Cơ quan Hải quan cảnh báo hệ lụy từ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thương vụ nhập lậu cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời đưa ra các phương án để ngăn chặn, xử lý tận gốc.
Cụ thể, ngày 17/3 Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc.
|
Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết hàng hóa nhập khẩu thực tế của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu.
Kiểm tra lưu kho của doanh nghiệp này ngày 23/3, toàn bộ lô hàng doanh nghiệp đã tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan.
Cùng trường hợp, ngày 19/3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai vào cuộc kiểm tra, 6 mẫu cá nhập thực tế không đúng chủng loại với khai báo hải quan và giấy phép được cấp trước.
Theo Tổng cục Hải quan, tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), qua mẫu giám định, nhiều viện, cơ quan chức năng đã các định được lô hàng cá tầm lai. Việc nhập khẩu loài cá lai tiềm ẩn nguy hại đến môi trường, tương tự các loại ốc bươu vàng, rùa tai đỏ.
Hải quan Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Trường hợp không đúng với Giấy phép, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ NN&PTNT trao đổi với Cơ quan CITES Trung Quốc và có biện pháp xử lý triệt để đối với vấn đề này, tránh việc cá tầm không rõ nguồn gốc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục, Chi cục Hải quan phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng cá tầm nói riêng và các mặt hàng động vật, thực vật tươi sống hoặc đã qua chế biến nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, có cảnh báo để ngăn chặn việc các loài động vật ngoại lai có hại hoặc không có trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (như: tôm hùm đỏ, tôm hùm đất, rùa tai đỏ...) nhưng vẫn được nhập vào Việt Nam.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí