viết: Nhóm PV Bắc Trung bộ