Xã hội

Nghệ An: Cần đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở hồ Cửa Nam

Trước khi cháu Nguyễn Trung K (10 tuổi, phường Đông Vĩnh, Tp Vinh) bị đuối nước tử vong thì đã có 4 trường hợp khác đều là các cháu nhỏ rơi xuống hồ sinh thái Cửa Nam, nhưng may mắn được người dân cứu kịp thời.

Như PL&DS đã thông tin, trước đó ngày 17/6, trong khi đang chơi với bạn ở cạnh Hồ sinh thái Cửa Nam, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An cháu Nguyễn Trung K không may trượt chân rơi xuống hồ.

Do vào thời điểm cháu bé gặp nạn ít người qua lại nên nạn nhân đã tử vong trước khi người dân phát hiện và đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nghe tin con gặp nạn, chị Dương Thị Phụng (56 tuổi) đã phải nhập viện cấp cứu. Trong buổi đưa tang cháu bé xấu số, nhiều người dân đã không cầm được những giọt nước mắt. Người mẹ ngất lên ngất xuống, gào khóc vì thương con đoản mệnh.

Theo tìm hiểu về hoàn cảnh mẹ con chị Phụng, nhiều người hàng xóm cho biết, nhà chị có ba mẹ con, chị đã ly hôn chồng từ lâu. Một mình chị bươn chải nuôi ba con ăn học. Cũng bởi vậy cuộc sống gia đình chị rất khó khăn. Để có tiền lo cho các con, chị chạy vạy làm đủ việc, từ buôn bán ở chợ, đến trông giữ trẻ cho những gia đình gần nhà.

Trong không khí đau thương, ông Q hàng xóm nấc nghẹn cho biết: "Cháu K ngoan, học giỏi có tiếng ở khối này. Do hoàn cảnh gia đình vất vả nên cháu Kiên cũng nhận thức sớm, thương mẹ mà cố gắng học hành, chăm ngoan. Giờ cháu gặp nạn, chúng tôi thực sự rất đau lòng. Thương cháu nó đoản mệnh, số phận ngắn ngủi, thương cho Phụng, nỗi đau này biết khi nào nguôi ngoai được".

Trước sự ra đi đột ngột của K, nhà trường cũng như chính quyền cơ sở cũng đã đến chia sẻ mất mát, đau thương với gia đình. Nhiều bạn học cùng lớp có mặt trong buổi đưa tang ấy đã khóc nấc trước cái chết của K.

Nơi cháu K gặp nạn tử vong tại hồ nước sinh thái Cửa Nam (Ảnh: Vũ Phan)

Nhắc lại việc cháu K gặp nạn, nhiều người dân sống xung quanh hồ sinh thái Cửa Nam bức xúc cho rằng, một hồ sinh thái rộng, nước hồ chỗ cạn nhất cũng sâu tới 2 mét, chỗ sâu cũng phải gần 4 mét. Nhưng không hiểu sao xung quanh hồ không thiết kế được một hàng rào bao quanh, tránh những tai nạn đau lòng như cháu K. Nếu chính quyền địa phương có phương án bảo vệ có lẽ cháu Kiên đã không phải gặp phải tai nạn như vậy.

Trước khi cháu K gặp nạn, trong hai tháng qua, đã có 4 cháu bé khác trượt chân rơi vào hồ nước 'tử thần' này. Thế nhưng rất may mắn là cả 4 cháu bé kia đều được người dân phát hiện và cứu kịp thời.

Hồ sinh thái Cửa Nam nằm trong tiểu dự án đô thị Vinh. Hồ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu. Nhưng nó đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuổi nước ở mức báo động đỏ. Nguyên nhân là lòng hồ sâu, bờ hồ lại không có hàng rào bảo vệ và được thiết kế dốc thoai thoải. Vì thế, khi trẻ em chơi ở cạnh hồ, sơ suất sẩy chân xuống thì sẽ bị đẩy ra xa bờ và gặp nạn đuối nước là điều khó tránh khỏi nếu không biết bơi.

Nói về việc vì sao hồ sinh thái Cửa Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nhưng không có biển cảnh báo hay hàng rào bao quanh, ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc ban quản lý tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cho biết: "Trên thiết kế công trình không có phần rào chắn xung quanh hay phải đặt biển báo nguy hiểm cũng như quy định pháp luật không có yêu cầu phải làm lan can. Không riêng gì hồ sinh thái Cửa Nam mà tất cả các hồ khác đều vậy, bởi đó là không gian mở kết nối giữa con người và thiên nhiên . Điển hình như hồ ở công viên trung tâm thành phố Vinh là nơi vui chơi giải trí cho trẻ em nhưng chỉ có phần rào chắn thu vé chứ không có phần rào chắn quanh hồ".

Nói vậy không có nghĩa là nói cho qua trách nhiệm. Vấn đề đặt ra ở đây, chúng tôi thiết nghĩ rằng, phía Ban quản lý dự án cần có phương án, nếu chưa có thiết kế, cần phải điều chỉnh, thêm vào. Trước những sự việc đau lòng đã xảy ra, chúng ta cần phải nhìn nhận trách nhiệm một cách đúng đắn, và cần phải có biện pháp khắc phục để những tai nạn thương tâm không còn diễn ra.

Tác giả: Hoàng Phạm và Vũ Phan
Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh
  Từ khóa: trường hợp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP