Lễ tạ ơn hay gọi là tục trả ơn của đồng bào Khơ Mú, thường được tổ chức vào những dịp nông nhàn, sau tết nguyên đán. Đây là lễ mà người con rể dành để tạ ơn cho gia đình bên vợ, khi họ đã có con cái, có nhà riêng, và làm ăn khấm khá. Lúc đó vợ chồng người con rể sẽ sắm lợn, gà, rượu để tổ chức nghi lễ tạ ơn cha mẹ vợ vì đã có công sinh thành.
Lễ tạ ơn bố mẹ vợ của con rể là một trong những phong tục truyền thồng của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Kỳ Sơn
Ông Moong Thái Nhi - trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Kỳ Sơn cho biết: Lễ tạ ơn của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn, đã có từ lâu đời thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ, đặc biệt là con rể và con gái khi lấy vợ gả chồng. Nhưng lại phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng vợ chồng, cũng không bắt buộc, có thể lấy nhau 2 năm, 3 năm, có thể 10 năm, khi nào có điều kiện là tùy bên con rể và con gái, đến tổ chức mục đích là để tạ ơn cho bố mẹ ngoại.
Con lợn và c hum rượu cần là hai vật cúng không thể thiếu trong lễ tạ ơn của người Khơ Mú
Vật cúng có ý nghĩa, và không được thiếu trong lễ tạ ơn đó là con lợn và hai chum rượu cần. Nếu trong phong tục làm vía của đồng bào Mông, hay người Thái, khi thực hiện nghi thức phải cần đến thầy mo khấn, cầu, còn lễ tạ ơn của người Khơ Mú không phải do thầy mo khấn mà do chính người con rể thực hiện. Địa điểm tổ chức lễ tạ ơn cũng được đồng bào coi trọng, nơi đó bắt buộc phải là gian bếp, nơi có một gác bếp nhỏ, theo quan niệm của người Khơ Mú thì đây chính là nơi cư ngự của tổ tiên, ông bà.
Ông Cụt Phò Lan - bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu, Kỳ Sơn nói: Phong tục của người Khơ Mú, có 2, 3 đứa cháu thì làm tạ ơn cho bố mẹ, mình không làm cái ny là làm ăn không phát đạt, không son sẻ,. bố mẹ sinh đẻ con nuôi vất vả phải trả ơn cho ông bà cha mẹ mình bên ngoại, bên nội ny là đi chứng kiến cho con trai mình, lấy du về là phải có trách nhiệm, không có trách nhiệm làm ăn thì nó suy.
"Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là Đạo Con". Báo hiếu là bổn phận thiên liêng của tất cả mọi người. Và Lễ tạ ơn là một cách báo hiếu, thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của cộng đồng người Khơ Mú ở huyện biên giới Kỳ Sơn.
Tác giả bài viết: Lữ Phú