Trong tỉnh

Mường Lống thoát nghèo

Nếu ai đã đến Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có lẽ đều cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Được ví như “Sa Pa của xứ Nghệ” nhưng để đặt chân tới Mường Lống phải vượt qua cung đường đèo gần 50km với nhiều khúc cua nguy hiểm. Đặt chân đến đây, trong cảnh sắc thiên nhiên nên thơ còn được nghe câu chuyện về những người Mông nỗ lực đi tìm con chữ để hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo.

Khung cảnh ở Mường Lống.

Từ vùng đất khó

Nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, thung lũng Mường Lống được ví như “cổng trời” xứ Nghệ. Cách đây chừng vài chục năm, nhắc tới địa danh Mường Lống, chẳng mấy ai đủ can đảm để tới. Thời ấy, người vào Mường Lống chỉ là anh bộ đội, chị giáo viên đi nghĩa vụ hay dăm thì mười họa có cán bộ huyện vào làm việc với xã, thôn bản. Đường vào Mường Lống quanh co, cua gấp khuỷu tay, rất nguy hiểm. Sự xa ngái và khó khăn về cung đường đã làm cho Mường Lống trở thành vùng đất nghèo bậc nhất xứ Nghệ. Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời chia sẻ như vậy. Ông Xà nói: “Do điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù của vùng biên viễn, phần lớn bà con lâu nay chỉ trông đợi vào vài thửa ruộng, vật nuôi. Thành ra, cuộc sống vì thế còn gian truân, khó khăn lắm”.

Vùng đất cực Tây xứ Nghệ còn ẩn sâu dưới lớp sương mờ với biết bao câu chuyện chất chứa vào đêm 24/6/1964, một trận tàn sát kinh hoàng của phỉ Châu Phà (vua trời) đã cướp đi sinh mạng của 21 công nhân đang làm việc tại Trại dược liệu Mường Lống thuộc Ty Lâm nghiệp Nghệ An. Cũng trong đêm ấy, không chỉ Trại dược mà tất cả các cơ quan ở Mường Lống đều bị phỉ tấn công và đều có người thương vong. Biết tin Mường Lống bị phỉ tấn công, các lực lượng chức năng tại thị trấn Mường Xén ngay lập tức vào yểm trợ, lập lại trật tự. Mường Lống còn là quê hương của Anh hùng, liệt sĩ Và Bá Giải. Anh Giải sinh năm 1975, là con trai thứ 2 trong gia đình ông Và Phái Tểnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp THPT, anh tình nguyện tham gia vào lực lượng Bộ đội Biên phòng. Ngày 26/7/2004, Trung úy Và Bá Giải khi đang làm nhiệm vụ trinh sát tuần tra địa bàn Đồn Biên phòng Tam Hợp quản lý (gồm 2 xã Tam Hợp và Tam Quang, huyện Tương Dương) đã bị một toán phỉ đang tìm cách xâm nhập biên giới bắn trả và anh đã hy sinh.

Nhưng nay, một Mường Lống đã đổi khác rất nhiều. Những rẫy thuốc phiện đã bị phá bỏ, thay vào đó là mận, đào ngon nức tiếng. Trong khung cảnh bình yên của bản làng, ông Và Chá Xà vui mừng khoe: 13 bản thì bản nào đời sống cũng khấm khá hơn nhờ chăn nuôi bò, gà đen cho thu nhập cao. Hằng ngày, thương lái dưới xuôi đánh xe lên mua bò cứ nườm nượp. Mừng lắm! Trên đất Trại dược liệu Mường Lống năm xưa, nay được một tập đoàn đầu tư hàng chục tỷ đồng trồng cây dược liệu. Trong căn nhà tình nghĩa của Anh hùng, liệt sĩ Và Bá Giải cũng luôn rộn tiếng cười con trẻ. Căn nhà đã trở thành địa chỉ đỏ để con em người Mông học tập, noi gương.

Mường Lống được ví như vùng đất học ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn

Đất học nơi “cổng trời”

Những đói nghèo, lạc hậu… một thời chính là động lực để người Mông nơi Mường Lống trỗi dậy niềm tự tôn quyết tâm vươn lên trong học tập. Theo thống kê sơ bộ, nhiều người Mông ở Mường Lống học hành, đỗ đạt cao, đảm đương nhiều chức vụ ở tỉnh, huyện… và được ví như là vùng đất học ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Hiện nay, có thể kể đến những người con của quê hương Mường Lống đã góp sức xây dựng quê hương Nghệ An như anh Và Bá Của - Phó phòng Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh); bác sĩ Xồng Bá Dìa công tác tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh.

Với anh Và Bá Của, hành trình đi học rồi vượt “cổng trời”… làm cán bộ tỉnh, có lúc tưởng như sự học của anh phải tạm gác lại. Nhưng rồi, ý nghĩ “làm sao để thoát nghèo, chỉ có học và học”… lại thôi thúc bước chân anh. Trong tiềm thức của Và Bá Của, hành trình đi tìm con chữ đầy gian nan như chính con đường vào bản Xám Xúm, vào đất Mường Lống quê hương của anh vậy. Anh Của kể: Tôi đi bộ mất 2 ngày đường từ nhà mới ra được thị trấn Mường Xén để học cái chữ. Để tới trường, tôi phải đi bộ từ mờ sáng, đùm gạo và muối trắng mang theo. Tối ở đâu thì ngủ nhờ ở đó. Sáng mai lại đi tiếp và tới cuối chiều mới ra đến trường. Ở đất Mường Lống, những người Mông từng là cán bộ huyện thì nhiều lắm như: Cụ Vừ Nhìa Vừ - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; ông Lầu Nỏ Tu - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện; ông Hờ Pa Chù - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; ông Lầu Chồng Vừ - nguyên Phó bí thư Huyện ủy…

Với cán bộ đương nhiệm thì cũng không ít như: Ông Lầu Bá Thái - Phó Phòng Nội vụ; Lầu Bá Tĩnh - Trưởng Phòng Dân tộc; Lầu Bá Súa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT huyện; Lầu Bá Chò - Phó khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện huyện; Và Bá Hùa - Phó trưởng Công an huyện; Mùa Bá Bì - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông huyện… Đặc biệt, kể về người con Mường Lống không thể quên ông Lỳ Bá Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn, một tấm gương vượt khó về sự học. Chính ông Thái cũng là một trong những người Mông đầu tiên ở Kỳ Sơn có bằng đại học. Để đến trường, bắt đầu từ năm lớp 3, ông đã phải băng rừng đi bộ quãng đường 10 km. Khi lên cấp 2, quãng đường lên tới 60 km, vượt qua nhiều gian khổ, để hôm nay trở thành lãnh đạo huyện góp sức đưa quê hương phát triển.

Đời sống của người dân Mường Lống ngày càng khấm khá hơn.

Nói về vùng đất khó Mường Lống, thầy Đoàn Huy Quang - người có thời gian công tác ở Kỳ Sơn từ năm 1993 và nay đang là chuyên viên Phòng Giáo dục huyện cho biết: 40 năm ở đây, tôi hiểu rất rõ vùng đất cực Tây xứ Nghệ này. Rất nhiều cán bộ, giáo viên là người Mông của xã Mường Lống đang công tác ở các trường khác trong toàn huyện. Còn chất lượng giáo dục ở Mường Lống, có truyền thống từ xưa. Riêng 3 năm trở lại nay, chất lượng giáo dục thuộc tốp đầu của huyện.

Lâu nay có một câu chuyện được cho là “bước đột phá” về sự học của người Mông ở Mường Lống. Tết của người Mông diễn ra chừng 1 tháng trước Tết Nguyên đán. Vậy là, vì ăn hai cái tết cùng một thời điểm, mất chừng 2 tháng, mà nhiều trẻ người Mông ít đi học hoặc bỏ học sớm. Nhận thấy sự bất cập đó, năm 1994, khi đang là sinh viên năm nhất của Học viện Biên phòng, ông Lỳ Bá Thái đã gửi thư cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Nghệ An kiến nghị sáp nhập Tết cổ truyền người Mông với Tết Nguyên đán.

Cùng thời điểm đó, huyện Kỳ Sơn cũng ra Nghị quyết để sáp nhập Tết cổ truyền người Mông vào Tết Nguyên đán. Trong đó, xã Mường Lống là xã đầu tiên triển khai. Dù có ý kiến trái chiều khiến ông phải giải thích mãi, nhưng đó là một “bước đột phá” lớn. Kể từ sau đó, số lượng con em người Mông đến trường tăng dần, trong đó có trẻ em ở Mường Lống. Cho đến nay, ở Kỳ Sơn nói chung, Mường Lống nói riêng, người Mông có tỷ lệ tốt nghiệp đại học nhiều nhất trong các đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả: Điền Bắc

nguồn tin: Báo Đại Đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP