Già làng A Blong |
Dân tộc chỉ có vỏn vẹn hơn 400 người
Sau khi vượt qua những đoạn đèo quanh co, uốn lượn cheo leo rồi lại thả mình trôi theo những con dốc thật dài của dãy Trường Sơn hùng vĩ, cuối cùng chúng tôi cũng tới được Quốc lộ 14C (có điểm đầu tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray - điểm cuối ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
Trước đây muốn vào được Mô Rai, phải vượt qua thung lũng Ya Bốc đầy hiểm trở, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì trơn trượt. Chẳng thế mà, người ta từng ví Mô Rai như một “ốc đảo” nằm biệt lập giữa rừng già.
Bây giờ, đường vào đây đã khá hơn nhiều nhưng khách vẫn phải vượt qua con đường độc đạo dài 40 cây số xuyên qua rừng già. Không còn bụi đỏ đất rừng cao nguyên bốc lên cuốn theo xe mịt mù nhưng thay vào đó là cảnh xóc lộn ruột vì mặt đường gồ ghề vì đá dăm và ổ gà. Chỉ cần sơ xẩy một chút là cả xe và người sẽ bị văng xuống vực sâu hoặc mất tích trong khu rừng rậm rạp.
Thung lũng Mô Rai giống như một lòng chảo nằm giáp biên giới với hai nước Campuchia, Lào. Khí hậu nơi đây có phần nóng và khắc nghiệt, mùa khô những cơn gió Lào quăng quật làm cho cỏ cây héo úa, còn mùa mưa thì nước trút như thác đổ. Có lẽ vì thế mà xã Mô Rai là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Giữa nơi “thâm sơn cùng cốc” đó, người Rơ Mâm (một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam-PV) lại chọn thung lũng Mô Rai này làm nơi sinh sống và lập nên làng Le. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Rơ Mâm ở Việt Nam có tổng cộng 436 người, có mặt tại 7 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong đó riêng tại tỉnh Kon Tum là 419 người.
Tính đến thời điểm này, làng Le có hơn 100 hộ với hơn 300 nhân khẩu đều là người Rơ Mâm. Người dân quanh năm chỉ biết tỉa đậu, trồng bắp, trồng khoai, trồng sắn, cả năm luẩn quẩn trong rừng, vì thế cái đói, cái nghèo cứ bám chặt lấy họ.
Thung lũng Chư Rai |
Lời nguyền giữ rừng
Từ xa xưa, người Rơ Mâm vốn sống biệt lập giữa đại ngàn Chư Mom Ray. Tổ tiên của họ có nhiều lần di chuyển nơi cư trú nhưng cũng chỉ loanh quanh ở các khu vực lưng chừng núi, chứ không xuống đến thung lũng Mô Rai như bây giờ.
Suốt một thời dài, người Rơ Mâm gần như chỉ biết trồng lúa rẫy, cây đậu và tỉa bắp. Cứ săn được con thú nào, việc đầu tiên là họ mổ bụng, lôi các bộ phận tim, cật và nội tạng ra ăn sống.
Kể về những câu chuyện trong khu rừng Chư Mom Ray, Già A Blong (SN 1953, ngụ làng Le, xã Mô Rai) cho biết: Trên đỉnh Chư Nâm Rai, đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn có một hồ nước trong xanh, quanh năm không biết cạn. Bên hồ nước ấy có một thác nước chảy dài như dải lụa. Cũng chính vì thế, nơi đây có nhiều động vật, cây cỏ quý hiếm.
Trong khu rừng này có một loài cây, khi lá vàng rơi xuống có thể lấy lá hút, hút xong cảm giác khoan khoái, con người không còn cảm giác mọi mệt. Nhưng hút nhiều sẽ thấy trời đất quay cuồng, mây cuốn con người vào giấc ngủ không biết đêm ngày là gì. Kỳ lạ nhất là loại lá trên chỉ có thể hút tại chỗ, không thể mang về nhà hút được. Ai lỡ đút túi mang về đều bị làm cho mộng du, đi loanh quanh trên núi không biết đường mà về.
Theo lời già A Blong, trước đây, đã có nhiều kẻ xấu nghe tiếng vùng đất này có nhiều động vật quý hiếm đã tìm đến săn bắn nhưng không thể bắn được con thú nào. Trời tối mà chúng vẫn không thể tìm được đường thoát ra khỏi đó, càng đi càng lấn sâu vào rừng thẳm. Sau nhiều ngày lạc trong rừng không còn thứ gì ăn nên chết rũ xương ở trong đó.
Khu rừng Chư Mom Ray còn nổi tiếng là rất linh thiêng, chỉ cần kẻ nào có ý đồ xấu, làm tổn hại, phá hoại bất cứ thứ gì trong rừng đó đều sẽ bị phạt không còn đường thoát thân. Cũng chính vì ý thức được việc động vào cây rừng sẽ bị thần linh trách phạt nên không một người Rơ Mâm nào dám săn chặt cây lớn đem về làng. Chính vì vậy, nhiều thế kỷ qua, rừng ở đây vẫn vô cùng xanh tốt.
Chuyện kể ở làng Le
Đứng từ làng Le nhìn về phía cánh rừng Chư Mom Ray thấy bạt ngàn một màu xanh thẳm với núi đồi trùng điệp nối đuôi nhau. Bao nhiêu năm nay, người Rơ Mâm ở nơi đây vẫn tin rằng, trong khu rừng ấy có nhiều chuyện bí ẩn, từ chuyện cây thần đưa người có ý đồ xấu đi lạc đường đến “người rừng không đuôi” ẩn hiện trong các hang đá giữa đại ngàn.
Đêm đến, thung lũng Mô Rai chìm trong sự bình yên, tĩnh mịch đến lạ thường. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa nhà sàn nghe già làng, thôn trưởng kể về những chuyện trong khu rừng thiêng mà thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng tắc kè kêu sau nhà. Và ở bên ngoài kia, những tiếng muông thú đang gầm rú khiến cho câu chuyện càng trở nên huyền bí.
Bên bếp lửa bập bùng, già Guông (SN 1942, ngụ làng Le, xã Mô Rai) trầm giọng kể lại: “Hàng thế kỷ nay, người Rơ Mâm chúng tôi quanh năm chỉ biết vun sới cho cây đậu, cây bắp trên rẫy. Đến khi công việc nhà nông đã tạm ổn thì đàn ông vào rừng lấy cây song, cây lồ ô về làm gùi, đàn bà con gái thì lên rừng hái măng để cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Cuộc sống của đồng bào quanh năm chỉ biết bám lấy rẫy, bám lấy rừng, vì thế thời gian cứ trôi đi trong lặng lẽ và sự yên bình. Cho đến một ngày, sự bình yên bỗng nhiên bị xáo trộn, thay vào đó là nỗi lo lắng, ngờ vực thường trực suốt một thời gian dài. Nỗi lo sợ ấy là gì? Già Guông không vội nói mà châm thuốc vào tẩu, rít một hơi thật dài.
Thung lũng Chư Rai |
“Cách đây vài chục năm, già của tôi (cha của già Guông-PV) là một trong những người đã trực tiếp nhìn thấy “người rừng không đuôi”. Đó là một buổi sáng tinh mơ, già cùng mấy thanh niên làng chuẩn bị ven đường đi đến khu rừng có những bụi song để lượm cây tốt nhất về làm đồ dùng sinh hoạt thì bỗng dưng nghe thấy vài tiếng hú lạ.
Tiếng hú vang vọng cả cánh rừng khiến cho mọi người phải chú ý. Không ai biết nó là tiếng của con gì. Cũng bởi nhiều năm sống ở làng Le, làm bạn với khu rừng nhưng chưa bao giờ người dân nghe tiếng hú nào lạ như thế. Nó không giống tiếng con người, cũng không phải tiếng hú của thú rừng. Mọi người đều tò mò muốn biết xem đó là thứ gì vì thế một cuộc “hội ý” ngắn đã diễn ra ngay tại bìa rừng.
Sau khi họp bàn, tất cả nhóm cùng đồng ý đi đến nơi phát ra tiếng lạ. Trước khi xuất phát, mọi người đều kiếm cho mình một cây rừng làm vũ khí. Họ dặn dò phải đi sát nhau, di chuyển thật nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động khiến con vật lạ bỏ chạy. Cũng không được tự ý tách khỏi nhóm, vì có thể gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác.
Sau một hồi lâu lần mò, rẽ rừng mà đi, cả nhóm đã tiến sát về nơi phát ra tiếng hú. Thật bất ngờ, vì xuất hiện trước mắt họ là một nhóm bốn, năm con vật lạ, chúng đang ở giữa bãi cây song rừng. Họ quan sát kỹ, thấy chúng có mặt hao hao giống người, vóc dáng nhỏ bằng một thiếu niên Rơ Mâm, cao khoảng hơn một mét, người có lông màu xám và không có đuôi. Điều đặc biệt là chúng đi bằng hai chân như con người, dùng tay để chẻ cây song rừng lấy lõi ăn.
Khi đang mon men tiến lại gần để trông rõ hơn thì bị đám con vật lạ phát hiện ra. Cả đám vật lạ tiến đến nhe răng, nhằm vào đám trai làng tấn công khiến tất cả hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Quá kinh hãi, không ai còn nhớ những điều đã bàn bạc trước đó, người nào cũng chạy bán sống, bán chết, không dám ngừng nghỉ. Cũng may, vì cả đám người đi rừng đó đều là những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn và thông thuộc rừng Chư Mom Ray trong lòng bàn tay nên tất cả đã nhanh chóng thoát khỏi cánh rừng...
Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở phía bắc Tây Nguyên và phía tây của tỉnh Kon Tum, trên địa phận của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Phía bắc giáp địa giới hành chính các xã: Bờ Y, Sa Loong (thuộc huyện Ngọc Hồi).
Phía nam giáp địa giới hành chính các xã Mô Rai, Ya Xiêr (thuộc huyện Sa Thầy). Phía đông giáp địa giới hành chính các xã: Rơ Kơi, Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy. Phía tây giáp biên giới Việt Nam -Campuchia–Lào.
Trên bản đồ địa lý khu bảo tồn rừng, đỉnh Chư Mom Rây có độ cao khoảng 1.800m. Từ sau chiến tranh đến giờ, rất ít khi có sự hiện diện của con người vì đỉnh núi rất nhiều thú dữ và có những đoạn dốc đứng nguy hiểm. Đây cũng là khu vực ghi nhận những lời đồn đại về sự xuất hiện của “người rừng không đuôi”.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam