Cán bộ thanh tra họp nghiệp vụ. (Ảnh minh họa) |
Còn ý kiến khác nhau
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Bởi vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dự luật sẽ được trình Quốc hội (QH) xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, khai mạc tháng 5/2022.
Về hệ thống cơ quan thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, dự thảo Luật giữ nguyên các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Theo ngành, lĩnh vực, ngoài thanh tra bộ, còn có thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở.
Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, chỉ thiểu số thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí giữ nguyên ba cấp thanh tra hành chính gồm Chính phủ, tỉnh và huyện.
Ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục duy trì thanh tra huyện như hiện nay vì cho rằng tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp. Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”.
Việc giữ mô hình thanh tra huyện còn để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho thanh tra huyện. Những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện hiện không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà cần được quan tâm giải quyết, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, đa số ý kiến đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện do ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả.
Không những thế, bỏ thanh tra huyện cũng giảm đầu mối cơ quan chuyên trách thuộc UBND huyện với khoảng 713 cơ quan, phù hợp với chủ trương về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp tỉnh.
Hướng ý kiến này cũng cho rằng, việc bỏ thanh tra huyện vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho thanh tra tỉnh. Đồng thời, quản lý tập trung lực lượng thanh tra ở địa phương, thuận lợi cho việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.
Sẽ “đụng” nhiều luật
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH lại bày tỏ băn khoăn về đề xuất bỏ thanh tra huyện. “Thanh tra không chỉ làm thanh tra, thanh tra còn giúp UBND huyện làm khiếu nại, tố cáo; thanh tra còn giúp UBND huyện làm phòng, chống tham nhũng và còn các luật khác quy định nữa, bây giờ bỏ thanh tra huyện thì ai giúp huyện làm những việc đó, muốn bỏ là phải có cơ sở lý luận”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, hiện nay, có nhiều địa phương cấp huyện rất rộng như TP Thủ Đức (thành phố cấp huyện), gồm 3 quận nhập lại với dân số hàng triệu người, rất nhiều việc; hay TP Hạ Long vừa rồi nhập thêm huyện Hoành Bồ, hay Cao Bằng sáp nhập 3 huyện làm một… mà giờ không có thanh tra thì sẽ thế nào?. “Chức năng thanh tra của huyện mà để tỉnh làm thì sẽ đụng đến bao nhiêu luật và sửa luật khác thế nào?”, ông Định đặt vấn đề.
Còn Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương khẳng định, thanh tra cấp huyện là cấp không thể thiếu. Hệ thống thanh tra ở Việt Nam “đang như hình nón ngược, tức là ở trên thì nhiều, ở dưới thì quá ít”. Trong khi đó, thanh tra ở cấp huyện biên chế rất ít nhưng việc thì nhiều. Vì vậy, ông đề nghị nhất thiết phải tổ chức ba cấp và nâng cao năng lực cho cấp huyện…
Về nội dung trên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng việc giữ hay bỏ thanh tra huyện có liên quan đến Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nêu vấn đề 2 cấp thanh tra. “Tôi nghĩ vấn đề này tiếp tục nêu để QH thảo luận, chưa nên chốt chặt chỗ nào. Quan trọng là lập luận tại sao lại là 3 cấp, tại sao là 2 cấp, cũng không nề hà lắm về Chiến lược đã ban hành, vì Chiến lược cũng là văn bản mang tính định hướng, quan trọng làm sao phải thuyết phục được chuyện này”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để sau khi ban hành Luật có điều kiện xây dựng ngành Thanh tra thực sự trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản trị nhà nước, quản lý xã hội.
Tác giả: Thục Quyên
Nguồn tin: baophapluat.vn