Thủ tướng Phan Văn Khải ghi sổ lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên trong lần về thăm và làm việc tại Nghệ An năm 1998 (nhà báo Văn Hiền đứng ngoài cùng bên phải). Ảnh: Sỹ Minh |
Rộng dài, mênh mang, miền tây hôm nay, ta bắt gặp bạt ngàn vùng mía nguyên liệu hàng hục vạn ha trải tít tắp vùng Phủ Quỳ lên Quỳ Hợp, Quỳ Châu; hàng chục vạn ha cam giống mới; hàng vạn ha đồng cỏ dành cho đàn bò sữa Tập đoàn TH, chưa kể hàng nghìn ha cao su, cà phê. Ấy là chưa nhắc tới Khu công nghiệp chế biến sữa tươi hàng trăm triệu lít, khu chế biến đường với công suất ép hàng nghìn tấn mía cây mỗi ngày và các cụm công nghiệp chế biến gỗ cao cấp tại trung tâm thị xã Thái Hòa; tại xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)... nằm dọc tuyến đường mang tên Bác kính yêu chạy suốt Bắc, Nam.
Điều mới mẻ hơn, tươi sáng hơn cho hôm nay, cho tương lai gần, tương lai xa về sản lượng hàng hóa, giá trị hàng hóa đem lại hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm từ vùng kinh tế mới miền Tây Nghệ An, mà cái quý giá hơn là nền tảng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, được tạo lập từ năm 1998 cả về định hướng mang tầm chiến lược, lẫn những bước đi, giải pháp đột phá cụ thể cho từng vùng, từng địa phương, thậm chí từng cụm công nghiệp, loại cây, loại con vật nuôi phù hợp công nghệ phát triển của thế giới.
Làm sao có thể quên người gợi mở cho tương lai vùng kinh tế mới miền Tây Nghệ An lúc bấy giờ, khi mà điểm xuất phát ban đầu của Nghệ An còn thấp, nếu không muốn nói có lĩnh vực chỉ là con số không. Con Người trân trọng viết hoa ấy là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người khai mở ý tưởng, và chính Thủ tướng Phan Văn Khải, người kế nhiệm sau khi nhận trọng trách lớn của Đảng, Chính phủ, đã vào thăm Nghệ An, quê hương cách mạng, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và biết bao nhân sĩ, trí thức lớn của dân tộc.
Năm 1998, vào tiết se lạnh, nắng mỏng và nhẹ theo hành trình của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi được Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ là Hồ Xuân Hùng chỉ định tháp tùng chuyến thăm, làm việc tại Nghệ An của Thủ tướng Phan Văn Khải. Chưa vội làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc Chủ tịch Hồ Xuân Hùng lên miền Tây Nghệ An, ông hăm hở, tươi cười gặp gỡ người lao động vùng Phủ Quỳ, quan sát vùng đất đỏ bazan rất hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây cho múi, cây nguyên liệu, mà cách đó gần 1 thế kỷ người Pháp đã nhìn ra tiềm năng, lợi thế để thành lập gần chục đồn điền trồng cà phê, cao su, khai thác theo kiểu thực dân, nghĩa là tận thu, không trả lại độ phì nhiêu cho đất đai.
Vùng nguyên liệu mía miền Tây Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Ông trao đổi thật tình với Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng về hướng phát triển kinh tế hỗn hợp, đa canh, đa con và tập trung với quy mô lớn vùng Phủ Quỳ, Quỳ Hợp, tạo cơ sở cho phát triển công nghiệp chế biến. Ông tỏ ra băn khoăn, nuối tiếc về tiềm năng sản xuất nông sản với lợi thế mở tuyến đường sắt Nghĩa Đàn đi Cầu Giát, nối đường sắt Bắc – Nam mà chỉ dành vận chuyển lâm sản khu công nghiệp rừng, sông Hiếu với sản lượng 9 vạn mét khối gỗ/năm. Sự nuối tiếc của Thủ tướng quả là nhãn tiền vì khi gỗ hết, rừng kiệt thì tuyến đường sắt dài hơn 30 km cũng hoang phế, bị bóc nền đường, trở thành nỗi ám ảnh về một chủ trương đầu tư thiếu tầm nhìn rộng mở.
Khi ông Hồ Xuân Hùng trình bày chủ trương phát triển vùng mía nguyên liệu miền tây và đặt khu nguyên liệu chế biến mía đường với công suất ép 6000 tấn mía cây mỗi ngày, Thủ tướng hồ hởi đồng ý và lưu ý Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cần lựa chọn đối tác có tiềm lực kinh tế, công nghệ tin cậy bền vững, lâu dài, còn tài chính đầu tư cho dự án lớn nhất hồi bấy giờ sẽ do chính phủ bảo đảm, cân đối.
Và sau đó không lâu dự án mía đường Tate&Lite, dự án liên doanh với Vương quốc Anh, đã nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút trí tuệ, công sức đầu tư xây dựng khu liên hiệp mía đường đặt tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, làm bừng sáng, sôi động suốt dải đất từng chìm đắm bao nhiêu năm trong nếp nghĩ, cách canh tác thủ công, “mì ăn liền”, “cò con”, “khép kín”...
Nhà máy mía đường Nghệ An Tate&Lite. Ảnh tư liệu |
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng chân tình trao đổi, với giọng nói trầm ấm, về cung cách triển khai bài bản, có khoa học, không chỉ trước mắt, mà tính tới bước đi lâu dài cho vùng đất đầy tiềm năng này. Cũng trong dịp về thăm làm việc với lãnh đạo Nghệ An, Thủ tướng Phan Văn Khải còn lưu tâm tới hướng phát triển trọng điểm cây chè, hình thành vùng chè công nghiệp cho xuất khẩu ổn định mà thị trường Đông Âu, Mỹ la tinh, Trung Đông, châu Phi đang rất cần chè Việt Nam được tinh chế.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm vườn cam tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp), xã có "làng tỉ phú" từ nghề trồng cam hàng hóa. Ảnh: Ngô Kiên |
Thủ tướng chân tình đặt vấn đề với tập thể lãnh đạo tỉnh về phương hướng phát triển công nghiệp, làm sao nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, chuẩn bị vị thế, tư tưởng, ý chí đón đầu xu thế đầu tư nước ngoài sau khi Mỹ bỏ cấm vận năm 1996 vào mảnh đất Nghệ An.
Có thể nói Thủ tướng Phan Văn Khải trong suốt nhiệm kỳ điều hành hoạt động của Chính phủ luôn quan tâm tới quê hương Bác. Tới thăm khu di tích Kim Liên, Thủ tướng Phan Văn Khải căn dặn cán bộ, nhân viên phải đại diện cho cả nước chăm sóc, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể di tích cho muôn đời các thế hệ Việt Nam và khách quốc tế hiểu hơn, tin yêu hơn nhân cách lớn, đạo đức lớn ẩn trong cái bình dị, thanh cao của Bác Hồ chúng ta. Về thăm huyện lúa Yên Thành cùng phu nhân và con gái Phan Thị Yến, Thủ tướng nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo phải quan tâm tới giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, không khuất phục trước quân thù, hiên ngang trước pháp trường thực dân Pháp của người trí thức cách mạng Phan Đăng Lưu.
Thể theo tình cảm của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Xuân Hùng đã trực tiếp chỉ đạo ngành giao thông nâng cấp tuyến đường dẫn vào khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu.
Một góc thành Vinh hôm nay. Ảnh tư liệu. |
Với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghệ An, dấu ấn Thủ tướng Phan Văn Khải không phai mờ trong ký ức.
Tác giả: Văn Hiền
Nguồn tin: Tạp chí Người Làm Báo