Nhân ái

Rồi bà cũng ra đi, Hải thành ngọn lửa cuối cùng trong căn nhà trống

Sinh ra không biết mặt cha, mẹ đi bước nữa, 18 năm qua Hải sống nương nhờ bà ngoại. Vậy nhưng bà ngoại cũng qua đời, bỏ lại Hải bơ vơ giữa cuộc đời.

Sinh ra không biết cha mình là ai, mẹ đi bước nữa, kể từ khi bà ngoại qua đời, Nguyễn Thị Hải sống một mình trong căn nhà trống vắng - Ảnh: Doãn Hòa

Tân sinh viên Nguyễn Thị Hải - Ngọn lửa cuối cùng trong căn nhà trống - Thực hiện: DOãn Hòa - Nhã Chân - Mai Huyên

Như ngọn lửa nơi góc bếp, Hải là ánh sáng hy vọng cuối cùng trong căn nhà trống vắng.

Hải "hạt tiêu" là tên gọi thân thuộc mà bạn bè, thầy cô và bà con chòm xóm thường nhắc đến Nguyễn Thị Hải - ngụ thôn Trà Liên, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

18 tuổi, Hải nặng chỉ hơn 35kg, người gầy xanh. Hải vừa nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường cao đẳng Y tế Huế với nỗi lo nặng trĩu trước ngưỡng cửa đời mình.

Những bữa cơm chỉ còn một mình

Xế chiều, men theo con đường đất cỏ mọc ngang đầu gối kín lối, chúng tôi tới căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa thôn Trà Liên - nơi Hải đang sống một mình.

Trời chập choạng tối, Hải lúi húi trong gian bếp ẩm thấp nhóm lửa, chuẩn bị bữa cơm tối. Một nửa cái bắp cải héo rũ, mấy con mắm khô được hàng xóm mang qua cho và bát cơm nguội từ trưa là bữa ăn chính hôm nay của Hải.

"Ở một mình, có hôm mình nấu một bát gạo ăn cả ngày không hết vì chẳng có ai để ăn cùng", Hải ngượng ngùng. Hơn mười tháng qua kể từ ngày bà ngoại qua đời, Hải đã dần quen với những bữa cơm vội chỉ có một mình như vậy.

Kể từ khi bà ngoại - cũng là người thân duy nhất bên cạnh - qua đời, Hải phải tự lập và làm quen với cuộc sống chỉ có một mình - Ảnh: Doãn Hòa

Từ lúc sinh ra, cô không biết cha mình là ai. Năm cô lên năm tuổi, mẹ cũng bỏ Hải lại cho bà ngoại chăm bẵm để đi tìm cuộc sống mới.

Trong ký ức buồn, Hải không một lời oán trách mẹ mình, mà nhắc nhiều hơn về người bà. Thiếu thốn tình cảm của cha mẹ từ nhỏ, Hải lớn lên nhờ tình yêu thương vô bờ bến của bà.

Nguồn sống duy nhất của hai bà cháu là mảnh vườn rau nhỏ. Mùa nào cây ấy, bà ngoại Hải tần tảo sớm hôm trồng rau đem ra chợ bán đổi lấy gạo, thức ăn đắp đổi qua ngày. Hai bà cháu cứ thế rau cháo nuôi nhau đi qua những năm tháng gian khó.

Nhớ về ngày đầu tiên được bà ngoại dắt tới trường học, Hải ứa nước mắt khi thấy bạn bè háo hức cùng cha, mẹ bên cạnh có cặp sách mới, quần áo mới.

Càng lớn lên, thương bà vất vả mưu sinh, Hải chẳng dám đòi hỏi gì nhiều bởi cô học trò nghèo xem đó như là số phận. Hải cũng được nghe bà kể về mẹ, dù đi bước nữa nhưng gia đình cũng thuộc hộ nghèo, bệnh tật triền miên nên không lo được cho cô.

"Bà ngoại giống như người cha, người mẹ của tôi vậy. Bà lo cho tôi từng bữa ăn đến giấc ngủ. Có những đêm nằm ngủ với bà, tôi chỉ ước rằng có một bữa cơm gia đình sum vầy, có đủ cha mẹ, có bà ăn cùng thì hạnh phúc biết mấy" - Hải nói, mắt đỏ hoe.

Cuối năm 2023, bà Phan Thị Châu - bà ngoại Hải - qua đời ở tuổi 73 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, bỏ lại Hải bơ vơ giữa cuộc đời - Ảnh: Doãn Hòa

Lời hứa với người bà quá cố và tấm lòng cô Nguyệt

Hải lớn lên cũng là lúc bà ngoại ngày một già yếu dần. Hải nhận ra điều đó khi nắm lấy đôi tay nhiều nếp nhăn của ngoại, khi thấy bóng lưng còng ngoại mỗi buổi chợ hay những đêm ngoại thở khó nhọc vì bệnh hen suyễn lâu năm.

Không vì mặc cảm với gia cảnh éo le, Hải vẫn tới trường kiếm con chữ dù ngày nắng hay mưa. Ngoài thời gian học, cô lại phụ giúp bà trồng rau, cắt cỏ, nhặt ve chai…

Hải nói rằng dù có khó, có khổ mấy cô cũng vượt qua được, nhưng điều mà cô lo sợ nhất là bà ngoại sẽ không còn trên cõi đời nữa. Và nỗi lo sợ đó cũng tới với cô bé chịu nhiều thiệt thòi và bất hạnh.

Cuối năm ngoái, bà Phan Thị Châu - bà ngoại Hải - qua đời ở tuổi 73 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Đó cũng là những ngày tháng cuối Hải ôn thi tốt nghiệp THPT. "Bà mất, khoảng trời của tôi như sụp đổ. Lúc đó tôi rất buồn, cảm giác trống rỗng vô cùng vì nghĩ tới chặng đường sắp tới sẽ chẳng còn ai bên cạnh mình nữa", Hải khóc.

Từ ngày bà mất, Hải trầm lặng, tủi thân hơn khi chỉ còn một mình - Ảnh: Doãn Hòa

Từ ngày bà mất, cô học trò nghèo trở nên trầm lặng, ít nói hẳn đi, lúc nào cũng thui thủi một mình. Đón cái Tết đầu tiên không còn bà, Hải dọn bàn học xuống gian nhà dưới sát bếp để ở rồi kê chiếc giường nhỏ bên bếp củi.

"Tôi thức suốt đêm vì nhớ bà và thấy hơi ấm từ bếp lửa như bớt cô quạnh hơn", Hải nhớ lại.

Hải bảo rằng nếu không có ân tình của thầy cô, bạn bè chắc bạn không đứng vững trước biến cố đó. Chính lúc Hải chênh vênh nhất, cô Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên mầm non xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc - ở xã cạnh bên tìm đến, nhận là mẹ đỡ đầu của Hải.

Mấy năm nay, cô Nguyệt được mọi người biết tới là một cô giáo có tấm lòng nhân ái, kết nối tìm học bổng giúp nhiều học sinh nghèo huyện Can Lộc vượt khó đến trường.

Ngoài giờ lên lớp, cô Nguyệt lại ghé qua nhà động viên Hải bớt nguôi ngoai. Ngày nhận kết quả điểm thi tổ hợp môn kỳ thi THPT đạt 25 điểm, cả cô trò đắn đo giữa nhiều lựa chọn. Hải nhớ tới lời dặn của người bà quá cố trước giây phút bà nhắm mắt xuôi tay.

"Bà nói tôi rằng chỉ có con đường học vấn thì sau này tôi mới có cơ hội thay đổi đời mình. Tôi hứa với bà sẽ không bỏ cuộc, dù con đường sắp tới có gập ghềnh đến mấy", Hải bộc bạch.

Gập ghềnh mà Hải nhắc tới là lần đầu cô khăn gói bước ra khỏi lũy tre làng đến phố thị tìm tri thức, là khoản học phí chưa biết xoay ở đâu ra.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên mầm non xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh - ở xã cạnh bên tìm đến, nhận là mẹ đỡ đầu của Hải - Ảnh: Doãn Hòa

Cô Nguyệt tặng Hải chiếc vali từ nguồn kêu gọi giúp Hải nhập học - Ảnh: Doãn Hòa

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Hải và cô Nguyệt đưa ra quyết định chọn học ngành dược, Trường cao đẳng Y tế Huế, với ước mong sau này Hải có thể trở thành dược sĩ, tự mở được tiệm thuốc gần nhà.

"Nếu Hải được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, em ấy sẽ không còn lo khoản học phí ban đầu. Hải cũng hứa với tôi nếu được đi học tiếp, bạn sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm, trang trải chi phí học hành. Tôi tin là Hải làm được với những nghị lực vượt qua nghịch cảnh bấy lâu nay", cô Nguyệt chia sẻ.

Tranh thủ thời gian chờ nhập học, Hải mang liềm ra cắt cỏ xung quanh vườn và lối đi vào nhà bà ngoại khi cơn bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền.

"Tôi lo đi học xa nhà, căn nhà không có ai chăm nom sẽ trở thành nhà bỏ hoang", Hải nói.

Hải cắt cỏ trước khi vào Huế nhập học vì cô sợ không có ai qua lại chăm sóc, căn nhà sẽ bỏ hoang - Ảnh: Doãn Hòa

Hải xếp ít quần áo cũ đưa vào Huế nhập học - Ảnh: Doãn Hòa

Kỷ vật của bà

Trong túi hành lý mà Hải chuẩn bị vào Huế nhập học có một cuốn sổ hộ nghèo, cận nghèo đã úa màu của bà ngoại. Hải nâng niu và xem đó như là kỷ vật của bà để lại. Nhờ nó, những năm tháng đi học Hải được miễn giảm một phần học phí và nhận được một số hỗ trợ từ trường lớp.

Cô Nguyễn Thị Diễn Thúy - giáo viên chủ nhiệm ba năm học THPT của Hải - chia sẻ dù thiệt thòi so với bạn bè nhưng Hải lại là một học sinh chăm ngoan, rất ham học và có hiếu với bà ngoại.

"Chúng tôi hết sức quan tâm, thầy cô và các bạn cũng luôn động viên, đồng hành cùng Hải cả trong cuộc sống cũng như học tập. Chặng đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai, bởi vậy nhà trường mong muốn các nhà hảo tâm sẽ đồng hành, quan tâm ủng hộ để Hải có điều kiện học tập, vươn lên trước nghịch cảnh cuộc đời", cô Thúy tâm tư.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Tác giả: Doãn Hòa

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP