Trong nước

Phát hiện nhiều vi phạm tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đoàn kiểm tra liên ngành về xử lý vi phạm hành chính giai đoạn 2018 - 2020 đã có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh kết quả kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, hàng loạt vi phạm đã được chỉ ra tại đơn vị này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, nơi phát hiện nhiều vi phạm. Ảnh: P.V

Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đoàn đã tiến hành kiểm tra 18 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) được thực hiện từ ngày 1/1/2016 - 31/12/2017.

Qua kiểm tra việc lập biên bản VPHC (biên bản) cho thấy, hầu hết các biên bản đều có sự nhầm lẫn giữa người chứng kiến với đại diện tổ chức vi phạm. Cụ thể tại phần: “Với sự chứng kiến của... ” lại ghi họ tên, chức vụ của đại diện tổ chức vi phạm.

Đó là, biên bản số 01/BB-VPHC ngày 21/4/2017 đối với Công ty CP tư vấn và xây dựng Đức An; biên bản số 02/BB-VPHC ngày 03/5/2017 đối với Công ty TNHH tư vấn xây dựng 179 Thanh Hóa...

Có biên bản được lập bởi thành viên đoàn thanh tra là không đúng thẩm quyền, như: Biên bản số 03/BB-VPHC ngày 7/4/2016 đối với Công ty CP xây dựng và thương mại Dũng Hiền; biên bản số 04/BB-VPHC ngày 7/4/2016 đối với Công ty CP tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng Thanh Hóa...

Bên cạnh đó, qua kiểm tra còn có những sai sót trong các quyết định XPVPHC, như: Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý VPHC có hiệu lực từ ngày 5/10/2017. Tuy nhiên các quyết định xử phạt VPHC từ ngày 5/10/2017 trở đi đều ghi thiếu căn cứ này.

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng chỉ ra những vi phạm như: mô tả hành vi vi phạm không đầy đủ theo quy định của pháp luật; quyết định xử phạt không thể hiện tình tiết giảm nhẹ nhưng lại áp dụng mức thấp nhất của khung tiền phạt (vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý VPHC).

Ví dụ, quyết định số 11/QĐ-ĐTT ngày 14/4/2016 xử phạt VPHC 30.000.000 đồng đối với Công ty CP xây dựng và thương mại Dũng Hiền, không có tình tiết giảm nhẹ nhưng lại áp dụng mức thấp nhất của khung tiền phạt (mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 30 - 40 triệu đồng).

Đồng thời, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định (vi phạm quy định tại Khoản 4, Khoản 6 Điều 12 Luật xử lý VPHC).

Cụ thể, quyết định số 08/QĐ-ĐTT ngày 5/4/2016 xử phạt VPHC 20.000.000 đồng đối với Công ty TNHH Thanh Công về hành vi “bố trí cán bộ chủ chốt, điều hành công trình không đúng với hồ sơ dự thầu”, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP: Không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP là “Buộc thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu và các quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng đổi với phần việc tiếp theo”.

Ngoài ra, không có biên bản VPHC nhưng Trưởng đoàn Thanh tra vẫn ra quyết định XPVPHC (vi phạm quy định tại Điều 57 Luật xử lý VPHC), như hồ sơ XPVPHC đối với Công ty TNHH XD&TM Tân Hoàng Phi (Quyết định số 13/QĐ-ĐTT ngàỵ 28/02/2017) về hành vi “nghiệm thu không đúng khối lượng thi công thực tế”.

Về hồ sơ XPVPHC đối với Công ty CP taxi Bắc Trung Nam Thanh Hóa (Cty Bắc Trung Nam) về hành vi “kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 3 ngày 4/7/2016” và hồ sơ XPVPHC đối với Công ty CP đầu tư y tế Ánh Dương (Cty Ánh Dương) về hành vi “kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, nhận thấy, tại mục 1.1 văn bản số 212/CAT-PC44 ngày 8/5/2017 của Công an tỉnh Thanh Hóa về việc phúc đáp các văn bản của Sở KH-ĐT và Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh Thanh Hóa đã kết luận: Hồ sơ của Cty Bắc Trung Nam có 5 loại tài liệu thì cả 5 loại tài liệu đều do bà Lê Thị Hằng - Chủ tịch HĐQT Cty Ánh Dương giả chữ ký.

Tại mục 1.2 (văn bản số 212) của Công an tỉnh Thanh Hóa, kết luận: Hồ sơ của Cty Ánh Dương có 5 loại tài liệu thì trong đó có 1 loại tài liệu là “Biên bản họp HĐQT Cty Ánh Dương do bà bà Lê Thị Hằng giả chữ ký của thư ký.

Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì trong 5 loại tài liệu này, có 1 loại tài liệu là “Văn bản xác nhận đã hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần” mà văn bản số 212 đã liệt kê không thuộc thành phần hồ sơ đăng ký hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.

Hai hồ sơ nêu trên đều có tài liệu do cá nhân bà Hằng giả chữ ký. Về bản chất, đây đều là hành vi “giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” của bà Hằng mà không phải hành vi “kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” của doanh nghiệp.

Mặt khác, hành vi “giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” không được quy định trong Nghị định số 50/2016/NĐ-CP. Hơn nữa, Điều 3 Luật xử lý VPHC quy định về nguyên tắc xử lý VPHC thì “chỉ XPVPHC khi có hành vi VPHC do pháp luật quy định”.

Vì vậy, việc xử lý hành vi “giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp” phải căn cứ theo quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 62, Điều 63 Nghị định số 78/2015/ND-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà không phải XPVPHC theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.

Do vậy, việc XPVPHC đối với Cty Bắc Trung Nam tại quyết định số 22/QĐ-TTr ngày 29/6/2017 và Cty Ánh Dương tại quyết định số 23/QĐ-TTr ngày 29/6/2017 là không đúng đối tượng, không đúng hành vi và trái với nguyên tắc xử lý VPHC. Ngoài ra, hầu hết các hồ sơ XPVPHC đều không đánh bút lục theo quy định lại Khoản 2 Điều 57 Luật xứ lý VPHC.

Theo Đoàn kiểm tra, đến nay các quyết định XPVPHC có sai sót nêu trên đã hết thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ theo quy định (trừ những quyết định đang được Tòa án giải quyết theo tố tụng thì thực hiện theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án).

Đoàn kiểm tra kiến nghị, đối với các quyết định có sai sót nêu trên, cần tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền ban hành quyết định về xử lý VPHC có sai sót theo quy định.

Đồng thời, Sở KH-ĐT phải nghiêm túc xử lý, khắc phục kịp thời những sai sót, hạn chế đối với hồ sơ và các quyết định XPVPHC nêu trên; phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, giám sát việc XPVPHC thuộc lĩnh vực mình quản lý theo đúng quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thanh tra, XPVPHC của cơ quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Sở KHĐT Thanh Hóa đã có ý kiến “phản pháo” văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh của Đoàn kiểm tra liên ngành.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP