Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an đã triệu tập, làm việc với 41 đối tượng, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính, nhiều chứng từ, con dấu của 2 công ty và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội.
Đây là đường dây phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước.
Chúng lập các bộ phận chuyên trách đặt tại địa bàn 3 tỉnh, thành phố, gồm: Bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TPHCM; Bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ tại TP Hà Nội và Bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai, do Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1993, trú Long Thạnh Mỹ, Quận 9, TPHCM); Phạm Thị Huyền (SN 1990, trú Lào Cai) và Chống Ngọc Phụng (SN 1999, trú phường 11, Bình Thạnh, TPHCM) điều hành.
Các đối tượng bị lực lượng Công an tạm giữ |
Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ: Các đối tượng đã lập ra Công ty TNHH công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (Vndong, Hitien, Zdong, Hvay...), liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất khoảng 2.090,93%/năm.
|
Để vay tiền, khách hàng được bộ phận hỗ trợ, chăm sóc hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, cung cấp đầy đủ thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng, nghề nghiệp, nơi làm việc, ảnh chân dung, giấy tờ tùy thân; cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ, các ứng dụng trên điện thoại… và đăng ký khoản vay. Sau đó, hồ sơ vay của khách hàng sẽ được bộ phận thẩm định kiểm tra, đánh giá, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được duyệt khoản vay.
Sau đó, bộ phận trung gian thanh toán sẽ tiến hành giải ngân (chuyển số tiền vay) vào tài khoản ngân hàng của khách hàng là 59,9% so với số tiền khách vay. Các đối tượng cho vay được hưởng lợi 40,1% được gọi là các khoản phí và lãi suất cho gói vay 7 ngày.
|
Trong thời gian 7 ngày, khách hàng phải thanh toán khoản vay vào tài khoản do các đối tượng chỉ định. Khi khoản vay tới hạn thanh toán, nhân viên sẽ liên lạc với khách hàng để nhắc nợ. Nếu khoản vay quá hạn, bộ phận thu hồi nợ sẽ liên lạc và sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè… để thu hồi được khoản vay, phí phạt quá hạn là 6%.
Tính đến nay, có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay với tổng số tiền khách hàng vay là 1.802,1 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, lượng tiền chiếm hưởng là 322,6 tỷ đồng.
|
Qua đấu tranh, các đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Hiện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lào Cai đấu tranh, mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đây là chiến công xuất sắc của cán bộ chiến sĩ các đơn vị Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát Hình sự; Công an tỉnh Lào Cai chào mừng 76 năm ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946- 12/7/2022), 60 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022).
Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng |
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn trên; không nên vay tiền qua các app hoạt động trái phép trên không gian mạng; không cung cấp các thông tin của mình và người thân, bạn bè cho các đối tượng; khi bị các đối tượng gọi điện đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm... cần khai báo với cơ quan Công an địa phương nơi cư trú để xử lý theo quy định.
Tác giả: Mai Hà
Nguồn tin: congan.com.vn