Giáo dục

Số lượng Giáo sư của chúng ta còn quá ít

Đó là nhận định của GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học về lượng Giáo sư hiện nay so với số lượng các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.

Theo GS. Trần Văn Nhung, Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, số lượng Giáo sư (GS) và Phó Giáo sư (PGS) còn nghiên cứu chiếm khoảng 1/4. “Hiện, chúng ta chỉ có khoảng 200-300 Giáo sư còn đang làm việc, nghiên cứu. Theo tính toán bình quân trên 1 vạn dân thì số Giáo sư Trung Quốc gấp 8 lần chúng ta, đó là chưa nói về chất lượng. Ở Đức con số này gấp 3 lần chúng ta”, GS. Trần Văn Nhung cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho hay, hiện chúng ta đang có khoảng 250 trường đại học và có khoảng từng đó viện nghiên cứu. “Số lượng GS, PGS hiện nay nếu chia đều cho các trường và các viện thì không nhiều. Chúng ta cần phấn đấu nâng dần số GS, PGS lên cao hơn so với số học viên sau đại học, như thế mới đạt chuẩn”, ông Giang nhận định.

Tuy thiếu là như vậy, nhưng đối với một số ngành lại đang thừa, thậm chí nhiều người làm quản lý Nhà nước vẫn được phong GS, PGS khiến sự cống hiến cho khoa học có phần hạn chế. “Các trường, viện nghiên cứu phải xác định được biên chế số GS, PGS của mình, trên cơ sở đó mới phong đúng và đủ. Chứ còn hiện nay chúng ta đang phong theo dạng tiêu chuẩn mà ứng viên đã được. Từ đó dẫn tới có những bộ môn nhiều GS, PGS hơn nhu cầu cần thiết, nhiều bộ môn thì không có”, ông Giang nói.

Theo GS. Vũ Minh Giang, tính bình quân hiện số lượng GS, PGS của chúng ta còn thiếu và yếu.

Từ đó, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học đưa ra giải pháp: “Theo tôi, cũng cần bổ sung quy định tất cả những người được bổ nhiệm chức danh GS, PGS phải là những người thường xuyên giảng dạy, hướng dẫn ở các cơ sở đại học. Nếu làm cán bộ ở cơ quan nào đó rồi đi thỉnh giảng thì không thể phong được. Ngoài ra, cần xây dựng quy chế bổ nhiệm GS, PGS bỏ đi tính hình thức”.

Về vấn đề GS, PGS cần trả lại chức danh khi không còn làm việc, ông Giang nói: “Đương nhiên, những ai không còn làm việc nữa thì buộc trả lại chức danh GS, PGS cho Nhà nước. Từ trước năm 2008, GS, PGS không phải là chức danh mà là học hàm, học hàm đó được giữ tới khi người đó chết”.

Ngoài ra, về độ tuổi GS, PGS, ông Giang cho rằng: “Với những đề án đào tạo và sự quan tâm tới những người nghiên cứu khoa học đang dần nâng lên như hiện nay thì thời gian tới, độ tuổi được phong GS sẽ được giảm đi. Điều đó rất tốt, bởi họ sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và đóng góp cho xã hội”.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP