Xã hội

Người chồng xích cổ vợ ở Thái Bình có thể bị xử lý thế nào?

"Để khẳng định hành vi của Tùng sẽ bị xử lý hình sự hay hành chính thì cần phải chờ cơ quan điều tra, xác minh làm rõ mới có thể ra quyết định phù hợp", luật sư Long nhận định.

Như đã đưa tin, chị P.T.T (SN 1980) trú tại xã Trà Giang, huyện Kiến Xương (Thái Bình) bị chồng là Lại Thanh Tùng (SN 1973) dùng dây xích xích cổ vào chiếc xe ô tô đồ chơi khiến người dân địa phương và dư luận bức xúc.

Người thân phát hiện sự việc đã nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng địa phương và Công an huyện Kiến Xương vào cuộc điều tra, xác minh, đồng thời lấy lời khai Tùng và những người có liên quan để xử lý.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Bùi Duy Tưởng – Trưởng Công an xã Trà Giang cho biết: “Trong ngày xảy ra sự việc (5/6), chị T. đã có đơn xin miễn giảm trách nhiệm hình sự cho Tùng, nhưng đây chỉ là lá đơn để giảm nhẹ tội, còn việc làm của Tùng sai trái đến đâu, cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý đến đó".


Hình ảnh chị T. được phát tán trên mạng xã hội.

Nói về trách nhiệm hình sự của Tùng gây ra cho vợ, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, xét về hành vi, Tùng đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị T. nên sẽ tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi đó để xem xét, xử lý:

Trong trường hợp hành vi của Tùng có tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm vợ nhưng không nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 với số tiền phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Trường hợp hành vi của Tùng có tính chất xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm chị T. thì Tùng sẽ bị khởi tố với tội danh “Làm nhục người khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 8 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nói về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, nếu chị T. không yêu cầu khởi tố thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án đối với hành vi của anh Tùng gây ra.

Đoạn dây xích Tùng đã dùng để khoá cổ vợ và nhốt trong nhà. Ảnh: Đ.Tuỳ

Theo luật sư Long, điều quan trọng nhất trong sự việc này là xác định thế nào là “xúc phạm nghiêm trọng” để xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích vấn đề này với tội danh kèm theo.

Tuy nhiên, có thể thấy trong quá trình xích vợ, Tùng không hành hung, thậm chí còn bật quạt cho vợ và bảo vợ lên giường nằm nghỉ. Điều đó thể hiện Tùng không hề có ý chí muốn làm nhục vợ mà chỉ muốn xích chị T. để chị không đi ra ngoài được.

Bên cạnh đó, bản thân Tùng đã nhận thức rõ việc làm của mình là sai trái, vi phạm pháp luật nên đã xin lỗi gia đình nội ngoại, xin lỗi vợ con mong muốn được giảm nhẹ hình thức xử lý của cơ quan chức năng. Đồng thời chị T. cũng có đơn xin cơ quan chức năng miễn trách nhiệm hình sự vì vợ chồng họ vẫn còn yêu thương nhau.

"Do đó, để khẳng định hành vi của Tùng sẽ bị xử lý hình sự hay hành chính thì cần phải chờ cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh làm rõ mới có thể ra quyết định phù hợp", luật sư Long thông tin.

Chia sẻ với PV, luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc Công ty Luật TNHH You Me khẳng định, hành vi của của Tùng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng và phạm tội làm nhục người khác.

Theo luật sư Hà, xét về mặt xã hội và pháp luật, hành vi của Tùng đáng lên án vì đối tượng đã có hành động mất nhân tính với chính người vợ mình. Tuy nhiên, đối tượng này đã nhận ra hành vi sai phạm và chị T. có đơn xin giảm nhẹ tội nên hoàn toàn có thể giải quyết theo hướng đơn giản hơn.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước hành động của Tùng đối vợ chị T.

Sau khi sự việc xảy ra, chị T. làm đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho Tùng. Ảnh: Đ.Tuỳ

Ông Thắng cho rằng, người phụ nữ phải tự có ý thức bảo vệ mình, đồng thời có sự liên hệ với các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng, với gia đình mình... để có sự hỗ trợ cần thiết khi ứng xử với hành xử thô bạo của chồng.

Nói về việc chị T. làm đơn xin miễn nhẹ tội cho Tùng, ông Thắng cho biết: “ Hành động người vợ bị hành hạ dã man như vậy mà lại nhẫn nhịn, thậm chí còn bào chữa, bao che cho hành vi của chồng thì không thể khuyến khích được”.

Tuy nhiên, nếu chị T. không tố cáo, từ chối cung cấp chứng cứ cho cơ quan chức năng thì sẽ khó xử lý. Nhưng các đoàn thể, chính quyền địa phương nắm được các chứng cứ cụ thể như: quay phim, chụp ảnh, đưa đi giám định thương tích thì vẫn có thể xử lý Tùng về mặt pháp luật.

Tác giả: Đức Tùy
Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP